1. Ai là tác giả của bài thơ Sang thu?
Theo SGK Ngữ văn lớp 9, tập 1, NXB Giáo dục, Hữu Thỉnh là nhà thơ, nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1976; Tổng thư ký và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 2000-2020; Tổng biên tập báo Văn nghệ. Bài thơ Sang thu được trích trong tập Từ chiến hào đến thành phố, NXB Văn học, 1991. Hữu Thỉnh diễn tả sự biến đổi của đất trời sang thu được cảm nhận qua những tín hiệu chuyển mùa tinh tế. |
2. Trong bài thơ Sang thu, khoảnh khắc chuyển mùa được cảm nhận qua mùi hương gì?
Trong khổ thơ đầu của bài Sang thu, Hữu Thỉnh đã viết: "Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se / Sương chùng chình qua ngõ / Hình như thu đã về". Bức tranh thu đã được điểm những nét đầu tiên: Hương ổi phả nhè nhẹ, thoang thoảng trong làn gió se. |
3. Hình ảnh nào được nhắc đến trong bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư?
Trong bài thơ Tiếng thu, trích từ Tuyển tập Lưu Trọng Lư, NXB Văn học, nhà thơ từng viết: "Em không nghe rừng thu / Lá thu kêu xào xạc / Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô?". Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên. |
4. Ai được mệnh danh Tam Nguyên Yên Đổ?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) tên thật là Nguyễn Thắng. Ông sinh ra tại quê ngoại là làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam, nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của nhà thơ ở làng Vị Hạ, xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1864, ông đỗ đầu kỳ thi Hương. Năm 1871, ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Kể từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ (người làng Yên Đổ đỗ đầu ba kỳ thi). |
5. Nguyễn Khuyến làm quan dưới triều nào?
Theo Kể chuyện danh nhân Việt Nam, tập 4, NXB Trẻ, Nguyễn Khuyến sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, đặt mục đích thi đậu là để đền ơn vua, trả nợ nước, chứ không phải kiếm một chỗ ăn trên ngồi tróc, đục khoét dân lành. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến lần lượt làm các chức quan trong triều đình nhà Nguyễn. Trước cảnh nước mất, ông đã từ quan về quê ở ẩn, thể hiện tinh thần bất hợp tác với giặc, giữ cho mình nhân cách trong sạch. |
6. Nguyễn Khuyến nổi tiếng với chùm ba bài thơ về mùa thu. Đó là những bài thơ nào?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, sáng tác của Nguyễn Khuyến bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 tác phẩm gồm cả văn xuôi, câu đối và thơ. Thu vịnh (Vịnh mùa thu) cùng với Thu điếu (Câu cá mùa thu) và Thu ẩm (Uống rượu mùa thu) hợp thành chùm thơ thu viết bằng chữ Nôm rất nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Người đọc có thể nhận ra những sắc thái rất riêng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ qua những bài thơ này. |
7. Thu điếu có nghĩa là gì?
Thu điếu (Câu cá mùa thu) nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, bài thơ thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của tác giả về cảnh sắc mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thế thời và tài thơ Nôm của Nguyễn Khuyến. |