Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mùa hè kinh hoàng của các tiếp viên hàng không Mỹ

Làm việc quá sức, bị hành khách lăng mạ, thậm chí có hành vi bạo lực khiến nhiều tiếp viên hàng không Mỹ kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.

tiep vien hang khong My anh 1

Tối 1/8 là một đêm hỗn loạn tại sân bay quốc tế Luis Muñoz Marín ở San Juan (Puerto Rico).

Nhiều chuyến bay bị hủy cất cánh khiến vô số hành khách mắc kẹt. Họ trở nên tuyệt vọng, đập cửa và quát tháo nhân viên. Trước tình hình này, cảnh sát phải hỗ trợ che giấu phi hành đoàn của hãng hàng không Spirit.

Một tiếp viên hàng không 28 tuổi kể lại lúc vội lao qua ống lồng sân bay sau cánh cửa kim loại và tới một văn phòng trên đường băng. Tại đây, khoảng 35 nhân viên của Spirit Airlines được quản lý yêu cần thay đồng phục vì sự an toàn của chính họ.

“Chúng tôi rất sợ hãi. Tôi từng chứng kiến nhiều thứ điên rồ, nhưng chuyện này đáng sợ hơn cả”, tiếp viên này cho biết.

tiep vien hang khong My anh 2

Hàng dài người chờ ở sân bay Luis Muñoz Marín hôm 2/8 sau khi hãng hàng không Spirit hủy loạt chuyến bay. Ảnh: @HeimTime88.

Theo New York Times, các thành viên phi hành đoàn cho biết họ đang bị chèn ép từ cả 2 phía - khách hàng và công ty chủ quản.

Họ thường xuyên làm việc ca dài hơn 14 tiếng đồng hồ, phục vụ 4-5 chuyến bay/ngày, không đủ thời gian để ngủ và bị cấm nghỉ phép dù mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe.

Tình hình căng thẳng trong mùa hè này khiến nhiều tiếp viên hàng không cảm thấy kiệt sự, lo sợ cho sự an toàn cá nhân. Ở một số trường hợp, họ lo ngại rằng tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn.

“Giờ đây, các tiếp viên hàng không đã trở thành ‘bao cát của công chúng’”, Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không Mỹ (AFA), đại diện cho gần 50.000 tiếp viên tại 17 hãng hàng không, cho biết.

Thiếu nhân lực trầm trọng

Vào mùa xuân, khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng, số ca Covid-19 giảm xuống và một số hạn chế cũng được gỡ bỏ, nhu cầu du lịch mùa hè tăng trở lại nhanh hơn dự đoán của nhiều người.

Ngày 1/7, 2,1 triệu hành khách đã đi qua các trạm kiểm soát tại sân bay của Cục quản lý An ninh Vận tải Mỹ, thậm chí còn nhiều hơn so với cùng ngày năm 2019.

Nhiều hãng hàng không tăng cường lịch trình và thêm các đường bay mới. Tuy nhiên, một số dường như không đủ nhân sự để theo kịp xu hướng.

tiep vien hang khong My anh 3

Du khách xếp hàng dài chờ qua cổng an ninh tại sân bay quốc tế Denver hồi tháng 6. Ảnh: David Zalubowski/AP.

Dữ liệu của Cục Thống kê Vận tải cho thấy số nhân viên toàn thời gian của các hãng bay chở khách ở Mỹ vào tháng 6/2021 thấp hơn gần 14% so với tháng 3/2020.

Hàng chục nghìn tiếp viên hàng không nghỉ phép trong thời gian đại dịch, theo AFA. American Airlines cho biết khoảng 3.300 tiếp viên nghỉ phép của hãng vẫn chưa trở lại làm việc.

Thiếu hụt phi công là một vấn đề quan trọng khác của các hãng bay, cũng như việc không đủ nhân viên trạm kiểm soát, xử lý hành lý và tài xế vận chuyển - những nhân tố giúp chuyến bay có thể cất cánh đúng giờ.

Mùa hè này, những hành khách sử dụng dịch vụ hàng không đang phải đối mặt với sự gia tăng bất thường của các sự cố chuyến bay do tình trạng thiếu lao động, thời tiết xấu và các vấn đề kỹ thuật.

Theo dữ liệu từ Flight Aware, tính từ tháng 6 đến giữa tháng 8, gần 1/4 số máy bay chở khách của Mỹ bị hoãn. Chỉ trong nửa đầu tháng 8, gần 4% chuyến bay bị hủy cất cánh. Riêng hãng Spirit đã hủy gần 2.500 chuyến bay từ ngày 1-15/8.

tiep vien hang khong My anh 4

Trước sức ép từ cả công ty lẫn hành khách, tiếp viên hàng không ngày càng kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể chất. Ảnh: Getty Images.

Nas Lewis, tiếp viên thuộc một hãng bay lớn của Mỹ, đồng thời là người sáng lập th|AIR|apy, một trang web hỗ trợ vấn đề sức khỏe tâm thần của các tiếp viên hàng không, cho biết tình trạng hiện nay lại càng tạo thêm nỗi lo lắng cho cô và các đồng nghiệp.

“Chúng tôi không biết sẽ phải đối mặt với mối nguy nào khi làm việc”, cô nói.

Kiệt sức

Jacqueline Petzel, một tiếp viên hàng không ở Chicago của American Airlines, cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 8, cô bị đánh thức liên tục lúc 2h sáng và chỉ có 2 tiếng đồng hồ để chạy ra sân bay, bắt đầu ca làm kéo dài 15 tiếng.

Giữa một số ca làm việc gần đây, Petzel (34 tuổi) chỉ được nghỉ ngơi 10 tiếng tại khách sạn. Trong thời gian đó, cô phải ăn tối, tắm rửa, gọi về cho gia đình, ngủ, rồi lại ăn sáng và chuẩn bị cho ca làm tiếp theo. Như vậy, trên thực tế cô chỉ được ngủ khoảng 4-5 tiếng trọn vẹn.

Một tiếp viên hàng không 30 tuổi thuộc United Airlines cho viết cô phải làm việc trong tình trạng thiếu ngủ, hai mắt đỏ ngầu trong chuyến công tác kéo dài 4 ngày hồi tháng 7.

“Tôi cảm thấy cơ thể như say rượu. Mọi hành động trở nên chậm chạp. Tôi hiểu rằng nếu có sự cố gì xảy ra, adrenaline sẽ phát huy tác dụng, song quyết định của tôi lúc đó sẽ không phải lựa chọn tốt nhất”, cô chia sẻ.

tiep vien hang khong My anh 5

Kể từ đại dịch bùng phát, hàng chục nghìn tiếp viên hàng không Mỹ vẫn chưa trở lại làm việc. Ảnh: Mehmet Ali Ozcan/Anadolu Agency.

Các tiếp viên hàng không có số giờ làm việc tối đa theo quy định. Cụ thể, các ca làm nội địa được giới hạn trong 15 giờ đồng hồ. Nếu một tiếp viên làm quá số giờ quy định, đó được coi là “bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, nhiều người nói rằng đội xếp lịch bay của công ty ngày càng gây áp lực, buộc họ phải chấp nhận ca làm việc ngày một dài hơn.

“Hãng thường ghi trong hệ thống rằng bạn kết thúc ca làm sau 14 tiếng 59 phút, nhưng rõ ràng là điều đó chẳng đúng chút nào”, tiếp viên hàng không 28 tuổi thuộc American Airlines nói.

Bị xúc phạm, hành hung

Mặt khác, các tiếp viên hàng không trên khắp xứ cờ hoa cho biết họ gặp nhiều khó khăn, không chỉ riêng đối phó với sự cố cất cánh của hãng bay, mà hành vi hung hăng ngày một nhiều của hành khách.

Gần 4.000 trường hợp hành khách gây rắc rối được báo cáo cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong năm 2021 - con số được cơ quan này miêu tả là “một sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể”.

tiep vien hang khong My anh 6

Maxwell Berry (22 tuổi) bị khống chế bằng băng dính sau khi tấn công tiếp viên hàng không hãng Frontier Airlines. Ảnh: Kaprice Kelley/Storyful.

Hầu hết trường hợp bị cáo buộc đánh tiếp viên hàng không, không chịu đeo khẩu trang, nằm trên lối đi lại của máy bay, cùng với một số tội danh khác. Những đoạn video ghi lại cuộc ẩu đả và lăng mạ của hành khách trên máy bay giờ trở thành chủ đề quen thuộc của mạng xã hội.

Đầu tháng 8, đoạn video ghi cảnh phi hành đoàn hãng Frontier Airlines đã dùng băng dính trói một hành khách hung hăng, say xỉn vào ghế ngồi lan truyền khắp mạng xã hội.

Các tiếp viên và nghiệp đoàn nói rằng những trường hợp hành khách gây rối trước đây hiếm xảy ra, giờ trở nên phổ biến hơn. Phi hành đoàn cho biết tình trạng này đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất của họ.

Một tiếp viên 28 tuổi thuộc hãng hàng không American Airlines cho biết vào tháng 6, cô được cơ quan thực thi pháp luật triệu tập do liên quan đến 2 vụ lăng mạ, chỉ trích trên chuyến bay. Trước đó, suốt 6 năm công tác, cô chưa từng gặp một sự cố nào.

“Tôi chưa từng trải qua cảm giác lo lắng, trầm cảm như thế này trong suốt cuộc đời mình. Chúng tôi đang thực sự suy sụp”, cô nói.

Hãng bay Mỹ cấm tiếp viên trói hành khách bằng băng dính

Tuy nhiên, lời nhắc nhở này của United Airlines không có cơ sở, bị nghi ngờ là chiêu trò quảng cáo.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm