Áp thấp nhiệt đới gây mưa trên diện rộng, mưa lớn ở các tỉnh miền núi và duyên hải Bắc bộ không tránh khỏi biển động, đất trời âm u. Bến thuyền đánh cá trong đêm Giao Hải vì thế sớm mai không có gì để họp, ngoài những con thuyền lặng lẽ neo mình gần bờ kè trong làn sóng biển đỏ ngầu phù sa.
Nơi đây rất gần với cửa sông Ba Lạt, nơi con sông Hồng đổ ra Biển Đông.
Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường đê bao ven biển, hít thở không gian mặn mòi và ngai ngái sóng gió. Biển không xanh biếc và nắng cũng không đổ vàng trên rặng phi lao như những vịnh biển du lịch nổi tiếng.
Đã sắp sang trưa mà trời mới hưng hửng. Ngoài biển, những căn nhà chòi nuôi ngao nằm cô độc giữa mênh mang sóng cả, vắng vẻ đến lạ lùng, chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân đê, một triền hoa muống biển tím ngát và hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc xe đi ngược chiều.
Đôi chỗ lại gặp dãy kè quai đê lấn biển, chắn sóng, ngăn dòng lũ cuốn mà hẳn bà con nơi đây đã phải đổ nhiều mồ hôi và công sức để chinh phục thiên nhiên, bảo vệ cánh đồng và mùa màng trong đê, tạo dựng nên những bãi nuôi trồng hải sản rộng khắp vùng.
Xe dừng lại ở bến thuyền Giao Hải. Không một bóng người.
Anh Hậu, một người dân ở Giao Xuân, giải thích với tôi “vì đây là bến thuyền chỉ đi đánh cá vào ban đêm rồi trở về khi trời tờ mờ sáng” nên anh thường gọi Giao Hải bằng cái tên rất dài “Bến thuyền đánh cá trong đêm” khiến tôi thấy lạ lùng và bị ấn tượng.
Đáng tiếc vì mưa bão nên tôi chưa có cơ hội được tham dự phiên chợ hải sản mỗi sớm mai với những ngư dân ăn sóng nói gió và cần mẫn ra khơi ra lộng bằng những con thuyền nhỏ của gia đình. Đành tự nhủ lòng nhất định sẽ có lần sau.
Tiếp tục “chỉ mình ta với ta” trên đê biển Bạch Long, chúng tôi bảo nhau không biết bà con trong vùng hôm nay đi đâu, làm gì mà quê nhà trở nên vắng vẻ. Xóm Vó Bè im lìm đến mức ngỡ như nghe thấy cả tiếng cá mắc lưới đang quẫy nước.
Bên này bờ lạch, nơi có con đường đi vào thị trấn không một bóng xe, nhưng căn lều chắp vá đóng cửa im ỉm, vó bè cái chìm, cái nổi trải dài hút mắt về phía xa. Bên kia bờ có ai đó vừa kéo tấm rèm che ô cửa sổ vội vã, rồi lại mở ra lén nhìn chúng tôi một cách tò mò.
Không thấy chủ nhà nên lại đành bỏ lỡ cơ hội làm nông dân dân đánh cá, bỏ lỡ cơ hội được cất vó bè trong bóng chiều hôm.
Bến thuyền đánh cá trong đêm Giao Hải. Ảnh: Giang Nguyên. |
Chúng tôi tìm về cánh đồng muối Bạch Long, đúng như dự đoán hôm nay không có nắng nên cả một vùng vắng tanh vắng ngắt, những chòi nông cụ, kho muối khóa cửa lặng thinh.
Rời đê biển rẽ sâu vào làng để tìm đường xuống cánh đồng làm muối nhưng càng đi càng không hiểu bằng cách nào có thể vượt qua những đầm nuôi tôm và cả một khúc sông nhỏ để sang đồng.
Đứng trên đầu ngõ một căn nhà gọi ầm lên mới được chỉ dẫn quay ngược trở lại đê, nơi đầu gốc cây bàng, ở đó sẽ có đường đi vào đồng muối.
Bạch Long là xã độc canh sản xuất muối lớn nhất huyện Giao Thủy với tổng sản lượng muối hằng năm ước đạt hàng chục ngàn tấn. Dân nhiếp ảnh thường tới đây vào buổi chiều để ghi lại hình ảnh diêm dân thu hoạch muối trong ánh hoàng hôn.
Quy trình làm muối của diêm dân diễn ra trong một ngày, một ngày nhất định phải có nắng bắt đầu từ 7-8h, nước chạt đã được tinh lọc bởi cát và có độ mặn hơn nước biển sẽ được trải trên sân phơi được làm từ hỗn hợp vôi và gio bếp, bốc hơi nước kết tinh thành muối hột, đến chiều thu hoạch bán liền hoặc đem cất vào kho.
Một góc sân phơi của đồng muối Bạch Long. Ảnh: Giang Nguyên. |
Trong nhiều chuyến đi các bạn tôi vẫn luôn giữ thói quen xin vào nhà dân và được cùng ăn uống, giao lưu với bà con bản địa. Và kết quả, chúng tôi luôn được cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm thú vị tuyệt vời.
Do đã chuẩn bị một số đồ picnic để nấu bữa trưa nhanh gọn, chúng tôi lập tức dọn bếp và đồ ăn ra giữa sân nhà và hào hứng nấu nấu, nướng nướng.
Thấy chúng tôi mang đi cả bếp, nồi, thìa đĩa bát đũa hai bác phì cười bảo lần sau tới đây vào luôn nhà bác, không cần chuẩn bị gì, muốn ăn hải sản thì dặn bác đi chợ sớm mua hộ, vừa tươi vừa rẻ, muốn ăn gà thì bác thịt.
Nói rồi bác chỉ ra khoảng đất đầu hồi ven sông nuôi dễ tới 40 con gà đang cục ta cục tác gáy ò ó o ầm ĩ.
Những chòi nông cụ và kho muối im lìm. Ảnh: Giang Nguyên. |
Ấn tượng của đồng muối là những căn nhà chòi hình tam giác lợp mái rơm chi chít đồng, tò mò nhìn qua lỗ khóa thì ra là kho để diêm dân trữ nông cụ hoặc trữ muối.
Bác Phương cũng đội nón ra đồng để chỉ cả nhóm biết quy trình làm muối, từ việc dẫn nước biển vào lạch, tưới nước lên sân cát, phơi cát, gom cát đưa vào bể lọc làm ra nước chạt, rồi từ nước chạt làm ra hạt muối.
Vất vả, nhọc nhằn và trông chờ vào mặt trời. Mưa như ngày hôm nay là cả làng nghỉ, trong khi giá thu mua muối cũng không bõ bèn gì.
Một kênh nước khá lớn nằm song song với đê biển hấp dẫn đám trẻ và đứa nào cũng muốn xuống lội bùn. Giữa dòng có một gia đình bốn người, hai vợ chồng và hai con nhỏ đang chăm chỉ vớt rong biển và phơi trên đồng.
Đây chính là nguyên liệu để làm ra thạch rau câu. Tôi tìm cách bắt chuyện với hai đứa nhỏ, trêu chọc cậu bé 7 tuổi sún răng vừa cùng chị kéo cả một thuyền xốp đầy rong biển về phía bãi phơi.
Con trai tôi nói muốn giúp hai bác nông dân vớt rêu và phơi rêu, điều mà nhiều khách du lịch đến với miền quê biển Nam Định phải mua tour để được thực hành.
Bọn trẻ làm quen với nhau rất nhanh và vừa làm, vừa nghịch trong khi chúng tôi trò chuyện với bác Phương, người hướng dân viên tận tình bất ngờ của đồng quê Bạch Long.
Chiều xuống, lất phất mưa bay. Cánh đồng muối bên kia sông lặng lẽ, gia đình thạch rau câu đã đi về tự khi nào.
Tôi ngồi đong đưa cánh võng trong sân nhà người nông dân miền biển, thầm nghĩ giữa những tin tức rối ren của phồn hoa phố thị, một tấm chân tình Bạch Long nhận được lúc này thật đáng quý biết bao!