Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Một năm qua, chúng tôi dồn toàn bộ tâm trí cho Covid-19'

Các bác sĩ phải chịu những áp lực rất lớn khi Covid-19 bùng phát. Họ trải qua giai đoạn lúng túng với nhiều khó khăn.


Trong một năm đương đầu đại dịch Covid-19 vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 lớn nhất miền Bắc. Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, cơ sở y tế này còn cử nhiều đoàn chuyên gia vào hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các địa phương.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ hành trình chống dịch đã bắt đầu từ những ngày đầu năm 2020.

Các bệnh viện từng lúng túng và hoang mang

Khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định Việt Nam chắc chắn phải đối diện với loại bệnh phức tạp và nguy hiểm.

tong ket dich benh nam 2020 anh 1

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BYT.

PGS Thạch chia sẻ: "Một năm vừa qua, chúng tôi gần như dành toàn bộ tâm trí, thời gian và công sức cho Covid-19".

Mùng 3 Tết, Việt Nam ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Sau đó, Việt Nam trải qua từng đợt tác động khi dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng. Chúng ta ghi nhận một số đợt dịch lớn như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai... Trong đó, đáng nhớ là ổ dịch ở Hà Nội bắt đầu từ bệnh nhân 17 được công bố vào ngày 6/3.

Trong các tháng 7 và 8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đón đoàn công dân từ Guinea Xích Đạo trở về có số lượng lớn người mắc Covid-19. Cũng trong thời điểm đó, dịch bùng phát mạnh ở Đà Nẵng.

Sau đó, các ổ dịch lây trong cộng đồng được kiểm soát nhưng cơ sở y tế này vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nhập cảnh. Thời điểm số ca bệnh ít nhất như hiện nay, cơ sở y tế này cũng có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị.

PGS Thạch chia sẻ trong quá trình chống dịch, ngành y tế là tuyến đầu khi phải đến tận nơi và xét nghiệm từng ca bệnh. Y tế dự phòng cùng lực lượng công an đảm nhiệm vai trò truy vết, phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Hệ thống điều trị luôn phải sẵn sàng và phòng dịch. Nếu sơ suất, chỉ một ca bệnh xâm nhập vào môi trường bệnh viện có thể gây ra đại dịch.

Covid-19 là căn bệnh mới, nguy hiểm với cả thế giới và Việt Nam. Do đó, khi dịch bùng phát, các bệnh viện rất lúng túng và hoang mang. Thậm chí, một số nhân viên y tế bị nhiễm từ các ca bệnh ban đầu. Sau đó, chúng ta cũng ghi nhận nhiều trường hợp lây lan ngoài ý muốn và một số ca tử vong.

"Không chỉ tại Việt Nam, các bác sĩ và ngành y tế trên thế giới cũng phải chịu những áp lực rất lớn khi Covid-19 bùng phát. Nguyên nhân là căn bệnh này mới, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị", PGS Thạch kể.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ban đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng như toàn ngành y tế dần ổn định và kiểm soát được tình hình. Về điều trị, Giám đốc bệnh viện tuyến đầu chống Covid-19 cho hay các bác sĩ phải mạnh dạn sử dụng những phác đồ sẵn có cùng kinh nghiệm từ nhiều lần chống dịch trước như SARS năm 2003 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

"May mắn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, thời gian qua thường xuyên có người mắc nhưng đã làm tốt công tác này và không để xảy ra biến cố lớn", PGS Thạch chia sẻ.

tong ket dich benh nam 2020 anh 2

Công tác điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng tại Hà Nội từng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Thắng.

Không lơ là các dịch truyền nhiễm khác

PGS Thạch cho hay hiện nay, chúng ta đang kỳ vọng rất nhiều vào vaccine. Đây có thể sẽ là bước tiến của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch và ngăn chặn tác động của nó tới xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, đặc biệt bảo vệ biên giới, cửa khẩu. Nếu để dịch bệnh bùng phát, chúng ta sẽ bị tổn thất rất nhiều về kinh tế và con người.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo do diễn biến phức tạp và tầm ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua, nhiều người đã lãng quên các căn bệnh nhiệt đới có tính truyền nhiễm khác.

Những năm gần đây, thế giới ghi nhận rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS... Các dịch bệnh này xuất hiện nhiều một phần do biến đổi khí hậu cùng nhiều sự thay đổi khác trong môi trường sống. Việt Nam không phải ngoại lệ.

Ông dẫn chứng cách đây vài năm, Việt Nam xuất hiện dịch sởi khiến nhiều người tử vong. Trong khi đó, dịch cúm năm nào cũng xuất hiện. Ngoài ra, dịch bạch hầu, chân tay miệng và sốt xuất huyết trong thời gian qua cũng tạo ra mối nguy cho cộng đồng.

"Có thể nói rằng các bệnh nhiệt đới vẫn luôn song hành với Việt Nam. Bởi vậy, phòng, chống dịch bệnh sẽ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để mang lại sự yên tâm cho người dân, từ đó phát triển kinh tế", PGS Thạch nói.

Những dấu ấn của Việt Nam trong một năm đương đầu đại dịch

Sau những ca mắc Covid-19 đầu tiên từ cuối tháng 1, ngành y tế Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn cùng những dấu ấn nổi bật.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm