20 năm sau ngày Ole Solskjaer tạo nên điều kỳ diệu giúp MU vô địch Champions League 1999 bằng bàn thắng phút bù giờ trước Bayern Munich trong trận chung kết, “Sát thủ với gương mặt trẻ thơ” một lần nữa đi vào lịch sử với cú lội ngược dòng trên sân Parc des Princes.
Không tưởng MU
Thua 0-2 trên sân nhà ở lượt đi, mất 10 người vì chấn thương và thẻ phạt, tất cả đều chống lại MU trước khi bóng lăn trên Parc des Princes. Nhưng 90 phút trên đất Pháp kết thúc với điều kỳ diệu thuộc về “Quỷ đỏ” cùng chiến thắng 3-1.
“Lội ngược dòng” và “không gì là không thể” thực tế là điều mà Ole Solskjaer nói nhiều tới nhất trước chuyến hành quân của MU tới sân Parc des Princes. Ông nói rằng bóng đá “không chỉ là trò chơi của kỹ thuật”. “Tinh thần” đóng vai trò rất quan trọng và nếu MU có bàn thắng sớm, mọi thứ sẽ thay đổi.
MU đã lội ngược dòng thành công trước PSG đúng như lời Solskjaer nói. Ảnh: Getty Images. |
Và kịch bản hoang đường nhất tại Parc des Princes đã diễn ra đúng như lời Ole. Vì sao Romelu Lukaku lại “mắn” bàn thắng đến vậy? Vì sao PSG cứ tiếp tục mắc sai lầm, từ Thilo Kehrer, Presnel Kimpembe, Gianluigi Buffon và cả Kylian Mbappe? Vì sao PSG càng đá càng cuống để rồi sau cùng tự bắn vào chân mình bằng sai lầm không qua được VAR?
Những câu hỏi ấy không thể giải thích được bằng tư duy thống kê logic thông thường, khi MU đã chơi một trận hỗn loạn về mặt thế trận do quá thiếu người. Họ chỉ cầm bóng có vỏn vẹn 32%, tung ra đúng 4 cú sút (so với 10 của PSG) và thậm chí không có lấy nổi 1 pha đá phạt góc.
Không có Paul Pogba, MU bị lép vế hoàn toàn trước PSG ở tuyến giữa. Những Solskjaer và các học trò rất biết cách chắt chiu những cơ hội mà mình có.
Họ tận dụng thành công 75% cơ hội (thay vì 10% của PSG), chủ động phòng ngự số đông rất rát trong khu vực cấm địa, và quán triệt tư tưởng dùng bóng dài để phản công.
Sự kiên trì đó của MU khiến PSG càng đá càng cuống, càng đá càng mắc sai lầm mà đỉnh điểm chính là pha để bóng chạm tay vô duyên của Kimpembe trong những phút bù giờ. Trước pha bóng ấy, MU có những cơ hội nào về PSG?
Câu trả lời là không. Trong 10 phút cuối trận, bóng đã một lần đi dội khung gỗ David De Gea từ cú sút của Angel Di Maria, còn Kylian Mbappe đã một lần đối mặt với người gác đền của MU.
Sức ép mà PSG tạo ra là kinh hoàng, nhưng MU đã đứng vững để rồi trong cơ hội duy nhất, ở pha lên bóng gần như duy nhất trong thời gian ít ỏi còn lại, "Quỷ đỏ" đã tạo ra điều kỳ diệu.
Thống kê cho thấy PSG áp đảo nhưng MU mới là đội tận dụng cơ hội tốt hơn. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tuyệt vời Ole Solskjaer
Giới mộ điệu sau chiến thắng không tưởng này có thể sẽ nói rằng MU “ăn may”. May mắn dĩ nhiên là một phần của bóng đá, nhưng vì sao điều ấy luôn tới với MU lại là câu chuyện dài cần sự giải thích.
Trong cuốn tự truyện của mình, Sir Alex Ferguson từng dành hẳn một chương chỉ để nói về những “bài” tâm lý mà bản thân sử dụng với cả những đối thủ lẫn các cầu thủ. Ví dụ như ông từng liên tục nói với báo giới rằng “MU sẽ mạnh hơn trong nửa sau mùa giải” mà chẳng cần một bằng chứng gì.
Solskjaer đã chuẩn bị quá tốt cho trận đấu với PSG. Ảnh: Getty Images. |
“Đầu tiên, tôi luôn luôn nói rằng M.U sẽ đạt phong độ đỉnh cao vào nửa sau của mùa giải, và dần dần thì thông điệp ấy cũng ăn sâu vào đầu óc các đối thủ. Như vậy, cứ đến nửa cuối mùa bóng thì M.U sẽ trở nên rất đáng sợ, một dạng “quái vật” trong mắt các cầu thủ đối phương. Khi họ e sợ chúng tôi, họ sẽ không thể hiện được hết phong độ, thế là họ thua, và họ lại càng sợ.... cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại như thế”, Sir Alex viết.
Solskjaer cũng đã liên tục nói về “một cuộc lội ngược dòng phi thường” trong phòng họp báo, từ Anh đến Pháp để gây sức ép trực tiếp tới PSG. Ông nhấn mạnh rằng MU có niềm tin “giành chiến thắng trong mọi trận đấu”. Không cần phải lươn lẹo để tấn công đối thủ từ đằng sau, Ole Solskjaer “đánh” trực tiếp đối thủ khi nói về chiến thắng ngay cả khi không một ai nghĩ ông và MU có thể làm điều đó.
Với nhiều người, những tuyên bố thẳng thắn đó của Ole sẽ bị dán nhãn là ngây thơ và hoang tưởng, nhưng ẩn đằng sau là trò chơi tâm lý bậc thầy mà Sir Alex từng sử dụng để đưa MU trở thành quyền lực số một nước Anh trong kỷ nguyên Premier League và con ngáo ộp tại sân chơi Champions League.
Lịch sử của MU đã thay đổi sau chiếc cúp Champions League 1999. Từ vị thế đội bóng số một nước Anh, “Quỷ đỏ” trở thành CLB được yêu mến nhất thế giới vì những cảm xúc độc nhất vô nhị cùng bộ nhận diện hoàn hảo mang tên David Beckham hay Sir Alex Ferguson.
Theo thống kê của Statista vào cuối 2018, MU vẫn là CLB có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới (1,895 tỷ USD) vượt xa Real Madrid (1,573 tỷ), bất chấp việc “Quỷ đỏ” không giành một chức vô địch Premier League nào trong 6 năm qua và lần cuối cùng lên đỉnh châu Âu đã là câu chuyện của 11 năm trước.
Sir Alex Ferguson đã có mặt trên khán đài Parc des Princes để chứng kiến cuộc lội ngược dòng lịch sử của MU. Ảnh: AP. |
Giờ thì lịch sử của MU có thể sẽ có thêm một khúc cua nữa, khi Ole Solskjaer, người hùng ngày nào của mùa 1998/99 nay trở thành HLV, và mang trọn vẹn khí chất điên rồ quá khứ trở lại “Quỷ đỏ” với cuộc lội ngược dòng trước PSG.
Những CĐV MU đang tếu táo nói về “cú đúp” danh hiệu (cúp FA, Champions League) vào cuối mùa này. Họ có quyền tự tin như thế. Sau khi vượt qua tử thần, con người lạc quan hơn và cũng mạnh mẽ hơn. Họ biết MU có thể làm được gì khi nhìn lại mọi thứ, rằng chiến thắng sẽ tới với những người can đảm, không bỏ cuộc và luôn tin tưởng vào chính mình.
Ole Solskjaer là kiến trúc sư cho tất cả những thay đổi đó. Cả thế giới bóng đá có lẽ nên ngả mũ kính phục ông.