Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một lần đến hòn đảo yên tĩnh nhất xứ bạch dương

Kizhi là một hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 6 km2 ở phía bắc của hồ Onega, được xem là hòn đảo thanh bình nhất nước Nga với những công trình kiến trúc cổ, độc đáo.

Những ngày ở Saint Petersburg, tôi được chủ khách sạn tư vấn nên đi đến Kizhi, một hòn đảo được người dânđánh giá là thanh bình và yên ả. Tôi không do dự để bắt đầu hành trình đến với Kizhi để thưởng thức một nước Nga lặng lẽ, bình yên sau những ngày chu du ở Moscow và Saint Petersburg.

Tôi bắt chuyến tàu đêm đến Petrozavodsk, thành phố nằm bên hồ Onega rộng lớn. Vội vã đến khách sạn gửi hành lý, tôi đi bộ chừng 1 km để đến bến tàu đi Kizhi. Mỗi ngày, tàu đi Kizhi có 5 chuyến, bắt đầu từ 8h45 và kết thúc chuyến cuối cùng là 20h15. Riêng những tháng vào mùa hè, khi có hiện tượng đêm trắng, tàu còn tăng cường thêm chuyến cuối tùy thuộc vào nhu cầu của du khách, có thể là 22h.

Mỗi chuyến tàu, du khách sẽ mua vé cho 2 lượt đi và về, tổng thời gian tàu chạy đến đảo Kizhi, tham gian và đi về Petrozavodsk là 6 giờ 30 phút. Tôi cân nhắc và mua vé tàu cho mình chuyến khởi hành lúc 10 giờ 30 với giá vé khứ hồi là 2.750 rúp.

Không khí yên bình của một làng quê Nga.
Kizhi - hòn đảo thanh bình nhất nước Nga.

Sau đúng 1 giờ 15 phút, tôi đã có mặt ở Kizhi. Không gian xanh mát cùng những cơn gió mát lạnh thổi từ hồ Onega khiến tôi phấn chấn. Thời gian tham quan vỏn vẹn chỉ 4 giờ nên tôi cần phải nhanh chân để có thể dạo bước tham quan hòn đảo xinh đẹp này.

Sau khi mua vé với giá 400 rúp, tôi đi về hướng đông theo sự chỉ dẫn của bản đồ để đến nhà thờ gỗ Preobrazhenie Gospodnya, một công trình độc đáo, tiêu biểu trên hòn đảo này. Len theo lối đi bằng gỗ sát bên bờ hồ, tôi nhanh chóng nhận ra kiến trúc hình chóp quen thuộc của các nhà thờ Chính Thống giáo của Nga, nhưng điều đặt biệt nó hoàn toàn được làm bằng gỗ.

 

Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga và các nước Trung Á. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM.

Nhà thờ được xây dựng trong khoảng thời gian những năm từ 1714-1722, là công trình kiệt xuất nhất và đáng chú ý nhất của quần thể kiến trúc này của cả nước Nga. Công trình được coi là xây dựng theo mô hình mẫu của nhà thờ Pokrova Presvyatoi Bogoroditsy được xây dựng từ năm 1708 ở tỉnh Vologda. Tên tuổi thực sự của những người xây dựng hiện nay vẫn không rõ.

Chiều cao của nhà thờ là 37 mét và được xây dựng theo nghề mộc truyền thống cổ xưa của Nga là không sử dụng đinh để kết nối ở các kết cấu chính của công trình. Đây là nhà thờ này thuộc loại "mùa hè", về mùa đông không thể tiến hành làm lễ ở đây được.

Nhà thờ này có tổng cộng 22 chóp mái, sắp xếp thành các tầng trên các mái, có dạng cong đều kiểu nấm. Hình dạng và kích thước các chóp mái thay đổi theo tầng, tạo ra một bức tranh hài hòa đặc biệt do hình dáng của nhà thờ.

Rất tiếc là công trình này hiện nay vẫn đang được chính phủ cho trùng tu nên một số hạng mục không cho khách du lịch tham quan. Nhưng về tổng thể, nhà thờ Preobrazhenie Gospodnya đúng là một báu vật không của riêng Nga mà còn là di sản của thế giới. Năm 1990, quần thể kiến trúc trên Kizhi đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Nga. Chính nhà thờ này đã tô điểm thêm cho không gian của đảo Kizhi thêm quyến rũ.

Không khí yên bình của một làng quê Nga.
Không khí yên bình của làng quê.

Tạm chia tay Preobrazhenie Gospodnya, tôi tiếp tục đi xuống phía đông của hòn đảo để tham quan các công trình bằng gỗ khác như nhà ở, hàng rào, tháp chuông, những nhà nguyện mà trong đó có một số công trình được chuyển từ nơi khác đến. Tất cả tạo nên một bức tranh về miền quê yên bình của nước Nga mà tôi thường thấy trên những bức tranh sơn dầu trong thư viện.

Những cô gái Nga với trang phục truyền thống làm Kizhi thêm quyến rũ du khách khắp nơi trên thế giới.
Những cô gái với trang phục truyền thống làm Kizhi thêm quyến rũ du khách khắp nơi trên thế giới.

Còn hơn 1 giờ để trở lại tàu, tôi lại men theo những lối nho nhỏ để đi về phía tây của hòn đảo, nơi có các làng nghề thủ công truyền thống được mô phỏng cho khách du lịch tham quan. Những cô gái Nga với trang phục truyền thống ngồi đan sản phẩm bằng những nguyên liệu lau sậy có sẵn trên mặt hồ Onega. Tiếng chuông lại vang lên từ một tháp của một nhà nguyện cuối đảo, nhưng không phá vỡ không gian yên bình vốn có.

Phượt thủ Việt kể chuyện đi du lịch bụi ở Nga

Tôi vừa trở về sau chuyến du lịch bụi 16 ngày ở xứ sở của những rừng bạch dương. Lúc đầu, tôi cũng thấy gặp nhiều khó khăn khi không biết tiếng Nga, cách lựa chọn lịch trình.

Bài và ảnh: Những Bước Chân

Bạn có thể quan tâm