Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Một số nơi có dấu hiệu thờ ơ, chủ quan với dịch Covid-19'

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch để Covid-19 không tái bùng phát như một số nước khác.

Việt Nam chỉ còn 6 ca dương tính với SARS-CoV-2, hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam - đánh giá về tình hình hiện tại.

'Người dân không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ'

- Tính đến sáng nay, Việt Nam đã trải qua 61 ngày không có ca mắc Covid-19 cộng đồng. Ông đánh giá sao về điều này?

- Điều đó thể hiện việc phòng chống dịch vẫn đảm bảo. Hiện, Việt Nam đang làm tốt việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập bằng cách cách ly tất cả người về từ nước ngoài. Các ca bệnh mới được ghi nhận đều là người nhập cảnh, được cách ly ngay, không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Việc phòng chống dịch vẫn đảm bảo, chúng ta bảo vệ được thành quả bước đầu trong cuộc chiến với SARS-CoV-2.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 1

Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, hiện chính quyền địa phương một số nơi và người dân đã có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh. Một số địa phương không thực hiện nghiêm ngặt những hướng dẫn giảm sát, phòng bệnh trong tình hình mới. Người dân chủ quan không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn,...

- Điều này cũng dễ hiểu bởi nhiều người cho rằng dịch Covid-19 ở Việt Nam đã ổn. Ông nghĩ sao?

- Sự chủ quan lúc này được cho là nguy hiểm bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng nghĩa nguy cơ với Việt Nam vẫn luôn tồn tại. Phát biểu trước Quốc hội hôm 13/6, khi nói về tình hình dịch thời gian sắp tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nguy cơ vẫn còn rất lớn. Việt Nam như "một cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa".

Đặc biệt, diễn biến Covid-19 tái bùng phát ở Singapore, Hàn Quốc, gần nhất là Bắc Kinh (Trung Quốc) chính là cảnh báo nhãn tiền cho Việt Nam.

Dịch SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh trước đây không bùng phát mạnh như Vũ Hán, mà xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ và đã dập được ngay. Điều này tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng, người dân tưởng chừng có thể yên tâm về dịch bệnh thì một đợt dịch Covid-19 mới lại bùng phát với số ca mắc lên tới hàng chục người mỗi ngày.

Đó là bài học cho Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh. Sự chủ quan có thể khiến Việt Nam trả giá đắt.

- Mới đây, ngày 13/6, Việt Nam ghi nhận một ca mắc Covid-19 là khách du lịch bị mắc kẹt ở Trung Quốc từ tháng 1 đến cuối tháng 5 mới trở về nước. Điều này có đáng lo ngại không?

- Ca này đã được cách ly ngay khi nhập cảnh nên không đáng lo ngại song cho thấy Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa với các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 2

Việt Nam cần phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở. Ảnh: Việt Linh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

- Việt Nam luôn xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo ông, ngành y tế dự phòng trong giai đoạn này cần có các biện pháp như thế nào?

- Trong đại dịch Covid-19, vai trò của y tế dự phòng là rất quan trọng khi luôn đi trước một bước đồng thời luôn hậu thuẫn ở phía sau. Nếu chúng ta không làm tốt công tác này cũng như các biện pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu, nhiều tình huống xấu hơn có thể đã xảy ra như có người tử vong, vỡ trận hệ thống như một số nước hiện tại. Trong thời gian tới, chúng ta cần đầu tư nhân lực, máy móc và các cơ sở vật chất từ trung ương đến địa phương để công tác y tế dự phòng tốt hơn.

Các bệnh hô hấp như Covid-19 phụ thuộc vào con người, nếu làm tốt thì không bùng lên, nếu không tốt, dịch sẽ bùng lên. Singapore là một ví dụ, người ta cũng không lường trước được giai đoạn sau của dịch bệnh, nên để dịch bệnh lây trong khu dân cư, người lao động nhập cư… Từ một nước khống chế tốt dịch bệnh, trở thành nước có nhiều ca nhiễm ở giai đoạn sau.

Tôi cho rằng luôn luôn phải có sự chủ động, để có thể có những giải pháp đúng đắn như ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch... Nhiều nước không làm tốt việc phát hiện và cách ly và hậu quả thì đến nay ai cũng nhìn thấy.

- Còn người dân cần làm gì?

- Trong tình hình mới, Việt Nam cần làm tốt việc duy trì kiểm soát chặt với bên ngoài và phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng (nếu có) bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện cần khoanh vùng ngay, tránh lây lan.

Người nhập cảnh cần cách ly đủ 14 ngày. Các chuyên gia đến Việt Nam làm việc cần được tổ chức lưu trú một nơi riêng biệt, đảm bảo giãn cách 2 m khi hội họp, xét nghiệm hai ngày một lần. Người dân cũng cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện "bình thường mới" như đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi có nguy cơ, rửa tay, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế...

Nhiều ý kiến đặt ra về việc công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam. Song bất kể có công bố hết dịch hay không, việc phòng thủ, các biện pháp vẫn luôn cần được thực hiện sát sao. Người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Khách du lịch trở về từ Trung Quốc mắc Covid-19

Bệnh nhân thứ 334 đi du lịch Trung Quốc từ tháng 1, đến cuối tháng 5 mới có thể trở về Việt Nam, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm