Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một thế hệ lười yêu, ngại sinh con ở Hàn Quốc

Sống độc thân, không con cái đang trở thành lối sống của một thế hệ trẻ ở Hàn Quốc, dẫn đến nhiều hậu quả đáng kể đối với nền kinh tế thành công hàng đầu châu Á.

Ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 chọn từ bỏ 3 điều được coi là quan trọng trong cuộc sống: hẹn hò, kết hôn và sinh con. Họ được gọi là “thế hệ Sampo” và thường bị chỉ trích là ích kỷ, theo Bloomberg.

Họ đưa ra những lựa chọn trên vì hạn chế về kinh tế. Trong quá trình này, sự mất cân bằng nhân khẩu học của Hàn Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Năm ngoái, khi quốc gia này lần đầu tiên báo cáo số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh, Thứ trưởng Bộ Tài chính khi đó là Kim Yong-beom tuyên bố cột mốc quan trọng này là “giao cắt tử thần”.

Những người sống một mình chiếm gần 40% dân số Hàn Quốc. Honbap (bữa ăn một mình) trở thành ngôn ngữ thông dụng, thậm chí còn có thương hiệu cơm hộp mang tên Honbap Day.

gioi tre Han Quoc ngai yeu anh 1

Những hạn chế về kinh tế khiến ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn sống cô độc, không sinh con. Ảnh: Quartz.

Độ tuổi sinh con thông thường ở phụ nữ Hàn Quốc là 32, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia. Số lần sinh trên một phụ nữ giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,84 vào năm ngoái (thấp nhất thế giới), với tỷ lệ ở Seoul là 0,64.

Liên Hợp Quốc ước tính đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi ở Hàn Quốc sẽ lớn hơn bất kỳ quốc gia nào.

Thất bại trong việc khuyến khích sinh nở

Sự siết chặt nhân khẩu học này đã khiến một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới phát triển chậm lại.

Mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc vào năm ngoái (-1%) kém hơn nhiều quốc gia nhờ vào việc ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, mức trung bình trong 10 năm qua (2,5%) cũng giảm so với mức trung bình từ năm 1980 đến 2000 (8%) khi lực lượng lao động trẻ hơn.

Những người trẻ Hàn Quốc như Yang U-jin (25 tuổi) và Kim Yoon-jeong (30 tuổi) sẽ không hiểu được thời kỳ phát triển đó. Sau khi nộp đơn xin việc vào “mọi công ty liên quan đến điện tử” ở trong và gần Seoul đều không khả quan, Yang dọn khỏi thủ đô và trở về quê nhà gần thành phố cảng phía nam Busan, hy vọng gặp nhiều may mắn ở đó.

Trong trường hợp của Kim, cô quyết định không sinh con kể từ khi kết hôn vào năm 2016. Cô lý giải chi phí mua nhà và duy trì một gia đình tăng cao khiến việc cân nhắc có con trở nên khó khăn.

“Không thể có cặp vợ chồng nào sống được khi cả hai đều không làm việc. Giống như cả xã hội Hàn Quốc đang gây áp lực buộc những người trẻ tuổi không được có con”, Kim nói.

gioi tre Han Quoc ngai yeu anh 2

Chính phủ Hàn Quốc bất lực trong việc khuyến khích giới trẻ kết hôn và sinh con. Ảnh: AP.

Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc cố gắng đối phó với tình trạng giảm tỷ lệ sinh của mình. Giống như nhiều chính phủ khác trên thế giới, Seoul đã và đang cung cấp hàng chục tỷ USD để khuyến khích phụ nữ sinh con, từ các nhà trẻ miễn phí đến trợ cấp trong thời gian nghỉ thai sản.

Thậm chí, các cuộc hẹn hò tập thể cho công chức được sắp xếp với hy vọng dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân hơn. Tuy nhiên, không biện pháp nào trong số đó thực sự đem lại hiệu quả.

Giờ đây, chính phủ quyết định thay đổi chiến lược, chuyển trọng tâm chính sách từ đảo ngược sự suy giảm dân số đến hướng tới việc tìm cách "sống chung với lũ".

Theo đó, một mặt, chính phủ vẫn tìm cách khuyến khích giới trẻ sinh con nhằm đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai đủ lớn để duy trì hệ thống lương hưu. Mặt khác, họ khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động hoặc mở các doanh nghiệp mới.

Chính phủ cũng đề xuất nới lỏng các quy định nhập cư nghiêm ngặt để thu hút nhiều lao động nước ngoài hơn, bao gồm cả các kỹ sư.

Dân số già hóa

Vào tháng 1, một nhóm đặc nhiệm của chính phủ về chính sách dân số đã xác định 13 vấn đề chính cần giải quyết trong năm nay, từ giải quyết lực lượng lao động sản xuất đang xám xịt đến giúp đỡ các thành phố nông thôn - nơi dân số đang giảm.

Na Yoon-jung, quan chức giám sát chính sách dân số của Bộ Tài chính, nhận định: “Lão hóa là vấn đề toàn cầu, nhưng đang diễn ra với tốc độ chóng mặt ở Hàn Quốc. Dân số lao động ngày càng thu hẹp làm suy yếu nền tảng tăng trưởng và gia tăng gánh nặng cho thanh niên”.

Không chỉ quy mô của lực lượng lao động đang bị đe dọa. Trên khắp Hàn Quốc, các tổ chức từng hoạt động dựa trên giả định rằng dân số quốc gia sẽ tăng trưởng ổn định. Bây giờ, họ còn phải vật lộn với sự thay đổi nhân khẩu học.

Theo Cơ quan Thông tin Việc làm Hàn Quốc, gần một nửa thành phố của đất nước có nguy cơ giảm dân số nghiêm trọng trong vòng 30 năm. Trong khi đó, một số trường đại học đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm số lượng tuyển sinh đáng kể.

Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được tiến bộ trong việc thu hút nhiều phụ nữ, người cao tuổi và lao động nước ngoài gia nhập lực lượng lao động, Hàn Quốc vẫn có thể khó lấp đầy những lỗ hổng về năng suất, đầu vào lao động và cơ sở thuế. Tất cả đều do dân số ngày càng giảm và già hóa.

gioi tre Han Quoc ngai yeu anh 3

Dân số Hàn Quốc ngày càng già hóa, dẫn đến nhiều hệ quả cho nền kinh tế. Ảnh: NPR.

Capital Economics Ltd., công ty tư vấn có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), nói rằng chỉ để duy trì quy mô của lực lượng lao động hiện tại, Hàn Quốc cần phải chứng kiến ​​số lượng người nhập cư tăng lên từ 3% ở hiện tại lên 30% vào năm 2045. Đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi đòi hỏi phải sửa đổi phần lớn luật nhập cư, hành vi của công ty và chuẩn mực xã hội.

Đó là lý do công nghệ, chứ không phải dòng người nhập cư, có thể là câu trả lời. Các phương tiện tự lái dựa vào mạng không dây tốc độ cao, chip logic được sử dụng để vận hành trí tuệ nhân tạo và trang trại tự động sử dụng các thiết bị kết nối Internet đều nằm trong chương trình công nghệ của chính phủ.

Thường xuyên được xếp hạng là một trong những quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới, Hàn Quốc là nơi tốt nhất để biến những ý tưởng này thành hiện thực.

Sung Won Sohn, nhà kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles (Mỹ), cho biết: “Với dân số ngày càng giảm, năng suất tăng là rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để Hàn Quốc bù đắp những tác động tiêu cực của việc dân số giảm”.

Điều đó có thể đến quá muộn đối với nhiều người Hàn Quốc. Khi chuẩn bị nghỉ hưu ở tuổi 59, Kim Jin-hyung cho biết ông sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn nếu có thể tìm được công việc mới khi nghỉ ở ngân hàng địa phương sau hàng thập kỷ.

Hiện tại, Kim gác lại ước mơ đi du lịch vòng quanh thế giới vì cần phải trả thuế bất động sản đang tăng và không muốn bất kỳ khó khăn tài chính nào có thể trì hoãn việc con gái ông kết hôn.

“Tôi luôn nghĩ rằng mình đã chuẩn bị tốt cho việc nghỉ hưu. Bây giờ, trừ khi là công chức nhà nước, cuộc sống quá bất ổn cho cả những người ở độ tuổi tôi và con cái”, Kim nói.

Gen Z Trung Quốc chọn sống cô đơn vì vỡ mộng

Đối diện với sự bất công và cạnh tranh gay gắt trong xã hội, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Z của Trung Quốc (sinh từ năm 1995 đến 2010) lựa chọn cuộc sống thanh đạm và cô đơn.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm