”Ông có thể diễn tả tình yêu của ông với MU và điều đó có ý nghĩa gì với ông với tư cách một HLV?”, phóng viên đặt câu hỏi. Mourinho trả lời: “Tôi là HLV của một trong những CLB lớn nhất thế giới và bản thân tôi cũng là một trong những HLV vĩ đại nhất thế giới”.
Đó là đoạn hội thoại trong buổi họp báo trước trận gặp Burnley trên sân nhà hồi đầu tháng 9 tại Premier League. Khi đó “Quỷ đỏ” vừa thua 2 trận trước Brighton (2-3) và Tottenham (0-3), trước lúc ấy, Mourinho đã nhắc khéo chuyện CĐV của Tottenham còn thể hiện sự tôn trọng dành cho ông sau khi MU hạ Tottenham ở bán kết FA Cup mùa trước.
Jose Mourinho đã bị MU sa thải hôm 18/12. Ảnh: Getty Images. |
“Huấn luyện viên hay nhất thế giới”
Không khí trong phòng họp báo trầm xuống trước khi ai đó hỏi về tình hình của Luke Shaw. Nhưng vài phút sau lại có người quay về chủ đề “HLV hay nhất” với một câu hỏi hơi móc máy. “Mourinho, nếu ông không giành chức vô địch Premier League với MU, ông có còn là một trong những HLV hay nhất thế giới không?”
“Tất nhiên. Anh có đọc triết học không? Hegel chẳng hạn?, Mourinho hỏi ngược. “Không, tôi không học triết” nhà báo trả lời. “Được rồi. Ví dụ thôi, Hegel nói: Chân lý nằm ở tổng thể’. Luôn nhìn vào tổng thể sự vật để tìm ra chân lý”, Mourinho nói tiếp.
Jose Mourinho luôn có những phát ngôn gây chú ý trong cả sự nghiệp. Đồ họa: Minh Phúc. |
Đội nhà báo bắt đầu sử dụng những công cụ tìm kiếm và phát hiện câu nói của Mourinho nằm trong cuốn “Thuyết hiện tượng của tinh thần" (The Phenomenology of Spirit), xuất bản năm 1807. Lấy một câu của Hegel làm tít báo thì thật quá khó hiểu và không câu khách nên ngày hôm sau, buổi họp báo được mô tả trên mặt báo bằng những tính từ như “không bình thường”, “gàn dở”..
Nhưng tờ The Times of London thì muốn đi sâu hơn, họ đã tham khảo giáo sư Stephen Houlgate của Đại Học Warwich và nhận được lời giải thích như sau: “Ý nghĩa sâu xa là câu nói đó là bạn không thể ngay lập tức nhìn thấu bản chất vấn đề. Ví dụ như quan sát hạt giống và cây thông chẳng hạn. Bạn phải đợi hạt giống lớn thành cây thông mới thấy được tổng thể vấn đề”.
“Cái tôi quan tâm là Mourinho học câu đó ở đâu. Thường một người được giáo dục tốt hay đọc Nietzsche nhưng chẳng mấy ai dám đọc đến Kant hoặc Hegel vì rất khó hiểu”, GS Houlgate kết luận.
Một câu giải thích tương đối thỏa đáng là Mourinho đọc Hegel qua việc tìm hiểu về Napoleon. Hegel thần tượng Napoleon, giống như những HLV bóng đá thời nay. Sir Alex Ferguson từng nói “Lãnh đạo là nhà buôn hy vọng”. Tony Pulis (cựu HLV Stoke City - PV) thì đúng là fan cuồng khi thường xuyên đi thăm các chiến trường của Napoleon.
Điểm mà Pulis ngưỡng mộ nhất là Napoleon vốn là một kẻ ngoại đạo, một kẻ quê mùa không được sinh ra trong giới quý tộc. “Tôi thích nghiên cứu về những kẻ tầm thường, những người như Napoleon, được sinh ra ở một hòn đảo nhỏ bé và nỗ lực trở thành một trong những nhà chinh phục vĩ đại của châu Âu”.
Không phải ai cũng nghĩ được như vậy. Trong bộ phim Waterloo của đạo diễn Sergey Bondarchuck, vị công tước xứ Wellington – Arthur Wellesley nói “Cái đầu của Napoleon đáng giá 1 đội quân 50 nghìn người, nhưng điều đó cũng chẳng làm hắn đáng mặt một nhà quý tộc”.
Mourinho luôn là một HLV kiêu ngạo. Ảnh: Getty Images. |
Đoạn hội thoại giả tưởng đó phản ánh đúng cuộc đời của Napoleon, ông là người quyền lực nhất ở châu Âu, được ca tụng bởi những áng thơ. Nhưng bất kể có thành công bao nhiêu, ông vẫn không thể thoát được ánh mắt nghi ngờ, thậm chí coi thường của những người thực sự có vai vế. Nói cách khác, tầng lớp quý tộc của xã hội đương thời coi thường ông.
Bóng đá cũng là một thể chế khép kín. Những người từng chơi bóng chuyên nghiệp là tầng lớp quý tộc, phần còn lại chỉ như khán giả bình thường. Cấu trúc này bảo thủ và khó thâm nhập như bất kỳ hệ thống gia đình quý tộc nào.
Mourinho và hình ảnh phản chiếu của Napoleon
Sự nghiệp của Jose Mourinho trong bóng đá cũng tương tự như cuộc đời Napoleon. Một giáo viên thể dục hoạt ngôn, chưa từng chơi bóng chuyên nghiệp, bất ngờ nổi lên với một loạt chiến thắng vang dội; đồng thời lại là bậc thầy trong việc gây dựng những bí ẩn và đồn đoán về bản thân.
Mourinho và Napoleon có cùng những đặc điểm mà mọi người thường gán cho những thiên tài, rằng có một thiểu số ít trong chúng ta được thành thần ban phước lành, rằng họ được sinh ra để dẫn dắt những kẻ phàm trần. Và Mourinho đã thành công trong việc tuyên truyền lý tưởng đó.
Jose Mourinho ban đầu chỉ là phiên dịch cho HLV Bobby Robson tại Barcelona và chưa từng là một cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: World Soccer. |
Khi đoạn đầu của sự nghiệp đã quá thành công, thật khó để tiếp tục. Bill Shankly từng nói: “Ý tưởng của tôi là xây dựng Liverpool thành một pháo đài bất khả bại. Nếu Napoleon đã từng nghĩ được thế, chắc ông ta đã thống trị cả thế giới rồi”. Shankly luôn tự hỏi tại sao Napoleon ko chịu xuống nước và trở thành một nhà vua cai trị thay vì là một nhà chinh phục, liên tục phát động chiến tranh cho đến ngày tự hủy duyệt bản thân.
Cuốn sách mới đây của Adam Zamovsky về Napoleon cho rằng tâm lý bất an đã thúc đẩy Hoàng Đế nước Pháp: “Ngươi không hiểu là ta không được sinh ra trên ngai vàng sao? Ta phải bảo vệ nó bằng chính cái cách ta đã lên ngôi: vinh quang chiến thắng. Ta phải liên tục tiến hóa. Khi một cá nhân trở thành đấng tối cao như ta, họ không thể dừng lại, vì nếu dừng lại hắn sẽ mất tất cả”.
Là một kể ngoại đạo, khi địa vị không nằm ở vị thế vững chắc của nguồn gốc quý tộc mà phụ thuộc vào thành công liên tục, Napoleon và Mourinho cùng chia sẻ nỗi sợ thua trận và hình ảnh yếu đuối.
Cả hai cùng xem thường những kẻ không phải chịu đựng nỗi sợ hãi đó. Napoleon nói với Metternich (chính trị gia Áo): “Những gia tộc của anh, được sinh ra cùng ngai vàng, có thể bị đánh bại đến 20 lần và vẫn có thể khải hoàn về thủ đô của mình. Ta không thể vì bản thân là một người lính. Quyền lực của ta sẽ không còn khi ta không còn mạnh mẽ và được nể sợ”.
Nỗi đau Real Madrid
Với Mourinho, Arsene Wenger là điển hình của một danh gia vọng tộc. Nhà cầm quân người Bồ năm nào cũng phải dành danh hiệu nhưng Wenger “có thể khóc lóc từ sáng đến chiều. Ông ta không giành được cái gì cả nhưng vẫn giữ được việc. Thực là một đặc quyền hiếm có”.
Với Napoleon và Mourinho, tự thần thoại hóa là một phần công việc hàng ngày. Napoleon thường xuyên phàn nàn “Những chiến thắng quân sự thường sống mãi trong sử sách nhưng lại nhanh chóng bị những kẻ đương thời quên lãng”. Mourinho cũng chung cảm giác khi thường xuyên phải nhắc nhở mọi người về những danh hiệu ông đã dành được và những đội bóng ông đã huấn luyện.
Thời gian dẫn dắt Real Madrid đã thay đổi Mourinho. Ảnh: Getty Images. |
Cứ mỗi lần Mourinho nói “Hãy tôn trọng” trong phòng họp báo là một lần ta hiểu được bản chất nỗi sợ hãi của ông: rằng bất kể bao nhiêu chiến thắng ông giành được, sẽ chẳng bao giờ là đủ.
Chắc rằng Mourinho đã ngộ ra được điều gì đó khi ông đến Real Madrid. Ở những đội bóng trước, các cầu thủ ngước nhìn ông như một con người kỳ tài. Ở Madrid, những vị vua nhìn xuống và coi ông như một thằng nhà quê. Một kẻ như Mourinho thì dạy đươc gì về bóng đá cho Sergio Ramos? Chức danh HLV không thay đổi được điều gì. Ông ta vẫn luôn là gã giáo viên dạy thể dục trong mắt họ.
Madrid đã làm vỡ vụn một cái gì đó trong con người Mourinho, đến mức, ông cũng không còn tin vào chính vầng hào quang của mình nữa.
Ông không còn coi trọng các cầu thủ - tầng lớp không bao giờ thực sự chấp nhận ông là một trong số họ - bằng sự kính trọng chân thành. Ông đã đánh mất khả năng kích thích thứ tinh thần đó của họ. Thậm chí, cuối nhiệm kỳ ở MU, Mourinho còn cảm thấy thích thú khi trừng phạt họ.
Sa thải là tốt cho tất cả. Cũng hiếm khi có người thực sự cần một vài tháng tĩnh tâm ở đảo Elba. Ai biết được, có lẽ trận Waterloo thực sự của Mourinho vẫn chưa đến.