Trong tiếng Anh có một câu nói đã trở nên phổ biến: “Once a cheater, always a cheater” - ám chỉ việc bất cứ ai đã từng lừa dối trong mối quan hệ tình cảm, thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục có lần tái phạm.
Vào năm 2017, vấn đề muôn thuở trong các cuộc bàn luận về sự chung thủy này cuối cùng cũng trở thành đề tài học thuật chính thức khi tạp chí Archives of Sexual Behavior xuất bản nghiên cứu đầu tiên về thói quen ngoại tình trong mối quan hệ.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta có được những cái nhìn sâu hơn về sự thực hư của sự phán xét ‘một lần gian dối, mãi mãi là kẻ gian dối’", thạc sĩ tâm lý Justin Lehmiller từ Viện Kinsey cho biết.
Nghiên cứu khảo sát 484 người trưởng thành với điểm chung là đã từng ngoại tình trong mối quan hệ trước của họ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những ai đã từng gian dối trong một mối quan hệ thì sẽ có khả năng “tái phạm” cao gấp 3.5 lần.
Tuy nhiên, cũng có một số người khảo sát cho biết đó là lần ngoại tình duy nhất của họ và không bao giờ lặp lại sai lầm.
“Đây là một trong những trường hợp mà dữ liệu khảo sát củng cố giả thuyết đưa ra, tuy nhiên, sẽ luôn có trường hợp ngoại lệ”, thạc sĩ Lehmiller nói.
Liệu có sự tin tưởng nào dành cho những người đã chọn cách gian dối? Ảnh: Getty Image. |
Theo nhà trị liệu tâm lý Tammy Nelson, ngoại tình có thể có nhiều loại tùy thuộc vào nhu cầu, lý do họ lại làm điều đó.
Những yếu tố như việc người đó đang trong giai đoạn nào của cuộc đời, việc họ cảm thấy như thế nào trong một mối quan hệ, và cả việc họ nhìn bản thân như thế nào, đều có thể ảnh hưởng đến động cơ ngoại tình.
Một người có thể thực hiện hành vi gian dối khi họ cảm thấy thiếu sự tự tin và lòng tự trọng; nhận được sự chú ý từ một người ngoài mối quan hệ có thể khiến họ cảm thấy mình có giá trị, trở nên quan trọng và củng cố niềm tin vào hình ảnh bản thân.
Theo Nelson, một kẻ gian lận cũng có thể ngoại tình vì oán giận người tình của họ bởi một lý do nào đó.
Nhưng những trường hợp đó có mức độ khác nhau không giống nhau ở mỗi người, vì vậy ý tưởng rằng bất kỳ người nào đã ngoại tình sẽ tái phạm trong tương lai không nhất thiết là đúng.
Nhưng sau cùng, những kẻ “ngựa quen đường cũ” có tồn tại, và những người này có xu hướng làm như vậy vì những lý do liên quan nhiều đến nhân cách của họ hơn là hoàn cảnh.
Có một nghiên cứu từ đồng nghiệp của thạc sĩ Lehmiller tại Viện Kinsey có thể đã tìm ra thứ mà một số người gọi là "gen không chung thủy".
“Một số người thích đi tìm kiếm những khoái cảm, và họ có nhu cầu tình dục cao kèm theo sự ly kỳ và mạo hiểm khi ngoại tình”, Lehmiller giải thích.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhu cầu cao về “những lần quan hệ tình dục lén lút, mạo hiểm” có liên quan đến sự thiếu hụt các thụ thể dopamine - hoặc một phần của não bộ liên quan đến việc tiếp thụ khoái cảm.
Nói cách khác, những người này chọn cách lén lút, mạo hiểm ngoại tình để cảm nhận được cùng một mức độ khoái cảm so với người bình thường.
Tuy nhiên, trước khi quay sang đánh giá độ chung thủy của người yêu, hãy nhớ rằng, cũng có trường hợp những người biết hối lỗi vì hành động của mình và không có sự tái phạm.
Rachel Sussman, một nhà trị liệu tâm lý ở New York cho biết cô đã từng gặp những người ngoại tình nhưng sau đó nhận ra những tổn thương mà họ gây ra cho đối phương và họ không bao giờ tái phạm, dù có bị bắt tại trận hay không.
Theo Rachel, cách nói “một lần gian dối, mãi mãi là kẻ gian dối” giống như việc nói con người không có khả năng hối lỗi và thay đổi.
Thạc sĩ Lehmiller cũng nhấn mạnh rằng dù kết quả của nghiên cứu trông có vẻ đáng sợ, ta không thể đi đến kết luận về sự chung thủy của một con người, một người gian dối một lần không khiến họ thành tội đồ vĩnh viễn.
Việc quan trọng nhất chính là bạn phải có sự sáng suốt khi đánh giá và đưa ra quyết định, hãy luôn tôn trọng những "ranh giới" mà bản thân đã đặt ra ở đầu mối quan hệ.
Để có một mối quan hệ lành mạnh, hãy tôn trọng và thành thật với nhau. Ảnh: iStock. |