Bầu trời Campuchia mùa khô rất đẹp, trong vắt, không một gợn mây. Hôm nay tôi sẽ tới bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, Cánh đồng chết, và khu chợ đêm ở phố Tây Sisowath Quay.
Tuol Saleng
Chị Vinh, người phụ nữ bán bún bò, hủ tiếu tôi gặp tối hôm trước không phải người đầu tiên nhắc đến Tuol Sleng và Cánh đồng chết. Trước đó, chú lái xe tuk tuk đã nói về điều đó. Chú không nói được nhiều tiếng Anh, nhưng cách chú dùng bàn tay đưa lên ra hiệu cắt cổ và nhắc tới cái tên Pol Pot cho tôi biết đó là nơi quân Khmer Đỏ đã giết người. Còn mơ hồ về Khmer Đỏ, về nạn diệt chủng ở Campuchia, tôi quyết định đến bảo tàng.
Tác giả Trần Việt Anh sinh ra tại Hải Dương, lớn lên ở Hải Phòng, sống và làm việc tại Hà Nội. Anh có sở thích đi, chụp ảnh và viết blog. Sau hành trình đạp xe xuyên Việt quyên tiền làm từ thiện, từ ngày 15/8, anh bắt đầu đạp xe tới các nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Myanmar. Anh đang dừng chân tại Thái Lan với mong muốn xin việc làm thêm ở đây.
Tôi ăn tô hủ tiếu giá 1 USD, thuê một chiếc xe máy giá 7 USD và lên đường. Bảo tàng diệt chủng nằm ngay trong trung tâm thành phố. Qua những con phố náo nhiệt hàng quán vào buổi sáng, tôi đến một dãy phố nhỏ, nơi có những khu tập thể cũ kỹ, bức tường dài màu xám quấn đầy dây thép gai, những sợi thép gai đã han rỉ, xỉn màu, bên trong trông giống với một ngôi trường hơn bảo tàng. Đó là Tuol Sleng.
Tôi chào hỏi những người bảo vệ lớn tuổi rồi mua vé vào cổng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tuol Sleng là một không gian rợp bóng cây xanh, vắng vẻ nhưng yên bình. Đọc tờ hướng dẫn, tôi biết nơi này còn có tên gọi khác là S21. Đây từng là một ngôi trường. Khi quân Khmer Đỏ chiếm thành phố, trường học bị giải tán và nơi này được sử dụng làm nơi giam giữ và tra tấn tù nhân.
Dãy nhà đầu tiên là những căn phòng nhỏ tăm tối. Trong phòng không có gì ngoài những chiếc giường sắt đã rất cũ, chiếu rách, kìm, búa, hộp đạn tiểu liên… Một không gian trống trải, đầy tăm tối, ma mị.
Tôi bước lên tầng hai, qua dãy cầu thang còn tăm tối u ám hơn thế. Trong phòng có những bức tranh vẽ lại cảnh tra tấn. Tôi tự hỏi : “Những người này là ai, tại sao lại chịu tra tấn dã man như thế? Họ đã phạm tội gì?”.
Câu trả lời nằm ở một dãy phòng khác, nơi lưu giữ hình ảnh những gương mặt với đủ trạng thái cảm xúc: ngơ ngác, sợ hãi, căm phẫn, cầu cứu… cho tới cả nét ngây thơ của một vài đứa trẻ. Họ đều là giới trí thức, được đưa đến đây để ký vào tờ giấy xác nhận tội trạng, bị buộc nhận những tội lỗi như ăn trộm, gián điệp cho CIA, hoặc gia đình có người làm gián điệp, phản quốc… Họ bị chia cắt khỏi gia đình, không biết chuyện gì diễn ra. Họ được đưa đến đây để thực hiện bước cuối cùng của việc hợp thức hóa tội trạng, và sau đó bị mang đi hành quyết.
Hơn 20.000 người được đưa đến S21, bị tra tấn, hành hạ, bị bắt ký nhận bản án và hoàn thiện hồ sơ rồi được chuyển đến một nơi cách trung tâm thành phố 15 km, có tên gọi Choeung Ek để hành quyết.
Tôi rời căn phòng cuối cùng, nơi có những chiếc hộp sọ của nạn nhân bị tra tấn, ngồi trên chiếc ghế đá trong sân trường. Vẫn là không gian yên tĩnh ấy, nhưng cảm xúc trong tôi không còn như lúc mới bước chân vào đây nữa. Những nỗi buồn cứ len lỏi, rồi vây bám, ám ảnh với hình ảnh dãy lớp học chăng kín dây thép gai bị buộc phải trở thành nhà tù, giống như nạn nhân ở đây bị buộc nhận tội mình chưa từng làm.
Dãy lớp học tại Tuol Sleng được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai. |
The Killing Fields và những nỗi đau chia cắt
Tôi vượt qua đoạn đường dài bụi mù mịt để đến Choeung Ek - Cánh đồng chết. |
Cánh đồng chết cách trung tâm thành phố 13 km, qua tỉnh lộ mịt mù bụi. Bên tay trái có một tấm biển chỉ dẫn “Choeung Ek”. Không gian xanh, trong lành, yên bình, rộn tiếng chim hót.
Khoảng 3.000-4.000 chiếc hộp sọ được cất giữ trong tòa tháp, số còn lại vĩnh viễn nằm trong lòng đất. |
Tôi mua vé tham quan kèm vé nghe radio tour. Chiếc radio bắt đầu vang lên những giai điệu buồn bã, mất mát, thê lương. Một giọng đọc trầm ấm đưa tôi qua con đường nhỏ ở cổng vào, lần lượt tới những điểm tham quan nằm trong Choeung Ek, từ những cảnh Khmer Đỏ đưa người đến, giam giữ, hành quyết, những hố chôn tập thể, xương người, dụng cụ, cách thức tra tấn được tái hiện...
Tôi đứng trước những ngôi mộ tập thể, nơi có hàng nghìn thi thể được chôn chung, tức nghẹn và rùng mình khi thấy những mẫu xương người nhô lên trên đất, ngay chân tôi. Rồi những mảnh xương khác, quần áo người chết la liệt… Nơi đây là mồ chôn của hơn 20.000 nạn nhân. Họ được đưa đến từ Tuol Sleng, trong đó có rất nhiều người là phụ nữ và trẻ em. Quân Khmer sử dụng những dụng cụ thô sơ nhất, cả cành cây thốt nốt để cứa cổ nạn nhân cho tới chết.
Choeung Ek chỉ là một trong gần 100 hố chôn tập thể trên khắp Campuchia. Sau 3 năm, 8 tháng, 20 ngày, hơn 3 triệu người Khmer đã chết, trong số đó hơn 1,2 triệu người chết vì bị hành quyết, số còn lại chết vì đói. Với dân số Campuchia lúc đó, cứ 4 người có 3 người Campuchia bị chính đồng bào của họ giết.
Tôi không dám tin vào những gì mình nghe thấy và chứng kiến. 20.000 xác chết được chôn trong bài chục ha, một nghĩa địa khổng lồ, lớn tới mức người ta phải xây một cái tháp cao vài chục mét cũng chỉ cất giữ được vài nghìn hộp sọ. Số còn lại mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất. Bất cứ du khách nào khi tới Phnom Penh cũng nên ghé Toul Saleng và Choeng Uk, không chỉ để hiểu hơn về quá khứ và sự mạnh mẽ của người Khmer, mà còn để mang về biết yêu thương, quý trọng những gì mình đang có.
Chợ đêm ở khu phố Tây Sisawath Quay
Rời Choeung Ek (Cánh đồng chết), tôi quay trở lại khách sạn nghỉ một lát rồi tiếp tục đi dạo phố đêm, chợ đêm Sisowath Quay. Ở đây tôi thử món côn trùng (tôi không dám ăn tất cả, chỉ thử ăn nhộng, một con nhái con) đặc sản ở Phnom Penh. Món côn trùng này bắt nguồn từ nạn đói ở Campuchia. Tôi nói với cô bạn cùng phòng trọ: “Tôi đã có một ngày chỉ toàn chết chóc và đói khát”. Đó là một trong những điểm đến đặc biệt nhất mà tôi đã từng đi qua.
Hôm ấy là tối cuối tuần, dòng người ở Phnom Penh nhộn nhịp hơn hẳn với âm nhạc. Nhiều chàng trai, cô gái Campuchia tới khách sạn nơi tôi ở để tham dự bữa tiệc cuối tuần. Giữa những âm thanh, ánh sáng đầy vui nhộn ấy, tiếng radio, hình ảnh và những câu chuyện ở Tuol Sleng - Choeung Ek vẫn cứ vây bám lấy tôi.
Ngày hôm sau, tôi tạm biệt Phnom Penh, tạm biệt hình ảnh những gia đình lang thang với đàn trẻ lấm lem, nhem nhuốc có thể dễ bắt gặp ở một góc nào đó gần cung điện Hoàng gia; tạm biệt bảo tàng diệt chủng - Cánh đồng chết và nạn diệt chủng Khmer Đỏ… Tôi đi xuống phía nam Campuchia, đến với thành phố biển Sihanoukville, nơi còn được gọi là “viên ngọc được người Campuchia giấu kín”, nơi có những bãi biển cát trắng, nước trong, những chiếc ghế bành êm ái, giá phòng và đồ ăn rẻ, những ngôi nhà tổ chim ngoài đảo vắng… - một thiên đường dành cho dân du lịch bụi.
Phần 1: