Chiều 31/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã giải trình làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường liên quan đến công tác dự báo gây thiệt hại lớn về người và tài sản vừa qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời chia buồn sâu sắc đối với những gia đình có người thân bị nạn cũng như mất mát về tài sản trong đợt thiên tai các tỉnh vùng núi Bắc Bộ cũng như Bắc Trung Bộ vừa qua.
"Tôi đồng tình với các ý kiến của một số đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua trong đó có phần do dự báo chưa chủ động, chưa chính xác liên quan đến dự báo định lượng mưa, dự báo về lũ ống và lũ quét", ông Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những tác nhân khác cũng đã được chỉ rõ như tình trạng mất rừng, công tác quy hoạch bố trí dân cư. Người dân đã di cư, bố trí nhà cửa vào những khu vực hết sức nhạy cảm. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, lượng mưa có tính lịch sử trong khi chính quyền và người dân hết sức chủ quan.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Duy. |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết trên thực tế công tác dự báo định lượng mưa và công tác dự báo liên quan đến lũ quét, sạt lở đất thì khoa học hiện nay và trên các nước tiên tiến mới giải quyết được dự báo trên diện rộng. Dự báo trên điều kiện cực đoan cũng như dự báo trong khu vực cụ thể vẫn còn là điều còn khiếm khuyết.
Theo Bộ trưởng Hà, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác đầu tư, đang dần đưa các dự án này đồng bộ, phục vụ công tác dự báo. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới thì Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình, chúng ta cần phải huy động rất nhiều nhân lực.
"Hiện có 1.300 điểm đo mưa giúp cho công tác dự báo, Bộ sẽ cố gắng bổ sung thêm khoảng 3.000 điểm nữa thông qua đóng góp của xã hội. Như vậy sẽ đạt mức trung bình 40-100 km2 có một trạm dự báo mưa; việc này được triển khai trong năm 2018", Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Cũng theo người đứng đầu ngành TN&MT, nước ta đã xây dựng bản đồ lũ ống, lũ quét, tai biến do địa chất, vì vậy các địa phương, bộ, ngành cần rà soát để điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất hợp lý hơn. Các tỉnh miền núi phía Bắc phải coi cơ chế môi trường, sử dụng tài nguyên nước, phát triển rừng gắn với vấn đề sinh kế người dân, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Đồng thời đưa ra giải pháp đồng bộ trong việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng với từng vùng. Bên cạnh đó tăng cường công tác cảnh báo, dự báo về khí tượng thuỷ văn, tiếp tục phát huy cơ chế 4 tại chỗ mà trong thời gian vừa qua chúng ta ứng phó rất hiệu quả với 10 cơn bão nguy hiểm...", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói thêm.
Đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 10 khiến 80 người thiệt mạng, hơn 20 người mất tích và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 9/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã hứng chịu trận mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng ở nhiều địa phương.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khẳng định: “Nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996”.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy từ ngày 10-12/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rất lớn, lượng phổ biến 250-300 mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên tới 400-600 mm.