Ngày 31/8, mùa phim hè của điện ảnh Trung Quốc chính thức khép lại. Trang tin QQ đưa tin từ trước đó hai ngày, tổng doanh thu phim hè của nước này đã đạt gần 17 tỷ NDT, xác lập kỷ lục mới của mùa phim này trong lịch sử.
Năm ngoái, siêu phẩm hành động quân sự, chính trị Chiến Lang 2 do ngôi sao võ thuật Ngô Kinh “tự biên tự diễn” làm nên hiện tượng khi một mình chiếm gần 1/3 tổng doanh thu mùa phim hè. Bên cạnh đó, top 10 phòng vé mùa phim hè 2017 còn có sự xuất hiện của một số thảm họa bị chỉ trích về chuyên môn, nổi bật nhất là Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa do Lưu Diệc Phi và Dương Dương đóng chính.
Trái ngược với cục diện của một năm trước, 10 phim có doanh thu cao nhất mùa phim hè 2018 đều gặt hái thành công trên cả hai phương diện thương mại và phê bình, được đánh giá là thời điểm “trăm hoa đua nở”.
Theo chuyên trang bình luận phim Maoyan, tính đến hết ngày 29/8 có 5 phim vượt mốc 1 tỷ NDT, số điểm đánh giá trên chuyên trang Douban thấp nhất cho một tác phẩm là 6 điểm. Các chuyên gia điện ảnh nhất trí chỉ ra thành công này của ảnh đàn Trung Quốc đi liền với chất lượng phim được chú trọng cải thiện.
Phim nhỏ thắng lớn, bom tấn “ngã ngựa”
Tôi không phải dược thần trở thành hiện tượng mới của điện ảnh Trung Quốc. Ảnh: IMDb. |
Nhận số điểm 9/10 từ trang Douban, Tôi không phải dược thần trở thành kỳ tích màn ảnh rộng của mùa phim hè 2018 tại Trung Quốc. Tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Văn Mục Dã có chi phí sản xuất 15 triệu NDT và chi phí truyền thông 60 triệu NDT, xuất sắc thu về 160 triệu NDT ngay ngày đầu công chiếu. Tổng doanh thu của phim gần 3,1 tỷ NDT.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một người đàn ông nhập lậu thuốc trị bệnh bạch cầu từ Ấn Độ về Trung Quốc, bán với giá thấp kỷ lục. Người dân coi anh ta là người hùng, trong khi chính quyền thì truy bắt và khởi tố anh. Tôi không phải dược thần nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng và cả đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và báo chí.
Được đầu tư ít tiền, do đạo diễn không tên tuổi dàn dựng và không có ngôi sao tham gia, Tôi không phải dược thần điềm nhiên chiến thắng trên thị trường nội địa. Trái lại, bom tấn tràn ngập kỹ xảo như A Tu La do minh tinh Lưu Gia Linh và ảnh đế Lương Gia Huy đóng chính lại vấp phải cú “ngã ngựa” kinh điển trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ. Bộ phim đầu tư 700 triệu NDT chỉ thu về 25,5 triệu NDT sau vài ngày khởi chiếu, hứng chịu nhiều lời chê thậm tệ với số điểm Douban 3,1, bị cắt toàn bộ suất chiếu sau ba ngày ra mắt.
Dàn sao hạng A không cứu vãn nổi danh tiếng của A Tu La, Âu Châu Công Lược, Đại Sư Huynh. |
Số phận không khá hơn A Tu La là bao, Âu Châu Công Lược và Đại Sư Huynh cũng từ bom tấn hóa “bom xịt” của điện ảnh Hoa ngữ năm nay, thảm bại cả doanh thu và chuyên môn.
Series phim Công Lược (hai phần trước là Tokyo Công Lược và Seoul Công Lược) gắn liền tên tuổi của ảnh đế Lương Triều Vỹ vốn thu hút khán giả bằng yếu tố ngôi sao và cảnh quay hành động. Song thời thế thay đổi, công chúng ngày càng kỹ tính và kén chọn. Với hình ảnh mãn nhãn mà nội dung hời hợt, một bộ phim vẫn khó thỏa mãn được nhu cầu nghe nhìn của khán giả.
Trang 36 Kr bình luận đạo diễn rập khuôn lối kể chuyện và dàn dựng cảnh hành động thịnh hành từ hơn một thập kỷ trước, không tạo nên sáng tạo bứt phá. Thứ nữa, diễn xuất quá tệ của các diễn viên Ngô Diệc Phàm, Đường Yên, Đỗ Quyên càng hủy hoại thêm danh tiếng của Âu Châu Công Lược. Một mình Lương Triều Vỹ cáng đáng không nổi dự án nhiều nhược điểm như vậy.
Tương tự, đẳng cấp siêu sao võ thuật của Chân Tử Đan cũng khó cứu vãn được phim học đường Đại Sư Huynh. Tính đến ngày 31/8, sau một tuần ra mắt ở Trung Quốc, bộ phim chỉ thu về 136 triệu NDT.
Từ loạt hiện tượng kể trên, CE.cn đánh giá đề tài xã hội mang tính hiện thực ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường điện ảnh Trung Quốc. Lý do tiên quyết cho sự thành bại của một tựa phim không còn là kỹ xảo, ngôi sao hay yếu tố gây sốc, mà là bản thân câu chuyện và cách kể chuyện trong phim.
Hollywood lép vế trước phim nội địa
Mùa hè năm 2018 được đánh giá là mùa phim hè sôi động nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc với 128 phim ra mắt, phim nội địa nâng cao tầm vóc và phong độ.
Theo thống kê của QQ, top 10 doanh thu mùa hè năm nay có hai phim Hollywood là Jurassic World: Fallen Kingdom ở vị trí thứ ba (gần 1,7 tỷ NDT), Ant-Man and The Wasp ở vị trí thứ bảy (611 triệu NDT), hai phim hợp tác Trung - Mỹ là The Meg ở vị trí thứ năm với hơn 1 tỷ NDT, Skyscrapper ở vị trí thứ 6 với 669 triệu NDT.
Còn lại là sáu phim nội địa thuộc nhiều thể loại như tâm lý, hài, tình cảm, hành động. Trong đó, Tôi không phải dược thần chiếm giữ vị trí quán quân.
Không thể phủ nhận, các tựa phim này đảm bảo chất lượng tốt. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ phim nội địa của chính quyền Trung Quốc góp công rất lớn cho thành công này.
Phim hợp tác được ưu tiên phát hành ở thị trường tỷ dân. |
Nhiều năm nay, Cục Điện ảnh Trung Quốc luôn thắt chặt việc nhập khẩu phim. Chính phủ Mỹ ra sức thỏa thuận trong suốt sáu năm qua nhằm đưa nhiều phim của họ gia nhập thị trường tỷ dân nhưng đối diện rất nhiều khó khăn. Từ con số 34 phim một năm vào thời điểm năm 2012, lượng phim Hollywood đổ vào màn ảnh Trung Quốc nâng lên 40 phim mỗi năm vào cuối năm 2017.
Trang Kuaibao chỉ ra mùa phim hè, nhất là tháng 5 và 6 được gọi là tháng bảo hộ phim nội địa tại Trung Quốc - khoảng thời gian mà các nhà phát hành ưu tiên tuyệt đối cho phim nội, đẩy lùi lịch chiếu phim ngoại. Chỉ các phim Hollywood nhận vốn đầu tư của Trung Quốc như Transformers mới được trình chiếu trong thời gian này.
Avengers: Infinity War khởi chiếu gần như trên toàn cầu ngày 27/4, nhưng riêng tại Trung Quốc, phim ra mắt ngày 11/5. Bom tấn “hái ra tiền” Mission: Impossible Fallout bị dời ngày công chiếu từ 27/7 sang 31/8, đồng nghĩa với việc nằm ngoài phạm vi mùa phim hè.
Từ sự nỗ lực của nhà làm phim, định hướng sáng suốt của nhà sản xuất cùng với chính sách ưu việt của cơ quan quản lý, điện ảnh nội địa Trung Quốc tiếp tục tạo nên mùa phim hè ấn tượng trong năm 2018.