Mỗi ngày, trên nền tảng TikTok, dễ dàng bắt gặp hàng loạt video với người tạo nội dung đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính. Họ có thể làm tất cả, từ review đồ ăn, trang điểm, nấu nướng, nhảy múa, ca hát, chơi game, “đu trend” cho tới những điều kỳ lạ khác.
TikToker thường có thu nhập từ việc hợp tác với các nhãn hàng và hình thức affiliate (tiếp thị liên kết). Khoản tiền này được trao đổi thông qua các chỉ số về lượt xem, lượt tương tác và traffic (lưu lượng truy cập).
Vì vậy, không ít TikToker sẵn sàng tạo nội dung phản cảm nhằm tăng tương tác, độ nổi tiếng để kiếm được nhiều tiền hơn. Đây là mảng tối có thể thấy qua một số vụ việc gây tranh cãi nhất trong năm qua.
Lợi dụng người nghèo
Nờ Ô NÔ (tên thật Phạm Đức Tuấn) bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt sau khi đăng tải clip “Người nghèo ăn gì Nờ Ô NÔ cho ăn đó” cuối tháng 11.
Lấy danh nghĩa “làm điều tử tế” nhưng nam TikToker lại dùng từ ngữ thiếu tôn trọng với người già neo đơn như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”.
Làn sóng kêu gọi tẩy chay Nờ Ô NÔ nhanh chóng lan rộng, thậm chí được nhiều người nổi tiếng hưởng ứng.
TikToker Nờ Ô NÔ làm việc với cơ quan chức năng chiều 29/11 và bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. |
Chiều 28/11, TikTok Việt Nam khóa vĩnh viễn kênh có hơn 600.000 người theo dõi của Nờ Ô NÔ vì đăng tải nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng.
Một ngày sau, TikToker này tiếp tục bị thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM lập biên bản vi phạm và xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Đối đầu hàng quán ăn
Trước sự việc trên, Nờ Ô NÔ không ít lần gây tranh cãi với các clip review (trải nghiệm và đưa ra đánh giá) hàng quán ăn. Nam TikToker nổi tiếng với biệt danh “thánh ăn đâu chê đó” bởi những nhận xét gay gắt dành cho hầu hết địa điểm mình đặt chân tới.
Theo khảo sát của Zing, những TikToker có lượt theo dõi cao như Nờ Ô NÔ có thể được trả khoản tiền khoảng 10-30 triệu đồng/video, bài viết quảng cáo cho nhãn hàng. Cá biệt, nhiều trường hợp còn có mức thù lao lên đến 50 triệu đồng/video.
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, từng nhận định một số reviewer sau khi có số lượng người theo dõi nhất định, bắt đầu trở nên ảo tưởng, cho rằng mình có “quyền sinh sát” với bất cứ cơ sở kinh doanh nào mà họ không vừa mắt.
Kiểu hành xử này lây lan mạnh mẽ trên mạng, gây ra không ít sự việc lùm xùm, điển hình như vụ tranh cãi giữa reviewer với chủ quán ăn trên TikTok hồi tháng 8.
Nhiều chủ hàng quán ăn cho biết họ hoan nghênh các reviewer tới chụp hình, quay clip trải nghiệm, nhưng cũng lo lắng bị mang ra “làm mồi”, tố qua lại để câu view trên mạng xã hội. Một số thậm chí cấm cửa các “chiến thần review” vì không muốn bị ảnh hưởng.
Náo loạn sân bay
Giữa tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam ban hành quyết định cấm bay 6 tháng (tính từ ngày 17/8/2022 đến hết ngày 16/2/2023) với L.M.X.Y. (26 tuổi, trú tại Ninh Kiều, Cần Thơ) vì hành vi tạo dáng quay TikTok tại đường băng.
Trước đó, ngày 18/5, nữ hành khách đi trên chuyến bay VN1740 chặng Phú Quốc - Cần Thơ đã đi lại tự do trên đường băng sân bay Phú Quốc để quay clip và đăng lên kênh của mình.
Cục Hàng không kết luận người này đã gây rối (cố ý không chấp hành quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không, trật tự công cộng tại sân bay).
Dù clip đã được gỡ bỏ, L.M.X.Y. vẫn nhận nhiều ý kiến chỉ trích vì hành vi có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Nữ hành khách gây nguy hiểm khi tạo dáng trước máy bay đang di chuyển để quay TikTok. Ảnh: HuyDL. |
Cuối tháng 7, một trò lố khác gây náo loạn sân bay cũng được ghi nhận khi cô gái tên H.K.T. ngồi xổm lên băng chuyền hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất để quay clip TikTok.
Người này bị xem xét xử lý hành vi cố tình vi phạm quy định về an ninh, an toàn với mức phạt cao nhất là cấm bay. Phía lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định hành vi này không chỉ phản cảm, mà có thể gây nguy hiểm, mất an toàn cho chính người thực hiện.
Ít nhất 2 trường hợp có hành vi tương tự (một tại Đà Nẵng và một tại Phú Quốc) cũng được báo cáo. Cục Hàng không tiến hành xác minh danh tính hành khách để có bước xử lý tiếp theo.
Chưa dừng lại ở đó, trào lưu đặt điện thoại ở cửa sổ máy bay rồi kéo tấm che để quay video quá trình máy bay cất - hạ cánh cũng là xu hướng xấu xí của TikToker trong năm qua.
Điều này bị nghiêm cấm bởi nguy cơ gây ra cháy nổ. Các tiếp viên cũng thường xuyên phải nhắc nhở hành khách nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Trào lưu đặt điện thoại ở cửa sổ máy bay và ngồi trên băng chuyền hành lý để quay clip TikTok gây phản cảm trong năm qua. Ảnh: Diễn đàn hàng không. |
Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, những người sử dụng truyền thông một cách nghiêm túc, tử tế sẽ tạo ra lợi ích cho xã hội. Ngược lại, việc sử dụng sức mạnh truyền thông để gây tiếng vang, câu view, trục lợi là điều cần lên án.
Ông nhấn mạnh quyền lực thực sự nằm trong tay người xem.
“Mọi người thích xem, hưởng ứng, bình luận về những thứ tầm phào trên mạng thì chính là đang cho các cá nhân làm nội dung quyền lực để lạm dụng. Nếu mình có ý thức, cùng tẩy chay những thứ rác rưởi thì chúng sẽ dần chết và biến mất”, ông Vinh bày tỏ.
Bán hàng giả
Cuối tháng 4, TikTok chính thức ra mắt giải pháp thương mại điện tử (e-commerce) TikTok Shop tại thị trường Việt Nam. TikTok Shop được giới thiệu là “giải pháp sáng tạo dành cho cả người mua, người bán và nhà sáng tạo nội dung, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, liền mạch ngay trên TikTok”.
Giữa tháng 12, Trương Nhã Dinh, một TikToker có 2,6 người theo dõi này livestream bán nhiều loại son, kem mắt, serum... của các thương hiệu làm đẹp nổi tiếng trên TikTok Shop. Giá của các sản phẩm được chốt đơn trên livestream chỉ rẻ bằng 1/4, 1/5 giá gốc của mỹ phẩm được bày bán ở store, các gian hàng chính hãng.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, một số khách hàng bắt đầu phản hồi rằng từ bao bì, nhãn mác cho đến chất lượng hàng có nhiều điểm nghi vấn.
Hãng mỹ phẩm đăng bài cảnh báo hàng giả trên TikTok Shop. |
Trong ngày 24 và 26/12, trang Facebook chính thức của hai thương hiệu mỹ phẩm Estee Lauder Vietnam và MAC Cosmetics lần lượt đăng bài cảnh báo khách hàng về việc sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc tràn lan trên TikTok Shop.
"Nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo khách hàng và bán hàng giả, thậm chí bán hàng qua những KOL hàng triệu follow trên nền tảng TikTok. Hãy tỉnh táo và cảnh giác trước những chương trình khuyến mại rẻ bất ngờ (>70%), những lời mời chào "hàng công ty", "hàng cửa hàng miễn thuế" để không gây hại cho chính làn da và sức khoẻ của mình", hãng mỹ phẩm đưa ra cảnh báo.
Cả hai trang này đều sử dụng hình ảnh được cho là của Trương Nhã Dinh. Một hãng nhấn mạnh "đã tiến hành mua sản phẩm được bán trên nền tảng TikTok của một KOL nổi tiếng" để đối chiếu và khẳng định đây là hàng giả.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.