Nhận thiệp mời cưới cũng khiến nhiều người choáng váng. Ảnh: Pexels. |
Mới hết 10 ngày đầu tháng 12, thế nhưng, Nguyễn Quỳnh (24 tuổi, Hà Nội) đã kịp dự 5 đám cưới của bạn bè và người thân. Nhẩm tính từ giờ đến cuối tháng, nữ nhân viên công sở còn tiếp tục bận rộn với 2 đám nữa.
“Mỗi lần nhận được lời mời cưới, con tim mình lại lặng đi một chút, nhất là vào những tháng cuối năm", Quỳnh dí dỏm chia sẻ với Znews.
Cuối năm, khi thời tiết bắt đầu dễ chịu cũng là lúc nhiều người đùa vui rằng đã vào… mùa cưới. Thiệp mời được gửi đi liên tục, tần suất đi dự hôn lễ thường xuyên khiến khách mời cũng không khỏi choáng váng.
Sợ nhận thiệp mời cưới
“Với mình, trung bình 1-2 đám cưới/tháng cũng không có vấn đề gì, nhưng đến 7 thiệp mời/tháng thì đúng là choáng váng. Đó là còn chưa kể một đám chưa biết có mời không. Đi làm không đủ tiền mừng cưới là có thật”, Quỳnh nói.
Cô chia sẻ trong 5 đám cưới đã dự đầu tháng 12, 3 đám là của bạn cùng lớp cấp 2 và cấp 3, một đám đến từ đồng nghiệp cũ và một đám là người chị trong gia đình.
Quỳnh Nguyễn nhận 8 thiệp mời cưới trong tháng 12. Ảnh: NVCC. |
“Ngoại trừ đám cưới chị họ, 4 người bạn còn lại, mình đều có quan hệ ở mức bình thường, ít qua lại, nhưng không đi thì không được nên khi được mời dồn dập như vậy, mình cũng bối rối", Quỳnh cho hay.
Tương tự, trong tháng 12, Quỳnh Mai (24 tuổi, Hà Nội) cũng nhận được 4 tấm thiệp mời. Các tháng trước đó, trung bình, cô chỉ nhận 1-2 thiệp.
“Năm nay, người sinh năm 1999 'được tuổi', bạn bè mình cưới nhiều lắm, nhất là dịp cuối năm. Đám cưới dồn dập nên cũng ‘đau ví'. Chưa kể, một số đám ít thân quen cũng mời nên thi thoảng, mình cũng sợ nhận thiệp", Mai nói.
Ba ngày, chạy 4 đám cưới
Nguyễn Quỳnh cho biết 5 đám cưới cô được mời vào đầu tháng 12 đều diễn ra trong 3 ngày cuối tuần 1-3/12. Không thể phân thân, cô chỉ còn cách chạy sô đi ăn cưới.
Do đồng nghiệp cũ ở xa, cũng không quá thân thiết, Quỳnh quyết định gửi mừng. Bốn đám còn lại, cô phải xin nghỉ làm một ngày để về quê.
“Chiều 1/12, mình dự đám cưới 2 người bạn cấp 3. Hai đám gần nhau nên cũng đỡ. Sáng 2/12, mình đến hôn lễ người bạn cấp 2. Còn lại, mình ở đám cưới chị họ", Quỳnh chia sẻ.
Tương tự, Quỳnh Mai cho biết trong ngày 2/12, cô cũng kín lịch đi ăn cưới 3 đám. Trong đó, 2 người bạn thân và một người bạn cấp 3.
“5h, mình đi đón dâu cùng một người bạn thân đến trưa mới về. Buổi chiều, mình đến đám cưới một người bạn cấp 3. Chưa kịp ăn cỗ, mình đã vội về để dự hôn lễ của người bạn thân còn lại", Mai cho biết rất muốn đến chung vui cùng cô dâu, chú rể nhưng trùng ngày, cuối cùng lại không đi được trọn vẹn đám nào.
Cũng nhận được 3 thiệp mời trong ngày cưới “quốc dân” đầu tháng 12, Kim Quân (27 tuổi, Hà Nội) không ngại đường xa để đến chung vui cùng bạn bè.
Anh trong biết trong 3 đám được mời, có một đám tổ chức ở Nam Định, cách nhà 130 km. Thế là, trưa 2/12, Quân đến chơi đám cưới người bạn ít thân nhất và gửi mừng.
“15h, mình lên xe, xuống Nam Định ăn cưới. 20h cùng ngày, mình bắt xe về Hà Nội để kịp dự lễ cưới người bạn thân vào ngày hôm sau", Quân chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ phải chạy sô, sắp xếp lịch đi ăn cưới dịp cuối năm. Ảnh: Pexels. |
Để bớt áp lực khi nhận thiệp mời
Không riêng đám cưới ở Nam Định, Quân cho biết nhiều đám cưới khác của bạn bè ở xa như Hà Giang, Hải Dương, anh cũng không ngại tham gia.
Theo Quân, cô dâu, chú rể cũng phải quý mình thì mới mời. Vậy nên, nếu sắp xếp được, có xa anh cũng đi để đáp lại tình cảm cũng như chúc phúc cho cặp đôi, dù tiền di chuyển, thuê nhà nghỉ, khách sạn đôi khi còn nhiều hơn tiền mừng. Anh cũng không quá kỳ vọng vào việc mọi người sẽ đến dự hôn lễ của mình sau này.
“Mình cũng thích đi đám cưới. Thấy bạn bè hạnh phúc, mình cũng vui. Ngoài ra, đi đám cưới cũng là dịp để mình trải nghiệm văn hóa, phong tục hay cỗ cưới ở nơi đó. Phải đi đám ở Hà Giang, mình mới biết chú rể phải mang theo cặp gà trống trong lễ ăn hỏi, cỗ cưới ở Nam Định thì có 3 đĩa giò”, Quân cho hay.
Trong khi đó, đôi khi vẫn sợ nhận thiệp nếu được mời dồn dập, Quỳnh Nguyễn cho rằng dù gì đám cưới cũng là ngày vui, nên nghĩ lạc quan hơn để sống thoải mái. Cô cũng coi việc đi đám cưới là một dịp để tụ tập, gặp mặt bạn bè sau nhiều năm.
“Mình còn trẻ, chưa lập gia đình nên ít vướng bận. Nếu sắp xếp được, mình vẫn đến dự. Còn những mối quan hệ xã giao hoặc ở quá xa, không quá thân thiết, mình sẽ gửi mừng", Quỳnh chia sẻ.
Tương tự, Quỳnh Mai cũng cho rằng nếu không đến tham dự cũng nên gửi tiền mừng hoặc từ chối lịch sự. Đây cũng là cách để gia đình cô dâu, chú rể có sự chuẩn bị khi tiếp đón.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.