Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022.
Nội dung sửa đổi của Nghị định 100 tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ.
"Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam tăng thêm khoảng 3,8 triệu phương tiện giao thông. Trong đó, ôtô tăng 10,25% và xe máy tăng 6,46% so với năm liền kề trước đó", Cục CSGT.
Là cơ quan trực tiếp thực thi Nghị định 100, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) lý giải việc điều chỉnh là cần thiết bởi sau gần 2 năm thi hành, tình hình trật tự, an toàn giao thông có những biến động và phát sinh những tình huống nhất định. Đồng thời, cơ quan chức năng cần làm mới một số quy định để tránh việc người tham gia giao thông "thích nghi" với biện pháp xử lý.
Các chuyên gia cũng đánh giá những hành vi được đề xuất tăng mức xử phạt lần này là vi phạm có tính chất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn và gây bức xúc dư luận trong thời gian qua nhưng chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn.
Để bằng lái quá hạn có thể bị phạt 12 triệu đồng
Hiện, mức phạt đối với việc sử dụng giấy phép lái ôtô quá hạn 6 tháng là 4-6 triệu đồng.
Tại dự thảo mới, cơ quan chức năng chia làm 2 mức. Trong đó, người sử dụng giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng.
Người sử dụng giấy phép quá hạn trên 3 tháng, không có hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), lý giải việc gia hạn bằng lái là cần thiết bởi cơ quan chức năng cần kiểm tra chu kỳ về mặt sức khỏe, cập nhật kỹ năng của người lái.
"Qua phân tích, từ 30 đến 45 tuổi là lứa tuổi có liên quan tới tai nạn nhiều nhất. Thực tế đó đòi hỏi cần có sự quản lý về mặt con người, đến một thời điểm nhất định thì phải kiểm soát xem sức khỏe họ có đảm bảo hay không, đã cập nhật những kỹ năng mới, trau dồi kỹ năng đã có hay chưa", đại tá Nhật nói.
Bằng lái xe quá hạn từ 3 tháng trở lên có thể bị phạt tối đa 12 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dự thảo cũng tăng mức xử phạt mức 1-2 triệu đồng đối với người lái xe máy dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mà không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép bị tẩy xóa.
Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng hiện nay lên 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên 175 cm3, không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.
Theo Bộ GTVT, việc tăng mức xử phạt trên nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép lái xe để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước bằng lái.
Sản xuất, bán biển số xe giả có mức phạt tăng 7-10 lần
Dự thảo mới quy định mức phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện là 1-2 triệu đồng) và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện là 2-4 triệu đồng) có hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức có hành vi Sản xuất biển số trái phép.
Theo dự thảo nghị định mới, người vi phạm sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng (trước đây là 800.000-1 triệu đồng) với các hành vi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc).
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, đánh giá việc tăng mức phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất biển số giả là cần thiết.
Ông Chiến cho rằng việc sản xuất, bán, tiêu thụ biển số giả gây tác hại nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, truy xét khi phương tiện vi phạm.
Hơn nữa từ thực tế hiện nay, ngành công an đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm thì tình trạng biển số giả còn gây hệ lụy lớn cho cả chủ xe biển thật, từ đó đòi hỏi cơ quan chức năng nghiên cứu và đưa ra chế tài mạnh hơn.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: H.Q. |
Đặc biệt, điều đáng lo ngại hơn là kẻ gian có thể lợi dụng việc làm biển số xe giả để che giấu thông tin, thực hiện các hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm nhằm qua mặt hoặc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.
“Ở góc độ Nghị định 100 sửa đổi việc tăng mức phạt hành chính đối với người buôn bán, sản xuất biển số giả là một mặt của vấn đề. Tuy nhiên, nếu hậu quả nghiêm trọng hơn, tổ chức có hệ thống hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Chiến nói.
Nhiều hành vi có tính chất nguy hiểm được tăng mức xử phạt
Tại dự thảo, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành.
Ngoài ra, nếu trường hợp đua ôtô, mức xử phạt cũng tăng 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng.
Mức phạt cũng tăng 6-8 triệu đồng hiện tại lên mức 10-12 triệu đồng theo dự thảo mới với vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Các vi phạm trên đường cao tốc có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn. Ảnh: H.Q. |
Từ thực tế quản lý, Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá đây là những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, trong thời gian qua, những hành vi này liên tục được dư luận, tài xế phản ánh, bày tỏ bức xúc bởi gây nguy hiểm cho cả những phương tiện chấp hành nghiêm quy định.
Tăng nặng chế tài với người điều khiển xe quá tải
Trước đây, việc xử lý ôtô chở quá tải trọng được cơ quan chức năng chia làm 5 mức lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1-16 triệu đồng.
Tại dự thảo mới, cơ quan chức năng kiến nghị chỉ còn 3 mức xử lý gồm: Quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50% với mức xử phạt lần lượt là 4-6 triệu đồng, 13-15 triệu đồng và 40-50 triệu đồng.
Xe quá tải là nguyên nhân chính gây hư hỏng hạ tầng giao thông. Ảnh: L.H. |
Theo Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc tăng mạnh mức xử phạt do hành vi phương tiện chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đồng thời, mức xử phạt trên cũng phù hợp với tính chất, mức độ của vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Điều chỉnh thẩm quyền xử phạt
Cùng với việc tăng mức xử phạt, Bộ GTVT còn đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh.
Theo đó, trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt lên đến 2,5 triệu đồng.
Trưởng công an cấp huyện được quyền xử phạt lên đến 15 triệu đồng và giám đốc công an cấp tỉnh có quyền xử phạt lên đến 37,5 triệu đồng.
Cục trưởng CSGT, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng có quyền phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Kèm với đó, chủ tịch UBND các cấp được quy định mức phạt cụ thể: Chủ tịch xã được phạt tiền đối với lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt là 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tối đa 37,5 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh được ra quyết định xử phạt tối đa 75 triệu đồng.
Bình luận