Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm học với nhiều kỳ nghỉ có khả thi?

Một số giáo viên cho rằng thay vì cho học sinh nghỉ 3 tháng hè như hiện nay, phương án học 2 kỳ với nhiều lần nghỉ trong năm nên được nghiên cứu áp dụng.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 14/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.

"Nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng", ông Chung nói.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thay đổi khung thời gian năm học giúp phân luồng, phân bố lại giao thông ở thành phố tốt hơn, hơn nữa lại kích cầu tiêu dùng ở các gia đình. Mùa đông, mùa hè, học sinh đều được nghỉ, có thể cùng gia đình nghỉ ngơi, vui chơi.

Đây cũng là chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều thầy cô, phụ huynh, nhất là trong bối cảnh các em phải nghỉ dài ngày để phòng chống dịch như hiện nay.

nghi hoc vi dich corona anh 1

Xem xét thay đổi khung thời gian năm học là chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều giáo viên, phụ huynh. Ảnh: Hoàng Hà.

Nên để địa phương sắp xếp

Nói về đề xuất thay đổi lịch các kỳ nghỉ trong năm, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng một năm 2 học kỳ và nhiều lần nghỉ nhỏ sẽ hợp lý hơn là nghỉ một lần vào 3 tháng hè.

"Với bối cảnh hiện nay, chúng ta cần điều chỉnh kỳ nghỉ cho hợp lý. Hiện, nghỉ hè quá dài mà Tết lại ngắn, giữa hai học kỳ không có thời gian nghỉ. Nếu trường được phép triển khai các hoạt động trải nghiệm trong thời gian nghỉ giữa 2 học kỳ, học sinh vẫn có thể đến trường và phụ huynh yên tâm công tác", cô Thảo đề xuất.

Trong khi đó, thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn trường Anhxtanh, Hà Nội - cho rằng các địa phương hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp kế hoạch năm học.

Thầy Đạt phân tích một năm học của ngành giáo dục có 35 tuần và 2 tuần đệm, tổng cộng 37 tuần. Như vậy, thời gian nghỉ của học sinh là 15 tuần mỗi năm (khoảng 3,5 tháng). Trừ thời gian học sinh nghỉ Tết Nguyên đán, dương lịch và các kỳ nghỉ khác, thời gian nghỉ hè còn khoảng từ 2 đến 2,5 tháng, chứ không phải 3 tháng như trước kia (khi năm học có biên chế 33 tuần, học sinh mới được nghỉ hè 3 tháng).

Theo thầy Đào Tuấn Đạt, học sinh nghỉ bao nhiêu lần trong năm, mỗi lần kéo dài bao lâu (miễn là không ảnh hưởng biên chế năm học) nên sắp xếp tùy thuộc vào đặc điểm khí hậu, kinh tế và sinh hoạt văn hóa của địa phương.

"Chẳng hạn, các tỉnh miền núi phía Bắc nên cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán dài hơn, vì thời tiết dịp này thường rất lạnh, khắc nghiệt. Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ thường nắng gắt từ cuối tháng 6 sang đầu tháng 8, vì vậy thời gian nghỉ hè thích hợp là 2 tháng 7 và 8. Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có thể bố trí cho học sinh nghỉ vào mùa nước nổi, khó khăn cho việc đến trường", thầy Đạt nói.

Từ phân tích trên, giáo viên trường Anhxtanh đề xuất các địa phương không cần có năm học theo lộ trình giống nhau. Mỗi tỉnh có thể khai giảng và có các kỳ nghỉ khác nhau. Thậm chí, thời điểm kết thúc năm học cũng có thể không giống nhau. Nếu kỳ thi cuối cấp nên giao về địa phương và việc xét tuyển đại học được tổ chức nhiều lần trong năm, việc “địa phương hóa” lịch học, lịch nghỉ hoàn toàn khả thi.

Nếu thay đổi phải đồng bộ

Ôg Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng mọi thay đổi về khung thời gian năm học sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác của cả xã hội. Theo ông, đề xuất của chủ tịch UBND thành phố Hà Nội rất đáng xem xét nhưng trong thời gian ngắn sẽ khó có thể thay đổi.

"Nếu áp dụng một năm 4 kỳ nghỉ thì phải áp dụng trên cả nước chứ không thể mỗi địa phương mỗi khác. Nhưng chủ quan, tôi e sẽ khó thực hiện và khung thời gian năm học như hiện nay đã hợp lý", nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói.

Ngày 14/2, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ đến hết tháng 2.

Căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của các địa phương trong cả nước, Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành.

Theo ông Ngai, trong thời gian nghỉ hè, chúng ta thực hiện các kỳ thi chuyển cấp ở địa phương, thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

Hơn nữa, kỳ nghỉ hè cũng là lúc giáo viên thực hiện việc coi, chấm thi, bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật các chủ trương của Đảng và nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Thời gian nghỉ quá ngắn sẽ không thực hiện được việc trên.

Tương tự, cô Phạm Thị Thanh Tú, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành (ĐH Sài Gòn), cho rằng phương án nhiều kỳ nghỉ nhỏ trong một năm là điều mà các nước phương Tây đã áp dụng. Nếu thực hiện ở nước ta, việc tính toán phải chi tiết và lên kế hoạch kỹ lưỡng.

“Với giáo viên, nghỉ như thế nào không quan trọng vì thực ra các tháng hè họ vẫn làm việc. Phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể vì học sinh cả nước có những kỳ thi chung. Hơn nữa, phải tính nghỉ làm sao để việc chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, từ THCS lên THPT rồi kế hoạch tuyển sinh đại học không bị xáo trộn", cô Tú ý kiến.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, nêu quan điểm khung thời gian năm học hoàn toàn có thể thay đổi linh hoạt nhưng phải đồng bộ trên cả nước.

“Quan trọng là bộ máy công thay đổi tất cả lịch trình tương thích: Thời gian học, lịch bồi dưỡng giáo viên, lịch thi quốc gia, tuyển sinh đầu cấp… Phải tính toán trường hợp học sinh di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nếu không đồng bộ, nơi kết thúc năm học sớm, học sinh, giáo viên ngồi chơi chờ địa phương khác”, cô Huyền nói.

Nữ giáo viên đề xuất giữa mỗi học kỳ có thể cho học sinh nghỉ một tuần, nghỉ Tết Nguyên đán 4 tuần, hè nghỉ 8-10 tuần. Như vậy một năm có 52 tuần, 36-37 tuần dành để học, còn lại được nghỉ.

Bộ GD&ĐT: Không để ảnh hưởng năm học sau

Trước đó, mạng xã hội cũng có nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên cho học sinh nghỉ luôn 3 tháng mùa xuân thay vào 3 tháng mùa hè. Bởi khí hậu của miền Bắc mưa ẩm vào mùa xuân, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho rằng học sinh bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12, không phải tất cả đều giống nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, không thể lùi đến sang năm được. Vì vậy, chúng ta phải tính đến các mốc thời gian này, cần tính toán lùi hơn năm học trước nhưng không ảnh hưởng lớn các năm tiếp theo.

Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn. Ví dụ, học sinh lớp 12 có kỹ năng tự bảo vệ mình và thể lực tốt, có thể tính toán, cân nhắc cho các em đến trường trở lại. Tất cả học sinh đều nghỉ 3 tháng, sẽ ảnh hưởng năm học tiếp theo.

63 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ phòng chống dịch Covid-19

Sau khi Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị các địa phương cho học sinh nghỉ hết tháng 2, đến chiều 15/2, 63 tỉnh, thành thông báo cho học sinh nghỉ phòng chống dịch Covid-19.

Minh Nhật - Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm