Cứ 17h hàng ngày, ông Liêm lại từ nhà ở Thị Nghè (quận Bình Thạnh) chạy xe đến trước Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1).
Đặt chiếc balo đựng đồ nghề bên gốc cây thông, thợ ảnh 77 tuổi ngồi lên bậc thềm cạnh đó, mắt hướng ra dòng xe cộ tấp nập đang lưu thông trên con đường Lê Duẩn.
Người đàn ông khá nổi bật khi đội mũ ông già Noel màu đỏ, mặc áo sơ mi trắng sơ vin với quần jeans bụi bặm và đeo chiếc máy ảnh Nikon D90 trước ngực.
Tuy vậy, không nhiều người bất ngờ trước sự xuất hiện của ông Liêm. Từ bảo vệ trung tâm thương mại cho đến người bán hàng rong, tất cả đều niềm nở chào hỏi khi thấy thợ chụp ảnh U80 này.
Ông Liêm ngồi nghỉ trước Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1). |
Giáng sinh, Tết Dương lịch từng là mùa cao điểm “cá kiếm” cho nghề chụp hình dạo. Giống như ông Liêm, nhiều thợ chụp hình tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận đều đổ về các địa điểm vui chơi lớn trong trung tâm thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, khi smartphone và các thiết bị quay chụp hiện đại phát triển, nghề chụp hình dạo chết dần. Sau hai năm dịch bệnh, giờ đây, số lượng thợ ảnh còn trụ lại chỉ tính trên đầu ngón tay.
Vắng bóng nhóm thợ ngoại tỉnh
Là thợ ảnh lâu năm nhất tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, ông Liêm kể mình bắt đầu theo nghề từ năm 1970. Trước đây, ông chuyên chụp trong Dinh Độc Lập và lễ tốt nghiệp tại các trường đại học ở TP.HCM.
Tuy nhiên, dịch bệnh khiến các địa điểm, trường học đóng cửa, nhiều hoạt động tạm hoãn khiến ông Liêm thất nghiệp gần cả năm nay.
Đầu tháng 12, hay tin các trung tâm thương mại trang trí chuẩn bị cho Giáng sinh, ông Liêm mừng rỡ chuẩn bị bộ đồ nghề để đi làm trở lại.
"Nhưng buồn là năm nay dịch bệnh, người ta trang trí đơn sơ lắm để hạn chế tụ tập. Khách vui chơi, chụp ảnh chẳng được nhiêu. So với các thợ ảnh khác, tôi lớn tuổi hơn nhiều, có nét già nên khách cũng thương. Họ trả 100.000 đồng dù chỉ chụp một tấm kỷ niệm", thợ ảnh nói với Zing.
Ông Liêm theo nghề từ năm 1970, là một trong những thợ chụp ảnh dạo lớn tuổi ở TP.HCM. |
Qua hơn nửa thế kỷ, ông Liêm dường như đã quá rõ những chuyện vui, buồn của nghề này. "Giờ nhiều điện thoại, công nghệ quá, cũng lắm cái tủi thân. Nhưng đó đã là quy luật phát triển rồi, mình không theo kịp thì phải chấp nhận bị bỏ lại thôi".
Ông Liêm kể trước dịch, cứ đến dịp Noel, Tết Dương lịch là khoảng chục thợ ảnh dạo như ông lại "có hẹn" với nhau ở khu vực Nhà thờ Đức Bà.
Không ít người là dân ngoại tỉnh, chủ yếu là người miền Tây. Tới mùa lễ hội, họ lên thành phố, cùng nhau thuê một căn trọ giá rẻ ở khu vực cầu Ông Lãnh (quận 1).
"Qua từng năm cứ rơi rớt dần. Giờ thì không còn thợ ngoại tỉnh nữa, chỉ còn khoảng 4-5 người làm lâu năm, sống tại Sài Gòn", ông Liêm nói.
Thợ ảnh dạo nhận 30.000-50.000 đồng/tấm ảnh in, tùy kích cỡ. |
Chỉ còn hoài niệm
Đi tới đi lui gần cả tiếng đồng hồ trước trung tâm thương mại mà vẫn chưa có khách nào, ông Hùng (59 tuổi) ngồi nghỉ tạm dưới cây thông.
"Hai năm nay thê thảm lắm. Có ngày được 2-3 tấm, nhiều thì được 5-7 tấm nhưng cũng lắm hôm về tay không".
Thợ ảnh kể cha ông cũng là người chụp hình dạo, cùng thế hệ với ông Liêm. Lúc còn nhỏ, ông thường theo cha và các chú đi chụp hình những địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn. Dần dần, ông được cha truyền dạy và theo nghề đến tận bây giờ.
"Thợ ảnh ở đây chủ yếu là cha truyền con nối. Khoảng 40 năm trước, nghề chụp hình có giá mà cũng kiếm được tiền. Mùa cao điểm, khách đông nghẹt, chụp còn không kịp", ông Hùng nhớ lại.
Ông Hùng hồi tưởng thời hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo. |
Quay lại với thực tại, thợ ảnh 59 tuổi thừa nhận thời thế đã thay đổi quá nhiều. "Giờ chẳng ai quan tâm nữa rồi. Lớp trẻ còn sức thì chuyển nghề sang chạy xe ôm. Còn với mấy người lớn tuổi như chúng tôi, giờ bỏ nghề cũng chẳng biết làm gì".
Ông Sỹ (59 tuổi), người đã theo nghề chụp ảnh hơn 40 năm, hoàn toàn hiểu câu chuyện của đồng nghiệp khi chính ông cũng từng trải qua những điều tương tự.
Quê gốc của ông Sỹ ở Quy Nhơn (Bình Định). Ông từng có một tiệm chụp ảnh cưới ở quê nhưng do làm ăn thua lỗ nên phải đóng cửa, trả mặt bằng. Năm 2000, ông một mình vào TP.HCM bươn chải.
Nhờ nghề chụp ảnh, ông mua được đất, xây nhà rồi đón vợ con vào Nam sinh sống. "Đó có lẽ là giai đoạn đẹp đẽ nhất của nghề này. Nhưng tất cả bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Ngày ngày, tôi vẫn vác máy ra đây đứng chủ yếu là vì nhớ nghề, nhớ về những năm tháng đó, chứ tiền thì không kiếm được nhiêu cả".
Bộ đồ nghề gồm máy ảnh, máy in và tập giấy in ảnh của ông Sỹ. |
Không chỉ là hoài niệm với những thợ chụp ảnh dạo, bức ảnh được in ra từ chiếc máy in cũ trên yên xe máy ông Sỹ cũng kéo nhiều khách hàng về với ký ức cùng gia đình.
Từng nhiều lần đi ngang và nhìn thấy các thợ chụp ảnh dạo gần Nhà thờ Đức Bà, song năm nay Thanh Vy (31 tuổi) và nhóm bạn của cô mới có dịp ghé vào để chụp ảnh.
Ban đầu, cô không kỳ vọng nhiều vào các bức ảnh vì chủ yếu là muốn ủng hộ người thợ chụp hình đã lớn tuổi, gặp khó khăn trong dịch. Tuy nhiên, khi nhận được ảnh, Vy lại có cảm xúc rất khó tả.
"Cách chụp ảnh đúng chất ngày xưa, khoảng 20 năm trước làm mình nhớ đến cha mẹ. Cảm giác bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm được đi chụp ảnh cùng gia đình ngày nhỏ", Thanh Vy chia sẻ.