Các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào đám đông ngoài trời và khách du lịch chi tiêu tự do đang đối diện với tương lai bấp bênh vào mùa hè này, theo AP News.
Người tiêu dùng có thể có rất nhiều nhu cầu tiêu xài bị dồn nén sau hơn 2 năm dịch bệnh và tỏ ra sẵn sàng chi tiêu đến những gì còn lại trong số tiền tiết kiệm.
Song, họ cũng phải đối mặt với thực trạng giá cả đắt đỏ do tình trạng lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Với các ví dụ cụ thể nhất là giá xăng tăng hơn 60% so với năm trước, giá phòng khách sạn và giá vé máy bay đều đội lên.
Hàng triệu người trên thế giới đang gặp khó khăn khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, khiến họ khó khăn trong việc duy trì mức sống cũ. Ảnh: Fast Company. |
Hiệp hội Lữ hành Mỹ dự báo số tiền chi cho du lịch - không bao gồm đi công tác - ở nước này sẽ đạt tổng cộng 726 tỷ USD vào năm 2022, tăng 3% so với năm 2021 và chỉ cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.
Chi phí vượt đỉnh
Lạm phát, bão giá đang đánh thẳng vào túi tiền của những chủ kinh doanh vừa và nhỏ. Giá nguyên liệu nhập vào đắt hơn, trong khi nhân viên yêu cầu tăng lương. Không hiếm bên buộc phải tăng giá hoặc cắt giảm một số dịch vụ.
Ray Keating, trưởng nhóm kinh tế của Hội đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Mỹ, gọi giai đoạn này là "một mùa hè đầy rẫy sự bất ổn".
Gia đình Jack Morey đã sở hữu và điều hành ba công viên giải trí ở bang New Jersey trong 2 thế hệ. Sau 2 năm bám trụ để tồn tại, giờ khó khăn chuyển sang chi phí vận hành và trả lương cho nhân viên đều "vượt đỉnh".
Bão giá đang tiếp tục đe dọa đến việc làm ăn của những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp nước Mỹ. Ảnh: AP News. |
Morey buộc phải tăng giá, song song với đó là sự băn khoăn liệu khách hàng - phần lớn là tầng lớp lao động - có quay lại công viên không vì họ cũng đang đau đầu vì túi tiền.
Chi phí xăng và các mặt hàng khác cao hơn đồng nghĩa với việc phân chia ngày càng lớn giữa khách du lịch giàu có và tầng lớp trung lưu hoặc lao động chân tay.
Tại khu dinh thự Martha's Vineyard (bang Massachusetts), hầu hết phòng đặt cho kỳ nghỉ mùa hè đã kín chỗ. Chủ sở hữu Susan Goldstein cho biết khách hàng của cô thích việc họ có thể lái xe đến nghỉ dưỡng thay vì bay đến thành phố khác, mặc dù giá xăng cao hơn.
Ngoài ra, khách hàng giờ thường đặt sát ngày đi, thay vì đặt trước nhiều ngày như thói quen trước đó.
Nhiều cửa hàng buộc phải tăng giá trong nỗi lo không biết liệu khách hàng có quay lại. Ảnh: AP News. |
Thuê nhân viên trẻ
Tình trạng khan hiếm lao động cũng đang tạo sức ép lên nhiều doanh nghiệp nhỏ trong mùa hè này. Để thuê được thêm nhân viên cho hai tiệm bánh mì thuần chay của mình ở Tennessee, Holly Roe đã phải tăng lương và thuê thêm các thanh thiếu niên.
Trước khi có đại dịch, chỉ 20% nhân viên dưới 20 tuổi. Bây giờ, họ lại đang chiếm áp đảo.
Thuê thêm thanh, thiếu niên đang là xu hướng ở các cửa hàng trên khắp cả nước.
Theo dữ liệu từ Gusto - một nhà cung cấp dịch vụ trả lương, phúc lợi và nguồn nhân lực - thanh, thiếu niên chiếm 9,3% trong tổng số nhân viên mới vào tháng 4. Tỷ lệ này vào tháng 4 năm ngoái là 7,7% và là 2% vào tháng 4/2021.
Dù mọi thứ đã hoạt động lại bình thường, sự đe dọa từ các trường hợp mắc Covid-19 vẫn hiện hữu. Samuel Clark quản lý một bên dịch vụ phụ trách quảng bá cho các show của sân khấu kịch Broadway đến khách du lịch ở Quảng trường Thời đại (New York).
Khủng hoảng vật giá leo thang đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: CBS. |
Mặc dù anh đã quay lại làm việc, nhiều chương trình vẫn phải tạm thời đóng cửa vì các ca mắc Covid-19. Trước đó, Clark đã tăng lương, nhưng anh không chắc chắn có thể giữ chân toàn bộ nhân viên.
“Đối với những người làm theo giờ, tiền thuê nhà đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Những người này là nhóm chi tiêu chặt chẽ từng đồng, không để lạm chi".
Tuy nhiên, Clark hy vọng đông khách du lịch châu Á sẽ ghé đến vào mùa hè sau khi các nước dỡ bỏ hạn chế.
Đối với Austin Ray, chủ nhà hàng ở Nashville, mùa hè là khoảng thời gian đám đông kéo đến SVĐ xem giải đấu bóng chày ở ngay bên cạnh cơ sở kinh doanh của mình.
Dù tình hình làm ăn có dấu hiệu khả quan từ năm ngoái, chi phí tăng vọt khiến Ray có kế hoạch tăng giá các món từ 7% đến 10%.
"Giữ chân cả khách hàng lẫn nhân viên là thách thức đòi hỏi nhiều tiền bạc, thời gian giải quyết", Ray nói.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua đại dịch, người đàn ông vẫn lạc quan tin rằng cửa hàng của mình cũng sẽ vượt qua được "sóng gió" của lạm phát.