Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một ngày ‘chạy sô’ của học sinh lớp 9

Mỗi ngày, Mai Lan phải dậy từ 5h sáng, chưa kể việc làm bài tập về nhà, cô bé học sinh lớp 9 này phải tốn khoảng 11 giờ liên tục cho việc học chính khóa ở trường và 3 ca luyện thi.

Một ngày ‘chạy sô’ của học sinh lớp 9

Mỗi ngày, Mai Lan phải dậy từ 5h sáng, chưa kể việc làm bài tập về nhà, cô bé học sinh lớp 9 này phải tốn khoảng 11 giờ liên tục cho việc học chính khóa ở trường và 3 ca luyện thi.

Mùa thi đã gần kề, hàng triệu học sinh cuối cấp đang ráo riết chuẩn bị cho lần “vượt vũ môn”. Đối với học sinh lớp 9, kỳ thi vào cấp 3 được gia đình và bản thân các em đánh giá là bước ngoặt cuộc đời bởi phải tốt nghiệp cấp ba các em mới có thể xin việc làm hoặc học tiếp lên các cấp cao hơn.

Đặc biệt, đối với nhiều học sinh khá giỏi đặt mục tiêu thi vào các trường chuyên, lớp chọn để “bước một chân” vào cổng trường đại học thì đây là giai đoạn các em rất căng thẳng bởi lịch học dày đặc.

Để có được cái nhìn thực tế về vấn đề này, chúng tôi đã gặp gỡ và theo chân Mai Lan học sinh lớp 9 trường THCS L.T.T (TP. Nam Định) trong một ngày đi học bình thường của em.

24 giờ của một học sinh lớp 9: học, học và chỉ học

Là học sinh khá giỏi của lớp, mục tiêu của em và gia đình không chỉ dừng lại ở việc đỗ cấp 3 mà còn phải vào được trường chuyên Lê Hồng Phong hoặc Trần Hưng Đạo. Đây là hai trường THPT danh tiếng của tỉnh Nam Định. Nhằm đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu năm học, em đã phải “gánh” một lịch học dày đặc và áp lực thi cử liên tục.

Buổi sáng của Mai Lan bắt đầu rất sớm, em phải dạy từ 5h để chuẩn bị cho lớp học sáng tại trường: đọc lướt qua những môn có trong thời khóa biểu, sắp xếp sách vở, ăn sáng và chuẩn bị “chiến đấu” một ngày dài với lịch học kín từ sáng đến tối. Dù là thứ 7 nhưng Lan không hề cảm thấy hào hứng mà còn tỏ ra mệt mỏi bởi hôm nay là một trong những ngày học nặng nhất của em.

Thời khóa biểu buổi học chính khóa ngày thứ 7 của Mai Lan là Văn, Toán, Tiếng Anh và Hóa. Đây đều là những môn quan trọng có thể sẽ được chọn để thi vào cấp 3 nên bài tập rất nhiều và căng thẳng.

Đối với hai môn học bắt buộc sẽ thi tốt nghiệp là Toán và Văn, Lan chia sẻ: “Cứ hai ngày chúng em lại có một tiết Toán tại trường, số lượng bài tập về nhà lên đến 20-30 bài. Còn môn Văn tuy chưa phải làm đề nhưng mất thời gian học thuộc bài giảng của cô trên lớp”.

 

Áp lực học tập đang khiến các bạn học sinh căng thẳng. (Ảnh minh họa - nguồn: Công an nhân dân).

Kết thúc buổi học chính khóa tại trường lúc 11h, Mai Lan chỉ được nghỉ trưa đến 1h30 và tiếp tục công cuộc chinh chiến gian nan với 3 ca liên tục: 14h-16h học thêm Văn, 16h30–18h30 là môn tiếng Anh và 19h-21h30: học Toán. Để có sức học, giữa mỗi ca, cô bé này phải “nạp năng lượng” bằng một hộp sữa và chiếc bánh ngọt đã được mẹ chuẩn bị sẵn.

Sau 11h liên tục với các buổi học, cô bé trở về nhà, nhưng đây vẫn chưa phải lúc em được nghỉ ngơi. Sau bữa tối muộn đã được mẹ để sẵn chờ em về, khoảng 22h Mai Lan tiếp tục ngồi vào bàn để làm bài tập về nhà. Càng những ngày gần thi, lượng bài tập càng nhiều nên phải đến quá nửa đêm em mới làm xong.

Sang hôm sau là chủ nhật, tưởng em sẽ được xả hơi sau một tuần học căng thẳng nhưng khi hỏi, cô bé này trả lời: "Chủ nhật em cũng vẫn phải học chẳng khác gì ngày thường, sáng hai ca, chiều 3 ca".

“Không thi đỗ cấp ba chắc chết”

Trò chuyện mỗi lúc rảnh, chúng tôi được biết một tuần em có khoảng 4 ngày lịch học căng thẳng như vậy, còn lại cũng phải đến 19h30. Mai Lan cho biết ở lớp mình còn có những bạn ngày nào cũng học triền miên từ sáng đến tận 21h mới được về nhà.

Tình trạng này không chỉ diễn ra thời gian gần đây mà đã kéo dài ngay từ đầu năm học. Áp lực thi cử luôn đè nặng lên vai những cô cậu học trò cuối cấp này. Cô bé này chia sẻ: "Nhiều lúc em cảm thấy rất mệt, đau đầu, chóng mặt nhưng vẫn phải cố để học, vì nếu không thi được cấp 3 chắc chết".

Mai Lan thành thật nói: “Bố mẹ và cô giáo em đều bảo, không thi được đại học thì có thể đi học nghề, làm công nhân, còn trượt cấp 3 chẳng làm được gì nên phải cố mà học vì đây là bước ngoặt cuộc đời”.

Khi được hỏi nếu không cần học thêm em có tin mình tự học ở nhà để có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn đỗ được cấp 3, Mai Lan tâm sự: "Em nghĩ mình vẫn có thể tự học được, nhưng bố mẹ em không yên tâm nên bắt phải đi học thêm. Hơn nữa cả lớp đều đi học như vậy, nên chúng em coi chuyện "chạy sô" này cũng bình thường và dĩ nhiên phải làm thế".

Cô bé này cũng cho biết nhiều bạn vì quá mệt sau một ngày đi học kéo dài không còn đủ sức làm bài tập về nhà nên sáng nào đến lớp cũng thấy la liệt các bạn đang ngồi chép bài của nhau.

 

Tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) gần đến mùa thi các bác sĩ liên tục bận rộn với những bệnh nhân còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Em còn nói: “Chúng em học hành rất căng thẳng và áp lực từ đầu năm. Thậm chí những ngày nghỉ lễ tết, các thầy cô giao rất nhiều bài tập. Điển hình là đợt nghỉ tết Âm lịch năm nay, riêng môn Toán của em có đến 50 bài trong đó lại gồm từ 5-6 phần nhỏ. Để làm xong hết số bài tập này em cũng mất đến 3 ngày”.

Không chỉ đối mặt với thời gian học tập dày đặc, kéo dài đối với các “môn chính” có thể được lựa chọn để thi cấp 3, còn đối với các “môn phụ” mà đặc biệt là Lịch sử các em cũng phải mất thời gian “đối phó”. Mai Lan chia sẻ: “Mỗi tuần chúng em có 2 tiết học môn này. Buổi nào cô giáo cũng đọc cho chúng em chép đến 3-4 mặt giấy và yêu cầu về nhà học thuộc. Cả lớp ai cũng mệt vì môn học này”.

Mai Lan tâm sự: “Em hy vọng bố mẹ, thầy cô đừng bắt chúng em phải học quá nhiều và áp lực như vậy”.

Cô bé còn chia sẻ câu chuyện về một người bạn trong lớp thích học vẽ và chỉ muốn thi vào một trường cấp ba bình thường của tỉnh rồi sau đó sẽ theo đuổi ước mơ của mình, nhưng bố mẹ cậu không đồng ý, bắt học thêm triền miên để thi vào trường top trên. Không được làm theo ý mình nên cậu bạn này chống đối bằng cách đến lớp nhưng chỉ ngồi chơi. Nhiều bạn khác do lịch học dày đặc nên thường xuyên bị stress, đau đầu, chóng mặt thậm chí còn cảm thấy sợ mỗi khi thức dậy vì phải đối mặt với lịch học dày đặc.

Có lẽ lịch học của Mai Lan không phải chuyện lạ đối với các bạn học sinh cuối cấp 2, nhưng liệu rằng kiểu “chạy sô” này có thực sự đem lại hiệu quả, giúp các em có một tương lai tươi sáng hay sẽ để lại những hậu quả khó lường?

* Tên nhân vật đã được thay đổi

An Hoàng

Theo Infonet

An Hoàng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm