Ngày 8/4, Công an tỉnh Nghệ An cho biết tiếp nhận trình báo của một người phụ nữ về việc bị lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo trình báo, chị H, một giáo viên tại Nghệ An, bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ. Người đàn ông ở đầu dây tự xưng là cán bộ cơ quan điều tra, yêu cầu chị phối hợp làm rõ hồ sơ liên quan đến định danh công dân. Người này đọc chính xác thông tin cá nhân của chị và chồng từ tên tuổi, nghề nghiệp, đến thông tin về 2 con nhỏ khiến chị hoàn toàn tin tưởng.
![]() |
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận trình báo của người dân. |
Theo hướng dẫn, chị tải một ứng dụng có biểu tượng giống phần mềm hành chính chính thống. Sau khi cấp quyền truy cập, xác thực khuôn mặt và chuyển thử 12.000 đồng vào tài khoản được cho là của Kho bạc Nhà nước, chị mất quyền kiểm soát điện thoại.
"Khi tôi mở lại ứng dụng ngân hàng, toàn bộ tài khoản ở một số ngân hàng và đặc biệt là nơi tôi gửi online hơn 750 triệu đồng đã bị rút sạch. Tổng cộng tôi mất gần 800 triệu đồng. Tôi choáng váng, không thể tin nổi", chị H. kể.
Không dừng lại, nhóm lừa đảo tiếp tục yêu cầu chị khai báo hồ sơ định danh của chồng, cài phần mềm vào điện thoại thứ hai. "Chúng bảo nhập cả mã hồ sơ của hai đứa con. Mọi thông tin của gia đình tôi đều bị chúng nắm trong tay", chị nói.
Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An, cho biết đây là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có kịch bản bài bản từ đầu tới cuối. Đối tượng sử dụng phần mềm giả mạo cài trên điện thoại Android, chiếm quyền điều khiển từ xa, sau đó thực hiện tất toán sổ tiết kiệm online của nạn nhân thông qua thiết bị chính chủ.
"Chúng không cần biết mật khẩu ngân hàng. Một khi đã chiếm được điện thoại, các thao tác như xác thực khuôn mặt, đăng nhập, chuyển tiền đều được thực hiện từ xa. Việc rò rỉ dữ liệu cá nhân khiến nạn nhân bị đưa vào tầm ngắm. Hacker có thể lấy thông tin từ các nền tảng yếu bảo mật, sau đó bán cho tội phạm. Bọn lừa đảo biết cả số dư tài khoản ngân hàng trước khi hành động", Trung tá Hà Huy Đức cho hay.
Công an Nghệ An khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không cài bất kỳ ứng dụng nào được yêu cầu qua điện thoại, kể cả mang danh nghĩa "cơ quan Nhà nước". Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, định danh, mã OTP... cho bất kỳ ai. Tuyệt đối không chuyển khoản "thử" dù chỉ vài nghìn đồng. Đó có thể là cái bẫy đầu tiên dẫn đến người dân mất trắng toàn bộ số tiền trong tài khoản. Sau khi bị lừa mất tiền, người dân tiếp tục có thể bị lừa tiếp bởi các dịch vụ "thu hồi tiền treo" trên mạng xã hội.
Sách về Pháp luật
Cuốn "Thủ tục đăng ký và cấp một số giấy tờ cá nhân" gồm 10 chương với nội dung về thủ tục đăng ký khai sinh; kết hôn; giám hộ; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; về căn cước công dân; đăng ký thường trú, tạm trú và thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.