Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bankrate, hơn 60% người tham gia gia nói rằng họ hối hận khi mua những mặt hàng đã thấy trên mạng xã hội.
Với mục tiêu nhắm đến nhóm đối tượng này, các quảng cáo thường bày trí tất cả sản phẩm mới, nóng hổi ngay trong tầm mắt của họ. Vì thế, khách hàng khó có thể cưỡng lại việc “nhấp chuột” và mang chúng về nhà.
“Các chiêu thức tiếp thị ngày càng thông minh hơn khi hiểu những gì người dùng thích và giúp họ chi tiêu dễ dàng hơn bao giờ hết”, Andrew Meadows, phó chủ tịch cấp cao của Ubiquity Retirement + Savings, nói với CNBC.
Theo một cuộc thăm dò của Ipsos vào tháng 8, người trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo kỹ thuật số nhiều hơn so với những thế hệ trước.
Khảo sát của Bankrate cho thấy mạng xã hội đã lôi kéo mọi người phải bắt kịp nhau để không bị lỗi mốt. Khoảng 25% người được hỏi cho biết họ muốn xuất hiện hoàn hảo nhất trên Internet, điều này có thể góp phần vào tâm lý tiêu xài nhiều hơn để gây ấn tượng với người theo dõi.
Ngoài ra, khoảng 1/3 nói rằng lý do hàng đầu cho việc mua sắm bốc đồng gần đây nhất là vì cảm thấy “không thể bỏ lỡ giá tốt”.
“Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đang mua thứ gì đó được quảng cáo là đang giảm giá, bạn vẫn tiêu tiền chứ không phải tiết kiệm”, Meadows cảnh báo.
Người dùng mạng xã hội dễ dàng mua bất kỳ thứ gì chỉ qua một cú click chuột. Ảnh: Time. |
Tư duy “đối xử tốt với bản thân” cũng có thể kích hoạt khả năng “thích gì mua nấy”, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Gần một nửa số người thuộc Gen Z trong cuộc khảo sát của Ipsos cho hay nguyên nhân cho những lần mua sắm trực tuyến là để tự thưởng cho chính mình.
“Không có gì sai khi đối xử tốt với bản thân. Thế nhưng bạn phải đảm bảo tất cả phù hợp với ngân sách của mình và không phá vỡ nó”, Sarah Foster, một nhà phân tích tại Bankrate, nhận định.
Các giao dịch mua ngoài kế hoạch có thể khiến ví tiền bị ảnh hưởng khá nhiều. Theo Cục Thống kê Lao động, trong năm qua, giá các mặt hàng như quần áo, giày dép đã tăng lần lượt là 5,1% và 6,2%.
Căng thẳng có thể là một lý do khác của chi tiêu bốc đồng. Michael Liersch, trưởng bộ phận tư vấn và lập kế hoạch của Wells Fargo Wealth and Investment Management, cho hay khi bộ não bị quá tải, mọi người có xu hướng dựa nhiều hơn vào các xung lực để hướng dẫn việc ra quyết định của mình.
“Mặc dù biết rằng trong thời gian khó khăn về tài chính, chúng ta nên chú ý hơn trong việc tiêu xài để đảm bảo rằng có đủ tiền để thanh toán các hóa đơn, món đồ quan trọng, tiết kiệm và đầu tư cho tương lai, nhưng khi bị áp lực, bản thân lại trở nên thiếu ý chí hơn”, Liersch chia sẻ với CNBC.
Để hạn chế việc mua sắm ngoài tầm kiểm soát, Brad Klontz, nhà tâm lý học tài chính, khuyên rằng mọi người nên tự hỏi bản thân nhiều lần trước khi quyết định. Nhằm hạn chế tình trạng vung tay quá mức, người dùng có thể chuyển số tiền định tiêu vào tài khoản tiết kiệm.