Theo thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH vừa được Bộ GD&ĐT ban hành (sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2016), một trong những căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên ĐH chính quy (8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật).
Không thể cắt giảm đột ngột
Mặc dù Bộ GD&ĐT chỉ rõ lý do lần đầu tiên đưa ra tiêu chí này nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát của Nhà nước đối với quy mô đào tạo của toàn hệ thống, nhưng nhiều trường lại cho rằng quy định trên bất hợp lý, nặng tính áp đặt chủ quan vì đội ngũ giảng viên của các trường đáp ứng đủ quy mô sinh viên lớn hơn.
ĐH Kinh tế TP HCM là 1 trong 18 trường vượt “trần” quy mô. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, tổng số sinh viên ĐH chính quy hiện nay khoảng 26.000. Đội ngũ giảng viên của trường là 1.250 người, trong đó có trên 500 tiến sĩ, gần 200 phó giáo sư, khoảng 20 giáo sư.
Theo đó, khi tính theo số liệu giảng viên quy đổi, tỉ lệ sinh viên/giảng viên của trường chỉ chạm mốc 15 sinh viên/giảng viên. Trong khi quy định chung của Bộ GD&ĐT về tỷ lệ sinh viên/giảng viên với các ngành đào tạo tại trường đều ở mức cao hơn, 20-25 sinh viên/giảng viên.
Một cán bộ của trường cho biết nếu cứ áp dụng cứng nhắc việc khống chế quy mô thì có đến một nửa số giảng viên của trường thất nghiệp vô lý, vì không có sinh viên để bố trí giờ giảng.
Theo số liệu năm học 2014-2015 của Bộ GD&ĐT, ĐH Nông lâm TP HCM nằm trong số 18 trường ĐH có tổng số sinh viên ĐH chính quy vượt “trần” quy mô theo thông tư 32 với 16.914 sinh viên.
Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, số liệu trên không chính xác. “Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường là 5.300 sinh viên. Mấy năm nay trường không tăng chỉ tiêu. Như vậy, tổng số sinh viên chính quy của trường hiện đã hơn 20.000” - ông Hùng nói.
Tương tự, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng trong số các trường có quy mô đào tạo vượt “trần” với 16.388 sinh viên chính quy. Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, số liệu trên không chính xác, vì tổng số sinh viên hệ chính quy của trường hiện nay khoảng 18.000.
“Có thể Bộ GD&ĐT dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh giao cho trường hằng năm là 4.000 sinh viên nên đưa ra con số đó. Nhưng thực tế không phải tất cả sinh viên đều ra trường đúng thời hạn. Có năm số sinh viên ra trường đúng hạn chỉ 60-70%”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định khống chế quy mô đào tạo của các trường là rất chủ quan. Hiện nay, mức học phí ở các nước là 30.000-40.000 USD/năm, trong khi mức học phí ở VN hiện nay quá thấp. Vì vậy không thể áp quy định của các nước vào thực tế VN được. Ngay cả cách tính số lượng sinh viên/giảng viên cũng không phù hợp.
Nguồn thu chính của các trường ĐH hiện nay là học phí. Nếu cắt giảm sinh viên thì nhà trường lấy đâu ra tiền để đủ trả cho giảng viên và mua các thiết bị phục vụ đào tạo?
“Nếu thực hiện theo thông tư 32 sẽ rất khó khăn cho nhà trường. Trường buộc phải tinh giản biên chế, đẩy giảng viên ra đường. Trong khi phòng học, cơ sở vật chất được nhà trường đầu tư đáp ứng quy mô đào tạo hiện nay, giờ cắt giảm sinh viên sẽ gây ra lãng phí. Phải có lộ trình cụ thể chứ không thể buộc các trường phải cắt giảm đột ngột như vậy” - ông Dũng nói.
Trường sẽ xin bộ trưởng
PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ - cho rằng, nguyên tắc cơ bản khi ban hành quy định mới phải không làm xáo trộn cái cũ.
“Hiện tại, ĐH Cần Thơ có 32.000 sinh viên, nếu thực hiện theo thông tư 32 thì nhà trường phải cắt giảm 17.000 sinh viên. Không lẽ trường buộc tất cả số sinh viên này nghỉ học?” - ông Xê băn khoăn.
Tuy nhiên, ông Xê cho rằng mục tiêu của thông tư 32 là “xác định chỉ tiêu hàng năm” chứ không phải “xác định tổng số sinh viên”.
