Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một phụ nữ chết ở trại tạm giam

Khi vụ án đang được điều tra lại, gia đình chị Yến nhận được tin con gái mình thắt cổ tự tử ở trại tạm giam.

Sáng 8/10, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi chị Trần Thị Hải Yến (31 tuổi ở xã An Cư, huyện Tuy An) - bị cáo đang bị tạm giam tại công an huyện Tuy An.

Tạm giam... 250 ngày

Trước đó, khoảng 21h30 ngày 7/10, ông Trần Ngọc Long (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Liễu (59 tuổi) là cha và mẹ của chị Yến nhận được tin con mình đã tử vong trong Trại tạm giam công an huyện Tuy An. Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của công an tỉnh Phú Yên, cho biết theo điều tra ban đầu, chị Yến tử vong do thắt cổ tự tử.

Gia đình ông Trần Ngọc Long (bìa trái) đau xót trước cái chết của Trần Thị Hải Yến.

Vụ việc bắt đầu tối 3/3/2012, khi nhà ông Nguyễn Tấn Dũng (ở sát nhà chị Yến) tổ chức hát karaoke thì bà Liễu sang bảo tắt máy để hàng xóm nghỉ ngơi. Trong khi chủ nhà chưa tắt máy thì ông Long đứng bên ngoài lớn tiếng và 2 bên ném gạch, đá qua lại và chị Yến có tham gia. Sau đó, ông Dũng bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Tuy An. Theo kết quả giám định pháp y, ông Dũng bị thương tích 12%. Công an huyện Tuy An khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam chị Yến từ ngày 15/1/2013. Vụ án được TAND huyện Tuy An đưa ra xét xử vào ngày 18/3.

Trong suốt quá trình điều tra cũng như tại tòa, chị Yến không thừa nhận mình ném gạch, đá gây thương tích cho ông Dũng nhưng TAND huyện Tuy An vẫn tuyên phạt chị Yến 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Cho rằng bản án gây oan sai, người nhà chị Yến gửi đơn khiếu nại, kêu oan khắp nơi, đồng thời kháng án lên TAND tỉnh Phú Yên. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 1/7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND huyện Tuy An điều tra lại.

Trong quá trình diễn ra vụ việc, gia đình nạn nhân đã nhiều lần làm đơn bảo lãnh chị Yến tại ngoại với lý do chị là lao động chính của gia đình trong khi cha mẹ đều đã mất sức lao động, chị Yến chưa lập gia đình, nếu tạm giam lâu sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và tương lai… Tuy nhiên, đề nghị này không được các cơ quan chức năng giải quyết. “Chưa biết con gái tôi có tội hay không mà họ giam nó đến hơn 250 ngày, làm sao nó chịu nổi”, bà Liễu gào khóc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, nơi tạm giữ thi thể chị Yến chờ khám nghiệm tử thi.

Chưa đủ cơ sở kết tội

Theo luật sư Ngô Minh Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư số 1 (tỉnh Phú Yên), người bào chữa cho chị Yến - quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Luật sư Tùng đưa ra các chứng cứ: Trong biên bản lấy lời khai nhân chứng Nguyễn Thị Tuyết Mỹ (người gần nhà) có những đoạn quan trọng bị xóa, viết lại hoặc ghi thêm ra bên ngoài lề giấy. Lời khai của ông Dũng (người bị hại) là bị ném đá, nhưng tang vật lại là… gạch.

Việc niêm phong tang vật không diễn ra tại hiện trường mà lại diễn ra tại trụ sở công an xã An Cư. Biên bản lấy lời khai nhân chứng của VKSND huyện Tuy An cùng lúc cho 4 nhân chứng, trong đó có 3 nhân chứng quan hệ gần với vợ chồng người bị hại. “Lấy lời khai như thế là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Làm như thế có khác nào tạo điều kiện để thông cung”, luật sư Tùng nói.

Ông Nguyễn Văn Tào - Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, thẩm phán xét xử phúc thẩm vụ án này cho rằng chưa đủ cơ sở để buộc tội cố ý gây thương tích đối với chị Yến. Trong bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên cũng cho thấy còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, sai sót, bỏ ngỏ trong quá trình điều tra như: Sai sót trong việc thu thập vật chứng, niêm phong vật chứng, thu giữ vật chứng không đầy đủ, lấy lời khai nhiều nhân chứng cùng một lúc, trong một biên bản không đúng quy định, chưa tiến hành thực nghiệm điều tra bằng mô hình để xác định cơ chế hình thành vết thương đối với người bị hại, chưa dựng lại hiện trường để xác định vị trí đứng của người bị hại, bị cáo và nhân chứng để đối chứng với các lời khai.

Ngoài ra, cơ quan điều tra chưa làm rõ lý do việc gạch, xóa, viết bổ sung những nội dung liên quan đến vết thương người bị hại trong hồ sơ bệnh án. Trong hồ sơ bệnh án, phiếu khám vào viện và giấy chứng nhận thương tích mâu thuẫn nhau nhưng cũng chưa được làm rõ. “Không chỉ là người trong ngành tòa án mà là một người bình thường cũng vậy, nếu vì một bản án oan ức mà dẫn đến cái chết của bị cáo Yến là điều hết sức đau xót”, ông Tào nhìn nhận.

Ban Nội chính hứa làm rõ

Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, vừa tiếp nhận hồ sơ vụ việc vào ngày 6/10. Hai ngày sau, ông Học đã tiếp cận hiện trường vụ án, gặp gỡ và chia sẻ với gia đình nạn nhân, đồng thời lắng nghe, có ý kiến kịp thời trước mong muốn của gia đình nạn nhân là không để ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên, trực tiếp khám nghiệm tử thi. “Gia đình hãy tin vào pháp luật, chúng tôi sẽ làm rõ vụ việc này”, ông Học động viên.

 

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm