Zing.vn trích dịch bài đăng trên CNN, đề cập đến thực trạng bạo lực gia đình với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gia tăng trong lúc dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu. Lệnh cách ly xã hội, hạn chế tụ tập khiến những đối tượng này mất đi các nguồn giúp đỡ cần thiết.
Ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Không ra ngoài khi không cần thiết.
Đa số người dân đều đã nằm lòng lời khuyên được rất nhiều chuyên gia y tế đưa ra trong mùa dịch Covid-19 hoành hành toàn thế giới.
Nhưng đối với nạn nhân của bạo lực gia đình, chôn chân trong nhà đồng nghĩa với việc những trận đòn roi, đánh đập càng xuất hiện nhiều hơn.
Yêu cầu tự cách ly tại nhà vô tình đẩy những người vợ, đứa trẻ vào hoàn cảnh éo le hơn: Không còn đường trốn chạy khỏi kẻ vũ phu, cũng như khó khăn trong việc xin giúp đỡ từ bạn bè, nhân viên xã hội.
Lệnh phong tỏa tại nhiều nơi khiến những người vợ, người mẹ khó tìm được sự giúp đỡ cần thiết. Ảnh: Reuters. |
Nỗi lo dịch bệnh, kinh tế xuống dốc, số người thất nghiệp tăng lên chóng mặt. Sự căng thẳng của tình hình hiện tại vô hình trung làm đối tượng này trở thành mục tiêu để trút giận thường xuyên hơn.
Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ cũng đang vật lộn để giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình từ xa.
“Những ông chồng ưa bạo lực sẽ thấy đây là cơ hội thuận lợi để đánh đập người bạn đời của mình mà không phải sợ điều gì”, Val Kalei Kanuha, Giáo sư ngành Công tác Xã hội của Đại học Washington (Mỹ), nói.
Căng thẳng từ bệnh dịch làm gia tăng bạo lực
“Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ lạm dụng trong nước sẽ tăng lên”, Katie Ray-Jones, Giám đốc điều hành Đường dây nóng bạo lực gia đình quốc gia, cho hay.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 làm nước Mỹ chao đảo, số lượng các vụ bạo lực gia đình chứng kiến mức tăng đáng kể.
Dịch bệnh phủ một màu u ám lên tất cả, khiến các vụ bạo lực gia đình nảy sinh nhiều hơn do căng thẳng. Ảnh: Newshub. |
Một phụ nữ chuẩn bị đi làm thì bị chồng dí súng vào đầu và yêu cầu cô ở nhà. Một trường hợp khác báo cáo việc bị bạn trai đe dọa sẽ tìm cách khiến cô nhiễm virus và sẽ không trả tiền chữa trị nếu cô bị bệnh.
Tại hạt Nassau, phía đông thành phố New York, các vụ bạo lực gia đình đã tăng 10% so với cùng thời điểm năm ngoái, Patrick Ryder, đại diện cảnh sát khu vực nói với CNN. Tổ chức Women Helping Women có trụ sở tại bang Ohio báo cáo số cuộc gọi xin giúp đỡ từ các nạn nhân đã tăng thêm 30% kể từ khi người dân thực hiện cách ly xã hội.
Căng thẳng làm gia tăng số vụ bạo lực gia đình. Nhưng người Mỹ chưa trải qua điều gì như đại dịch Covid-19.
Chính sự căng thẳng ấy đã thúc đẩy nhiều người tìm đến các đại lý súng và cửa hàng rượu.
Doanh số bán súng trong thời gian qua ghi nhận sự tăng mạnh trên toàn nước Mỹ, giống như sau khi vụ khủng bố ngày 11/9 xảy ra.
“Khi mọi người sợ hãi trước những điều họ chưa biết, họ sẽ đi mua một khẩu súng, ngay cả khi kẻ thù của họ là virus”, nhà phân tích Rob Southwick đánh giá.
“Những kẻ lạm dụng thường đem súng ra đe dọa nạn nhân, cho dù có sử dụng hay không”, ông nói thêm.
Các trung tâm hỗ trợ, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn khi giúp đỡ nhóm đối tượng này trong thời gian dịch bệnh. Ảnh: SCMP. |
Tuần trước, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng kỷ lục tại Mỹ: 3,28 triệu người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ thuận với xu hướng tìm đến rượu. Còn tiêu thụ rượu quá mức ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng và tần suất của các vụ bạo lực gia đình.
Những ông chồng vũ phu thường cố tìm mọi cách để cô lập nạn nhân. Nhưng khi chưa có lệnh ở yên trong nhà, phụ nữ vẫn có khả năng tìm đến sự trợ giúp của các cảnh sát, tổ chức xã hội.
“Hiện giờ, điều đó không đơn giản khi việc tiếp cận bệnh viện và nhà tạm trú bị hạn chế do dịch bệnh. Nạn nhân không thể rời đi và cũng chẳng có nơi nào để đi”, Kanuha cho hay.
Nhiều trung tâm hỗ trợ nạn nhân cũng bất lực trước tình hình hiện tại. Nhiều tòa án đóng cửa, các khiếu nại yêu cầu cấm những người đàn ông bạo lực không được phép đến gần vợ con cũng bị trì hoãn vô thời hạn.
“Một số nạn nhân đã lên kế hoạch tẩu thoát trong nhiều tháng. Họ bí mật tiết kiệm tiền và sắp xếp để di chuyển với sự giúp đỡ của nhân viên tư vấn cho họ. Nhưng đại dịch gần như chắc chắn sẽ làm các kế hoạch đó đổ bể”, Ray-Jones cho biết.
Số vụ bạo hành, lạm dụng trẻ em cũng tăng cao trong giai đoạn này. Ảnh: Sixth Tone. |
Trẻ em bị bạo hành nhiều hơn
Không chỉ phụ nữ, trẻ em bị lạm dụng, ngược đãi cũng chịu ảnh hưởng. Những đứa trẻ hiểu rõ nhà là nơi không an toàn nhất và chúng chỉ có thể đến trường học, nhà của một người bạn để trốn khỏi những màn đánh đập.
“Còn giờ, trường học đóng cửa, những đứa trẻ bắt buộc ở trong nhà, nguy cơ lạm dụng vì thế mà cao thêm”, Jeffrey Edleson, giáo sư tại Đại học California-Berkeley (Mỹ) cho biết.
Các mối quan hệ xã hội mà nạn nhân dựa vào để cầu cứu bị cắt đứt. Cha mẹ những đứa trẻ có thể cắt đứt mạng Internet, khiến việc xin giúp đỡ càng bế tắc.
Tại Fort Worth, bangTexas, một bệnh viện nhi cho biết tuần trước họ đã điều trị sáu trường hợp lạm dụng trẻ em nghiêm trọng trong chỉ một tuần. Số trẻ em nhập viện với lý do tương tự cũng tăng trong tháng.
Mặt khác, lệnh cách ly ở nhà khiến những người vốn được nạn nhân tin cậy như giáo viên, bạn thân, họ hàng không thể tiếp cận, không biết đến sự việc để báo cáo các trường hợp đến cơ quan chức năng.
“Ngay cả trong những gia đình mà xung đột chưa bao giờ leo thang thành bạo lực, trẻ em giờ đây có nguy cơ bị lạm dụng thể chất cao hơn vì những căng thẳng phát sinh như thất nghiệp, thu nhập của cha mẹ bị cắt giảm”, giáo sư Edleson phân tích.
Trong hầu hết trường hợp, người bị bạo hành không thể gặp gỡ trực tiếp nhân viên hỗ trợ được nữa. Nhiều nhà tạm trú cho nạn nhân của bạo lực gia đình cũng đã ngừng nhận người mới để tránh lây lan virus.
Nhiều nạn nhân đang dựa vào đường dây nóng để báo cáo lạm dụng và tìm sự giúp đỡ, nhưng chỉ với số ít vẫn có thể liên lạc ra bên ngoài.
“Khi lệnh cách ly xã hội chấm dứt, dịch bệnh qua đi, tôi hy vọng các cuộc gọi đến đường dây nóng sẽ nhiều hơn. Chúng tôi không thể biết chính xác bao nhiêu phụ nữ bị đánh đập, bạo hành cho đến khi đại dịch kết thúc”, Ray-Jones nói.
Hiện tại, cách thức tạm thời chỉ có thể dừng ở mức vận động mọi người để ý, chia sẻ và báo cáo cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra các vụ việc bạo lực gia đình.