Tối ngày 30/9, Thạc sĩ Cao Tiến Sỹ, Trưởng phòng Pháp chế, Truyền thông thuộc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đã có bài chia sẻ về vấn đề hiến tặng mô, tạng cho gần 400 tăng ni có mặt ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân mạn tính, hiểm nghèo do mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được như suy thận mãn, suy gan, suy tim, suy tủy, hỏng giác mạc…
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh.
Ngoài thận, gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô tạng đã chết hoặc chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. |
Thạc sĩ Cao Tiến Sỹ cho biết: “Vận động, kêu gọi mọi người tự nguyện hiến mô, tạng là một trong những cách nhân đạo, giúp kiểm soát tình trạng buôn người bán nội tạng”.
Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn. Khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ ghép tim, phổi.
GS.TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng bộ môn Tiết niệu học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, việc chạy thận nhân tạo có thể giúp kéo dài thời gian chờ đợi để được ghép. Những bệnh nhân u gan, xơ gan, thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng nên nhiều trường hợp không thể chờ nguồn tạng hiến tặng”.
Việc hiến tạng, mô chỉ được phép tiến hành khi người hiến đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Ngoài ra, việc hiến tặng còn phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật các thông tin liên quan đến người hiến, người ghép…