Trong hai phóng sự "Cò buôn thận tung hoành ở bệnh viện Sài Gòn", "Đối mặt ông trùm buôn tạng phía bắc", phóng viên Zing.vn đã sắm vai người bán thận, đăng lời rao trên nhóm “Hội Hiến - Ghép thận” với lý do khó khăn về kinh tế nên cần bán thận. Sau khi được các cò mồi vào dụ dỗ để bán với giá cao là hành trình đi khắp các bệnh viện, làm đủ các xét nghiệm để phục vụ cho việc bán thận dưới hình thức hiến tạng nhân đạo.
Vấn đề đặt ra trong trường hợp này, pháp luật quy định thế nào về việc mua bán nội tạng người? Hành vi bán và dụ dỗ người khác bán thận có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Cấm mua bán
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện nay, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đang được điểm chỉnh bởi “luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” năm 2006.
Nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo quy định tại Điều 4 của luật này là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác và đặc biệt là không nhằm mục đích thương mại.
Vết rạch lấy thận trên cơ thể Chhay, một trong những nạn nhân buôn bán nội tạng bất hợp pháp đầu tiên được phát hiện ở Campuchia. Ảnh: AFP |
Điều 11 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác (khoản 3); Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại (khoản 4); Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại (khoản 8).
Có thể thấy, hành vi rao bán, mua bán, quảng cáo, môi giới mua bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là tạng người (tim, gan, thận…) bị pháp luật nghiêm cấm. Bởi lẽ việc hiến tặng nội tạng là hành động mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả giữa người với người. Khi vấn đề này được thương mại hóa, biến bộ phận cơ thể người thành món hàng để mua bán, trao đổi thì đã mất đi ý nghĩa căn bản của việc hiến tặng, hoàn toàn trái với đạo đức xã hội.
Đối mặt 20 năm tù
Về chế tài xử lý, thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có hiệu lực thì không hề có chế tài, không có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào về việc xử lý những hành vi mua bán, môi giới mua bán hay môi giới hiến tặng vì mục đích thương mại.
Do vậy, dù có phát hiện hành vi nhưng cơ quan chức năng cũng khó có thể xử lý triệt để, phần lớn đều quy về Tội mua bán người theo Điều 119 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 do hành vi khách quan và khách thể đều phù hợp với cấu thành tội này.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định riêng một tội danh mới “Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” tại Điều 154. Cụ thể điều này quy định: Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tù. Trường hợp phạm tội thuộc khung tăng nặng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm hoặc từ 12 đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Việc mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể vì mục đích thương mại đã được BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể. Ảnh: AFP/FILE . |
Theo thạc sĩ Trần Thanh Thảo (Giảng viên khoa Luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM), để truy cứu trách nhiệm xử lý thì cần phải chứng minh được những người này có hành vi "mua bán". Tức là việc mua bán, môi giới mua bán, môi giới hiến tạng nhằm mục đích thương mại.
"Hiến tạng thì không vì lợi nhuận, bán thì vì lợi nhuận. Nếu hành vi bán dưới hình thức hiến có nghĩa là hiến giả, bán thật. Pháp luật Việt Nam quy định cấm bán. Nếu có chứng cứ bán thật, hiến giả thì bản chất của nó là vi phạm pháp luật", luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích.
Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng người mua, bán, môi giới tùy hành vi và quá trình thực hiện có thể bị xử lý với các vai trò khác nhau như chủ mưu, người thực hiện, đồng phạm…
"Riêng đối với y bác sĩ thực hiện việc lấy và cấy ghép tạng. Nếu y bác sĩ đó biết được việc mua bán, môi giới mà vẫn thực hiện việc phẫu thuật để nhận hoa hồng, thù lao sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm. Trường hợp y bác sĩ không biết được việc mua bán, môi giới thì sẽ không bị xử lý do không tham gia việc phạm tội", luật sư Công chia sẻ.