Năm 2020, hành trang không thể thiếu của học sinh khi đến trường là chiếc khẩu trang, không chỉ riêng học sinh ở các thành phố lớn. Ban đầu là khuyến khích, sau đó trở thành bắt buộc, thậm chí có giai đoạn học sinh phải đeo khẩu trang trong lớp học. Việc gặp thầy cô qua điện thoại, laptop, từ xa lạ trở thành quen thuộc.
Đeo khẩu trang trong lớp, học online là những trải nghiệm đặc biệt đối với học sinh Việt Nam trong năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Xáo trộn bởi Covid-19
Ngày 30/1, học sinh Hà Nội trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một ngày sau đó, các trường học đồng loạt khuyến khích học sinh đeo khẩu trang trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Chiều 1/2, Thủ tướng công bố dịch, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu lùi ngày tập trung trở lại.
Chiều tối 2/2, TP.HCM quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh thêm 1 tuần. Ngay sau đó, Hà Nội và nhiều địa phương khác đồng loạt cho học sinh nghỉ. Đến giữa tháng 2, trường học tại các địa phương đều đóng cửa.
Dịch Covid-19 khiến Bộ GD&ĐT phải 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch năm học. Thay vì kết thúc năm học vào ngày 31/5 như thông lệ, "năm lịch sử" này kéo dài đến ngày 15/7.
Dạy học online, từ tình thế bắt buộc, có thể sẽ trở thành xu hướng trong tương lai của giáo dục Việt Nam. Ảnh: Minh Thừa. |
Để việc học không bị gián đoạn, các địa phương triển khai dạy học qua truyền hình, trực tuyến.
Trong tình thế không có sự chuẩn bị cả về vật chất lẫn tâm thế, thầy trò và phụ huynh phải vượt qua nhiều khó khăn để đồng hành với nhau trong các lớp học online.
Chính điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa phụ huynh và một số trường tư thục, quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội về học phí trong giai đoạn này.
Bắt nguồn từ trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, như hiệu ứng domino, phụ huynh hàng loạt trường quốc tế, tư thục khác đến cổng trường căng băng rôn, biểu ngữ, gây sức ép để trường đối thoại, thỏa thuận theo hướng giảm học phí. Đến nay, nhiều trường đã thỏa thuận thành công với phụ huynh vấn đề học phí trong mùa dịch. Nhưng tranh chấp giữa nhóm phụ huynh và trường Dân lập Quốc tế Việt Úc đã chuyển thành vụ kiện đang trong thời gian chờ tòa phân xử.
Dù vậy, kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng,chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.
Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Năm học kéo dài cũng chính là lý do khiến kỳ thi THPT quốc gia trễ hơn 1 tháng so với mọi năm. Những trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, Quảng Nam trước thềm kỳ thi, nhiều ý kiến đề nghị không thi, xét tốt nghiệp THPT.
3 tuần sau đó các sĩ tử và người nhà trôi qua trong trạng thái căng thẳng, hoang mang vì những thay đổi, thông tin chóng vánh từ Bộ GD&ĐT. Ban đầu, bộ thông báo khẳng định vẫn tổ chức kỳ thi nhưng giảm số môn và giảm tải nội dung.
Chỉ một tuần sau, thông tin xác nhận kỳ thi vẫn tổ chức nhưng với tên kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Tiếp đó, việc có giữ ổn định bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm riêng biệt hay không cũng chỉ được chốt sau 1 tuần tiếp theo.
Dịch bệnh cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến kế hoạch du học của nhiều bạn trẻ trở nên dang dở. Nếu không chọn du học tại chỗ, đa số học sinh phải chờ đến khi dịch Covid-19 giảm nhiệt mới có thể tiếp tục kế hoạch ban đầu. Trong khi du học sinh Việt Nam ở nước ngoài xoay sở mọi cách để có được tấm vé về nước.
Khác với khối giáo dục công lập, các nhà đầu tư, trường học tư nhân gặp nhiều khó khăn, rơi vào khốn đốn sau một năm vận hành kém hiệu quả.
Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kế hoạch của ngành giáo dục nhưng đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh và phát triển hình thức giáo dục trực tuyến - vốn đã rất phổ biến ở các nước có giáo dục phát triển. Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bắt tay thúc đẩy việc chuyển đổi số trong môi trường giáo dục.
Tranh chấp giữa phụ huynh và trường Dân lập Quốc tế Việt Úc khởi đầu cho vấn đề học phí mùa dịch và vẫn kéo dài đến nay. Ảnh: H.L. |
SGK và chương trình mới lớp 1 có nhiều vấn đề
Tháng 9, học sinh cả nước bắt đầu năm học 2020-2021. Đây là năm học đánh dấu lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 và cuốn chiếu dần đến lớp 12. Học sinh lớp 1 được học chương trình và cả bộ SGK mới, được chính thầy cô của mình chọn từ 5 bộ sách được Bộ GD&ĐT cho phép lưu hành.
Nhưng ngay khi năm học bắt đầu, nhiều phụ huynh đã than phiền vì giá sách cao, đi kèm là nhiều sách bài tập, tài liệu bổ trợ. Bộ GD&ĐT đã phải ban hành công văn yêu cầu các địa phương chấn chỉnh.
Khi chương trình và SGK mới triển khai được một tháng, đồng loạt phụ huynh, giáo viên than phiền vì chương trình Tiếng Việt nặng, khó hơn chương trình cũ. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ động giãn, điều chỉnh chương trình theo tình hình tiếp thu của học sinh.
Cùng với chương trình, SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cũng gây tranh cãi khi sử dụng nhiều bài đọc không phù hợp, được cho là dạy trẻ con những điều xấu. Từ ngữ được sử dụng trong sách khó hiểu, mang tính địa phương, vùng miền. Thậm chí, nhiều ý kiến cực đoan yêu cầu Bộ GD&ĐT phải thu hồi sách.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của dư luận. Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả thay thế, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong bộ sách và yêu cầu rà soát những bộ sách còn lại. Kết quả sau rà soát, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đề xuất xin chỉnh sửa nhiều nội dung chưa hợp lý trong 4 bộ sách mà họ thực hiện.