“Cần lưu ý đối với các ĐH quốc gia và ĐH vùng, quy mô sinh viên được tính riêng theo từng trường thành viên. Nếu quy mô sinh viên hiện nay của trường vượt quá quy mô cho phép thì lãnh đạo trường sẽ tính phương án, lộ trình điều chỉnh để dần dần đạt được các tiêu chí và đề nghị bộ trưởng xem xét.
Lấy ĐH Cần Thơ làm thí dụ hiện đang có 32.000 sinh viên hệ chính quy. Đây là trường đa ngành và là trường ĐH trọng điểm quốc gia, có vai trò phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL, do đó ban giám hiệu sẽ đề xuất bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép giữ ổn định quy mô này.
Chiến lược phát triển của trường là không tăng quy mô sinh viên. Chúng tôi vẫn đề xuất giữ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 ở mức 8.500 sinh viên” - ông Xê khẳng định.
Cũng theo ông Xê, xét về cơ sở vật chất, số lượng và trình độ cán bộ với quy mô sinh viên thì ĐH Cần Thơ có tầm cỡ một ĐH vùng. Nhưng nhà trường không muốn nâng trường lên thành ĐH vùng, vì quy trình quản lý theo trường ĐH vùng không hiệu quả bằng quy trình hiện nay của Trường ĐH Cần Thơ.
Lãnh đạo các trường nằm trong danh sách quy mô vượt “trần” đều cho biết nhà trường sẽ làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT để kiến nghị giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy.
“Trường đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 với Bộ GD&ĐT cũng với 5.300 chỉ tiêu. Hơn nữa, trường chúng tôi là trường đào tạo đa ngành. Trường còn đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp cho các tỉnh Tây nguyên và duyên hải miền Trung tại hai phân hiệu (Gia Lai và Ninh Thuận). Chủ trương của trường trong những năm tới là chỉ tăng chỉ tiêu đào tạo sau ĐH và giữ nguyên chỉ tiêu ĐH” - ông Huỳnh Thanh Hùng nói.
Không thực hiện theo hướng gây sốc
Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT, thừa nhận một số trường ĐH có văn bản góp ý, kiến nghị về việc thực hiện quy định này.
Tuy nhiên thực tế ở một số trường quy mô đào tạo lớn hơn 15.000 sinh viên chính quy, nếu tính tỉ lệ sinh viên/giảng viên chung chung như trước đây thì trường có thể đảm bảo, nhưng khi tính riêng theo khối ngành thì tạo ra chênh lệch lớn khi một số ngành có đội ngũ giảng viên còn hạn chế, nhưng do nhu cầu lớn từ người học nên quy mô tăng cao hơn so với điều kiện thông thường.
“Ngay ở Hà Nội, một trường ĐH có truyền thống đào tạo ngành nông nghiệp với lực lượng giảng viên chủ yếu thuộc chuyên môn các ngành kỹ thuật - nông nghiệp nhưng lại có đến 50% sinh viên thuộc về các ngành kinh tế, kế toán.
Nếu tính tỷ lệ sinh viên/giảng viên toàn trường thì ổn, nhưng nếu tính theo từng khối ngành như quy định mới thì điều kiện giảng viên hiện tại của trường không đảm bảo chất lượng cho đào tạo khối ngành kinh tế.
Như vậy khi điều chỉnh theo cách tính mới - kể cả khi chưa áp dụng việc khống chế quy mô, chỉ tiêu của trường đã phải giảm ở những khối ngành mà giảng viên chưa đảm bảo” - ông Áng dẫn chứng.
Hiện tại, theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, khi tính sinh viên ĐH chính quy gồm cả sinh viên chính quy tuyển sinh từ kỳ thi “ba chung”, văn bằng 2, liên thông chính quy thì hiện cả nước có 18 trường ĐH đang vượt “trần” quy mô theo quy định mới.
Dù thông tư 32 đặt ra quy định các trường xác định chỉ tiêu theo một số tiêu chí và phải đảm bảo quy mô không vượt quá 15.000 sinh viên, “nhưng việc chấn chỉnh quy mô đào tạo sẽ không thực hiện theo hướng gây sốc, không bắt các trường đang vượt quy mô tối đa phải giảm chỉ tiêu đào tạo ngay lập tức” - ông Áng nhấn mạnh.