Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mua bán tải Nhật, chọn Mazda BT-50 hay Toyota Hilux?

Mazda BT-50 chiếm ưu thế về giá bán và tiện nghi. Trong khi đó, Toyota Hilux có nhiều trang bị an toàn và khả năng vận hành tốt hơn đối thủ.

So sánh

So sanh Mazda BT-50 2021 va Toyota Hilux anh 1

Sau khi Mazda BT-50 2021 được ra mắt cuối tháng 8, tất cả mẫu xe trong nhóm bán tải tại Việt Nam đều đã bước sang đời hoặc thế hệ mới.

Dù Ford Ranger vẫn là cái tên thống trị phân khúc, sự thay đổi về kiểu dáng và cấu hình sản phẩm đã giúp Toyota Hilux hay Mitsubishi Triton thu về kết quả kinh doanh tích cực hơn thời gian vừa qua.

Với Mazda BT-50, thế hệ thứ 3 của mẫu bán tải Nhật Bản chứng kiến sự thay đổi lớn khi chuyển sang sử dụng chung nền tảng với Isuzu D-Max 2021, cùng với đó là thiết kế hoàn toàn mới và trang bị tiện nghi, an toàn được cải thiện.

Lật đổ vị trí dẫn đầu của Ford Ranger không hề dễ dàng. Thay vào đó, cạnh tranh thị phần cùng những mẫu xe "đồng hương" là mục tiêu phù hợp hơn với BT-50.

So với Toyota Hilux - dòng bán tải bán chạy thứ 2 phân khúc - Mazda BT-50 có lợi thế lớn về giá bán. Phiên bản BT-50 Premium 4x4 cao nhất có giá 849 triệu đồng, thấp hơn đáng kể mức giá 913 triệu đồng của Hilux Adventure 4x4. Trong khi đó, tiện nghi trên BT-50 không thua kém đối thủ.

Vậy phiên bản Mazda BT-50 Premium 4x4 và Hilux Adventure 4x4 có gì hơn kém nhau?

Mazda BT-50 mềm mại, Toyota Hilux cứng cáp

Mẫu Toyota Hilux hiện hành tại Việt Nam là bản nâng cấp giữa vòng đời của thế hệ Hilux thứ 8, ra mắt toàn cầu năm 2015. Về cơ bản, thiết kế tổng thể của Hilux 2020 không khác biệt quá nhiều đời trước.

Song, những thay đổi về tạo hình mặt ca-lăng và cản trước giúp Hilux trở nên cứng cáp, hiện đại hơn, thay vì kiểu dáng có phần đơn giản và "lành" của đời trước. Với riêng phiên bản Adventure 4x4 cao nhất, bộ phụ kiện đi kèm cũng giúp mẫu xe này hấp dẫn hơn về mặt thị giác.

Ở thế hệ trước, thiết kế Mazda BT-50 mang kiểu dáng có phần mềm mại, nữ tính, BT-50 cũ không phù hợp thị hiếu chọn bán tải của người Việt - vốn thường ưu ái những mẫu xe hầm hố, mang phong cách thành thị.

Bước sang thế hệ mới, Mazda BT-50 đã có thiết kế hiện đại, bắt mắt hơn khi được áp dụng ngôn ngữ Kodo từng làm nên thành công cho nhiều dòng sản phẩm Mazda tại Việt Nam.

Góp phần chính trong tạo hình ngoại thất của Mazda BT-50 đời 2021 vẫn là những đường cong xuất hiện trên cụm đèn pha, nắp ca-pô, cản trước hay vòm bánh. Xét tổng thể, BT-50 mới mang hơi hướm bán tải chạy phố, tương tự Hyundai Santa Cruz mới ra mắt.

Trong khi đó, đặt cạnh Toyota Hilux Adventure 4x4, ngoại thất Mazda BT-50 Premium 4x4 có phần kém hầm hố và "hiền" hơn.

Danh sách trang bị ngoại thất trên 2 phiên bản cao nhất của Hilux và BT-50 gần như tương đồng. Hai xe đều có đèn pha LED tự động, đèn sương mù LED, đèn hậu LED đi kèm bóng halogen và la-zăng 18 inch.

So sanh Mazda BT-50 2021 va Toyota Hilux anh 8

Nội thất Mazda BT-50 bắt mắt hơn Toyota Hilux

Tổng thể thiết kế nội thất và bố cục táp-lô của Mazda BT-50 mới mang nhiều điểm tương đồng với Isuzu D-Max 2021.

Tuy nhiên, BT-50 có nhiều chi tiết với tạo hình vuông vắn như cửa gió điều hòa, cụm nút chỉnh điều hòa hay hộc đựng găng, trong khi D-Max chủ yếu sử dụng các đường nét sắc nhọn.

Điều này giúp cabin Mazda BT-50 tạo cảm giác cao cấp, lịch sự hơn. Có thể thấy thế mạnh về nội thất hoàn thiện chỉn chu đã được Mazda áp dụng trên BT-50 mới.

Trong khi đó, nội thất Toyota Hilux 2020 gần như không thay đổi so với đời trước. Trên thực tế, thiết kế cabin này đã được áp dụng từ đời xe đầu tiên của thế hệ Hilux hiện tại.

Đặt cạnh Mazda BT-50, táp-lô của Toyota Hilux có bố cục thiếu cân đối hơn. Cách phối màu nội thất, kết hợp các loại vật liệu trang trí và tạo hình các nút bấm chỉnh chức năng của BT-50 cũng đa dạng hơn mẫu bán tải đồng hương.

Danh sách tiện nghi của Mazda BT-50 Premium 4x4 và Toyota Hilux Adventure 4x4 không chênh lệch nhiều. Hai xe đều có ghế da, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, cửa gió hàng ghế sau, màn hình giải trí 8 inch (Hilux) hoặc 9 inch (BT-50) hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto và điều khiển hành trình (Cruise control).

Mazda BT-50 được trang bị điều hòa tự động 2 vùng, tính năng khởi động xe từ xa, kết nối Apple CarPlay không dây và 8 loa âm thanh vòm. Trong khi đó, Toyota Hilux có điều hòa tự động một vùng, kiểm soát hành trình thích ứng và 9 loa JBL.

Động cơ Toyota Hilux mạnh hơn

Bước sang thế hệ mới, Mazda BT-50 sử dụng chung động cơ diesel 1.9L với Isuzu D-Max, đi kèm hộp số tự động 6 cấp trên phiên bản Premium 4x4. Với công suất 148 mã lực, mô-men xoắn 350 Nm, đây là mức hiệu năng thấp nhất phân khúc.

So với BT-50, động cơ diesel 2.8L (201 mã lực, 500 Nm) đi kèm hộp số 6 AT trang bị trên Hilux Adventure 4x4 cho sức mạnh lớn hơn đáng kể. Bên cạnh đó, khoảng sáng gầm 286 mm của Hilux cũng tốt hơn mức 229 mm trên BT-50.

So sanh Mazda BT-50 2021 va Toyota Hilux anh 15

Mặt khác, xét về khả năng vận hành, chở đồ bền bỉ, ổn định và giá trị thanh khoản cũng như yếu tố thương hiệu tại Việt Nam, Toyota Hilux đều có lợi thế trước Mazda BT-50.

Các tính năng an toàn chung trên 2 xe gồm hỗ trợ đổ đèo/khởi hành ngang dốc, cảnh báo điểm mù, cảm biến trước/sau, camera lùi và 7 túi khí. Mazda BT-50 có thêm cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, còn Hilux được trang bị cảnh báo chệnh làn/va chạm trước.

So với mặt bằng chung phân khúc, trang bị an toàn của BT-50 Premium 4x4 và Hilux Adventure 4x4 thuộc dạng đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn thua kém Ford Ranger một số tính năng trợ lái.

Kết luận

Với thiết kế trẻ trung, nội thất lịch sự, động cơ có hiệu năng vừa phải và giá thấp nhất phân khúc, Mazda BT-50 là lựa chọn phù hợp người dùng tìm kiếm một mẫu bán tải chạy phố nhiều tiện nghi, tiết kiệm chi phí ban đầu.

Trong khi đó, với người dùng cần mẫu xe đáp ứng tốt các giá trị cốt lõi của dòng bán tải như vận hành bền bỉ, tiết kiệm và ưa thích kiểu dáng cứng cáp, khỏe khoắn, Toyota Hilux là phương án đáng cân nhắc.

Chí Vũ

Ảnh: Thaco, Vĩnh Phúc

Bạn có thể quan tâm