Theo nhóm nghiên cứu ở Bắc Kinh đứng sau dự án, thiết bị được đeo trên đầu và có thể phát hiện sự gia tăng đột biến trong sóng não do nội dung khiêu dâm gây ra. Nó có thể tăng hiệu suất công việc của các nhà kiểm duyệt khi cố gắng phát hiện hình ảnh không đứng đắn trên Internet, theo SCMP.
15 nam sinh viên đại học trong độ tuổi 20-25 tình nguyện đội chiếc mũ này khi ngồi trước màn hình máy tính. Mỗi khi phim ảnh nhạy cảm xuất hiện, một hồi chuông báo động lại vang lên.
Xu Jianjun, Giám đốc trung tâm thí nghiệm kỹ thuật điện tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho biết thiết bị chứng minh rằng sự hợp tác giữa người và máy là khả thi trong việc phát hiện nội dung xấu.
Hình ảnh mẫu được các nhà nghiên cứu Trung Quốc sử dụng để thử nghiệm chiếc mũ có thể đọc suy nghĩ con người nhằm phát hiện nội dung khiêu dâm. Ảnh: Beijing Jiaotong University. |
Tại một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, xem phim khiêu dâm là tội phạm. Các nhà chức trách và công ty ở xứ tỷ dân sử dụng AI để gắn cờ cho nội dung đáng ngờ.
Họ cũng sử dụng số lượng lớn nhà kiểm duyệt chuyên nghiệp, được gọi là “jian huang shi” hay “thẩm định viên khiêu dâm”, để giám sát video và hình ảnh được đăng trên Internet hoặc nền tảng truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, đôi khi AI cũng mắc sai lầm vì giới hạn của các thuật toán nhận dạng hình ảnh. Con người cũng nhanh chóng mệt mỏi.
Theo Xu và các đồng sự, thiết bị mới là nỗ lực sử dụng sức mạnh kết hợp của con người và máy móc để đạt được độ chính xác cũng như hiệu quả cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết bất chấp sự phát triển nhanh chóng của AI trong những năm gần đây, mắt và não bộ con người vẫn vượt trội so với máy móc khi phát hiện nội dung khiêu dâm, đặc biệt với hình ảnh có phông nền không rõ ràng. Họ có thể phát hiện ảnh khỏa thân ẩn trong nội dung trông có vẻ bình thường dù chỉ xuất hiện trên màn hình chưa đầy một giây.
Sử dụng chiếc mũ đặc biệt, “jian huang shi” chỉ cần ngồi trước màn hình và thiết bị sẽ tiếp nhận lượng lớn ảnh chụp không ngừng cho đến khi người chuông kêu.
Các nhà phát triển cho biết thiết bị mới có thể tự động thích ứng với sóng não của người kiểm duyệt và có thể phân biệt tín hiệu do cảm xúc, mệt mỏi hoặc suy nghĩ khác gây ra.
Các “jian huang shi” ở Trung Quốc được thuê để kiểm duyệt nội dung nhạy cảm trên Internet. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, vẫn có khả năng phải cải tiến công nghệ. Mặc dù phát hiện gần như tất cả nội dung khiêu dâm, thiết bị thỉnh thoảng lại báo động giả.
Để đáp ứng các yêu cầu pháp lý ở Trung Quốc, nhóm của Xu phải che khu vực nhạy cảm của ảnh minh họa. Điều này có thể làm giảm tác động trực quan. Họ cũng phải vật lộn để tìm đủ tài liệu đào tạo.
Nhiều “jian huang shi” là phụ nữ nhưng không có nữ tình nguyện viên nào tham gia chương trình này. Câu hỏi chưa được giải đáp là liệu giới tính có ảnh hưởng đến hiệu suất của thiết bị hay không.
Các nhà nghiên cứu cho biết cần phải đào tạo thêm để cải thiện hiệu suất của thiết bị với độ chính xác tổng thể trên 80%.
Một nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở An Huy cho biết công nghệ này có thể gây ra các vấn đề đạo đức, chẳng hạn như vi phạm quyền riêng tư.
“Không có luật nào quy định việc sử dụng các thiết bị như vậy hoặc bảo vệ dữ liệu họ thu thập được”, ông nói.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tài trợ cho việc phát triển chiếc mũ có khả năng đọc suy nghĩ để binh lính giao tiếp với vũ khí thông minh, theo thông tin được công bố rộng rãi.
Một số nhà máy ở Trung Quốc sử dụng thiết bị giám sát não để ngăn ngừa tai nạn lao động bằng cách theo dõi độ tập trung và cảm xúc của công nhân.
Một nghiên cứu khác gần đây phát hiện robot đọc được suy nghĩ có thể sát cánh cùng con người để tăng năng suất của dây chuyền lắp ráp.