Công việc chính của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn và chị Trần Thị Hiền (Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội) là bán bún ngan buổi sáng, bỏ túi nilon ở chợ Đồng Xuân buổi chiều.
Con trai lớn của anh chị là Nguyễn Minh Tú, sinh năm 1998. Năm nay, Tú thi tại trường cấp 3 Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cách nhà gần 17 km. Từ tối 30/6, hai cha con đã xếp đồ đạc, đến gần địa điểm thi, thuê khách sạn ở trong 4 ngày.
Anh Tuấn bảo, muốn con trai thoải mái tinh thần và được nghỉ ngơi nên hai vợ chồng quyết định nghỉ hàng, đưa con đi ở trọ.
"Hàng ngày vợ bán bún ngan, tôi phụ bưng bê và rửa bát. Chiều, cô ấy lại đóng gói túi nilong cho tôi đi bỏ mối ở chợ Đồng Xuân. Mất mấy buổi hàng, nhưng chuyện thi cử của con vẫn là quan trọng nhất. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết cái khách sạn trông thế nào", anh Tuấn tâm sự.
Chị Hương, mẹ thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung lo lắng chờ con ăn xong chiếc bánh mì trước giờ thi. Ảnh: Việt Hùng. |
Vất vả cha mẹ đưa con đi thi
Nếu từng gặp, ít ai quên được ánh mắt lo lắng của chị Hương, mẹ em Nguyễn Thị Hồng Nhung, một trong 24 thí sinh được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ trong chương trình "Cùng bạn đi thi". Gia đình chị sống ở Đại Tảo, Sóc Sơn, cách điểm thi hơn 30 km.
Người mẹ kể, 7 tháng tuổi, Nhung bị sốt cao dẫn đến bại liệt hai chân, đi lại khó khăn lắm. Vợ chồng chị Hương làm ruộng, ít tiếp xúc với bên ngoài nên không lo được nhiều cho con gái.
Khi Nhung được đội tình nguyện viên đưa về nơi ở, người mẹ chỉ biết im lặng đi theo. Trong những buổi thi, người phụ nữ hồi hộp đứng chờ con ở cổng trường, lo lắng đến mức không ăn uống được gì.
Nhìn cái nhíu mày đăm chiêu của người mẹ nghèo nơi thôn xóm, nghe những lời kể tự hào về con gái, cả những lo lắng cho công việc ở nhà, những ai biết chị Hương không khỏi xúc động.
Cũng trong cảnh vất vả đưa con đi thi, ông Lê Văn Tú ở Quảng Nam tranh thủ bán cau trước cổng trường.
Trên chiếc xe chở con đi thi, ngoài đồ đạc, áo quần, có một chiếc bao đựng đầy những quả cau. Ông Tú bảo, vừa chở con đi thi, vừa tranh thủ mang cau đi bán, kiếm tiền trang trải qua ngày. Quan trọng hơn là có thêm chút tiền bồi bổ sức khỏe cho con gái trong những ngày thi vất vả.
Người cha da cháy đen vì nắng nhưng trên môi luôn nở nụ cười tươi, bàn tay thô ráp nắm chặt đôi tay bé nhỏ của con, nói những lời ân cần, dặn dò trước giờ thi. Chỉ khi con gái bước qua cổng trường, rồi khuất dần sau hàng cây xanh, ông mới yên tâm trở lại chiếc xe máy cũ.
Người cha này mắc cả võng nằm ngủ vì quá mệt mỏi khi chờ con. Ảnh: Ngân Giang. |
Tranh thủ kiếm thêm cuốc xe ôm trong lúc chờ con thi là cách ông Trần Quang Bình (Hóc Môn, TP HCM) tận dụng thời gian rỗi. Người đàn ông làm nghề xe ôm này dành cả tối trước hôm con thi để nắm cơm và giã ruốc mang theo. Ông xác định, trong những ngày thi, hai cha con sẽ dậy từ 4h sáng, đi hết 1 tiếng rưỡi đến điểm thi, trưa tìm ghế đá nghỉ ngơi, chiều thi xong lại về nhà.
Trong 2 tiếng con trai làm bài, người cha tranh thủ chạy vài cuốc xe ôm kiếm thêm thu nhập. "Tôi chỉ dám chở mấy người đi gần thôi, đi xa quá không về kịp, con ra không thấy bố lại lo", ông nói với một người khách đi xe.
Suốt cả chuyến đi, người đàn ông luôn miệng kể chuyện con cái: "Con tôi học giỏi nhất huyện đó, kỳ này thi vô Đại học Công nghệ luôn. Cả làng tôi làm gì có ai học tới đại học, chỉ cố hết cấp 3 là đi phụ thợ nề hoặc làm giúp việc hết. Nhưng tôi động viên cu Hưng (tên con trai ông Bình) học càng cao càng tốt".
Ông nói thêm, chỉ mong con cái đỗ đạt, tự chăm lo được bản thân, chứ không mong con báo đáp, nuôi cha mẹ vì "vợ chồng tui vẫn tự lo được mà". Chở xong một lượt khách, ông vội vàng quay đầu xe, nhanh chóng về điểm thi ngóng con.
Bao nhiêu người cha như ông Bình, nhận phần vất vả về mình, tặng hết ước mơ cho con, chỉ mong con đi theo con đường học tập, để "có bằng cấp kiếm cái nghề nhàn hạ ngồi bàn giấy máy lạnh, chứ chạy hoài ngoài đường như ba vừa khổ".
Tại điểm thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 1/7, một ông bố được bình chọn là "ông bố đáng yêu" nhất của năm. Không hề biết môn thi chiều nay là Ngoại ngữ, ông hớt hải chạy theo, xin bằng được vào sân trường để đưa cho con chiếc... máy tính.
Ông bố tên Phương, ở Nội Đan (Đan Phượng, Hà Nội) đâu có biết, thi tiếng Anh không cần tính toán. Nhưng ông cũng chẳng quan tâm những ánh mắt đang nhìn mình, hốt hoảng gọi to tên con giữa đám đông.
Cũng trong ngày thi đại học, anh Nguyễn Đình Thành (Nhổn, Từ Liêm, Hà Nội) khiến tất cả những người đi qua điểm thi THPT Phan Đình Phùng phải ngoái lại nhìn. Giữa phố phường đông đúc, anh mắc võng, buộc vào hàng rào của trường và... bến xe buýt.
Anh kể buổi đầu hai bố con đi từ 4h30, nhưng 6h mới tới nơi vì đi lạc, không biết đường. "Mình mang sẵn cái võng nằm cho đỡ mệt. Chẳng biết con bên trong thi cử thế nào nhưng bố ngoài này oải quá", người cha nói khi từng giọt mồ hôi vẫn rơi trên gương mặt mệt mỏi.
"Hy sinh đời bố, củng cố đời con"
Anh Thành khoe thêm, con gái học chuyên toán, 12 năm liền là học sinh giỏi: "Con tôi chỉ có cuộc thi này là vất vả nhất. Cố gắng một chút cho con đi theo con đường học vấn, chứ làm việc chân tay như bố mẹ biết bao giờ mới hết khổ".
Những người như anh Thành, ông Tú, chị Hương chắc chắn có cùng suy nghĩ với tất cả các ông bố bà mẹ có con đi thi năm nay: Tìm mọi cách để cho con cuộc sống và nền giáo dục tốt nhất. Dù vất vả, thiếu thốn, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên với một khát vọng cháy bỏng, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng từ con đường học vấn.
Hình ảnh những bậc cha mẹ lâu nay chỉ quanh quẩn ở xã, huyện nay ra thành phố thấy cái gì cũng lạ, người cha ở ngoại thành lần đầu đưa con vào trung tâm dự thi, người mẹ lạc đường khi tìm địa điểm thi cho con, hai mẹ con nhường nhau một bịch nước mía giữa trưa hè oi bức, hai cha con ăn cùng một đĩa cơm nơi phố thị đắt đỏ..., làm bao người xúc động.
Trải chiếc áo mưa làm chỗ ngồi ở vỉa hè phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), chị Trần Minh Hương (huyện Phúc Thọ, Sơn Tây) khẳng định, không bao giờ để con đi thi một mình.
"Việc ở nhà bận lắm, ruộng vườn có ai làm đâu, nhưng sao để con đi một mình được. Biết ăn uống thế nào, nghỉ ngơi ra sao, đường xá không thông thuộc, chẳng may đi lạc thì khổ. Cả đời con chỉ có mỗi một cuộc thi quan trọng thôi, phải lo đến nơi đến chốn", người mẹ chia sẻ.
Năm nay, theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi ở tất cả tỉnh, thành, tránh tình trạng thí sinh phải di chuyển sang tỉnh khác.
Các bậc phụ huynh đứng chờ trước cổng trường thi THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) khi con thi môn Tiếng Anh. Ảnh: Ngân Giang. |
Vậy là cảnh những gia đình từ các vùng miền khác phải lên thành phố lớn đã không còn. Thế nhưng, vẫn có bao nhiêu người cha đã thức dậy lúc 4h sáng để con đến kịp trường thi. Bao nhiêu phụ huynh đầu trần ngồi lấp ló ở gần khu vực thi, nhìn đăm chiêu, vừa mong con làm bài tốt, vừa lo lắng cho đám ruộng, mảnh vườn, ao cá, con heo, con gà ở nhà trong những ngày mình đi vắng.
Trống hết giờ thi vang lên, vừa thấy bóng con bước ra cổng, chị Hương chạy vội đến, gọi to tên con, rồi hỏi liên tục: Thi được không, làm bài thế nào, phần nào bỏ qua, liệu được mấy điểm.
Phải đến khi con gật đầu "Tạm được mẹ ạ", chị mới thở phào, rồi nói tiếp, "Không sao, giữ tinh thần chiều lại thi". Nói xong, hai mẹ con đi vội ra chỗ để xe tìm nơi ăn trưa.
Mỗi mùa thi tới, vui sao khi thấy lại thêm một lứa học trò chuẩn bị lớn lên, trải qua một cuộc thử thách cam go, bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Nhưng day dứt và xót xa sao khi nghĩ tới những gánh nặng đè lên vai các bậc cha mẹ trên đường tìm chữ cho con.