Tác phẩm Éloge du maquillage (1876). |
Trong một lần săn đồ cũ trực tuyến hồi năm 2021, một người đàn ông ở Barcelona (Tây Ban Nha) đã chi tiền mua bức tranh được ghi là "tác phẩm giả của danh họa Edgar Degas".
Người này cho biết bị thu hút bởi bố cục tài tình của bức tranh. Cùng sự giúp đỡ của chuyên gia Michel Schulman, họ phát hiện bức họa gần như trùng khớp với tác phẩm Éloge du maquillage (1876), được cho là bị thất lạc suốt vài thập kỷ của Degas.
Ngày 28/5, bức tranh được trưng bày trước công chúng tại Viện Francais (Madrid, Tây Ban Nha), Artnet đưa tin.
Theo tờ Catelan El Punt Avu, người mua giấu tên đến từ Barcelona đã tham gia vào cuộc đấu giá trên trang web Todocolección. Giá khởi điểm của bức tranh là 1 euro. Người đàn ông này đã thắng đấu giá với mức 928 euro (1.000 USD).
Chữ ký của Degas trên tác phẩm. |
Dù bức tranh có chữ ký "Degàs", người sở hữu cũ, đến từ Sabadell (Catalonia, Tây Ban Nha), không tin rằng đây là tác phẩm thật của danh họa Edgar Degas. Ông chỉ kèm theo một số giấy tờ chứng minh xuất xứ của bức tranh, cho thấy tác phẩm nghệ thuật được Joan Llonch Salas, một nhà sưu tập và cựu chủ tịch của Banco Sabadell, cũng là tổ tiên mình, mua vào năm 1940.
Tác phẩm nghệ thuật màu pastel theo trường phái Ấn tượng được vẽ trên bìa cứng, có kích thước 48,26 x 62,23 cm. Hiện, khi được coi như một tác phẩm thật của Degas, bức tranh có thể trị giá khoảng 7-8 triệu euro (khoảng 8 triệu USD). Một số chuyên gia khác ước tính mức giá lên tới 12 triệu euro (13 triệu USD), theo El Nacional.
Để tìm hiểu về nguồn gốc của tác phẩm, Schulman, tác giả danh mục lý luận trực tuyến về Degas, đã thực hiện nghiên cứu xác thực với sự giúp đỡ của hai nhà sử học nghệ thuật Judith Urbano và Alvaro Pascual, cùng nhà tư vấn Juan Arjona Rey của Consultores Rey.
Nói với tờ El Pais, Schulman cho biết nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng đó là một tác phẩm của Degas "sau khi phân tích kỹ lưỡng các sắc tố, nghiên cứu tỉ mỉ bằng tia X và ảnh chụp, cùng các kỹ thuật khác".
Cuộc phân tích được thực hiện tại Madrid vào tháng 7/2023, xác định tác phẩm này có niên đại vào cuối thế kỷ 19. Theo Schulman, việc kiểm tra chữ ký ở cuối bức tranh có phải nguyên bản hay được thêm vào sau này cũng là một điều rất quan trọng.
Một chiếc nhãn dán từ năm 1939 ở mặt sau bức hoạ, có dòng chữ “Được thu hồi từ kẻ thù” bằng tiếng Catalan. |
Schulman, người đã lập danh mục lưu trữ 1.750 tác phẩm của Degas, chia sẻ thêm về sự liên quan giữa Éloge du maquillage và Le client sérieux, một tác phẩm khác của danh họa này.
“Degas từng vẽ bức tranh này từ một khung cảnh, hoặc một nhân vật đã từng xuất hiện trong một tác phẩm khác trước đó”, Schulman giải thích.
Công cuộc xác thực của nhóm nghiên cứu còn được bổ sung bởi chi tiết những nhãn dán còn sót lại ở mặt sau. Đây là minh chứng cho thấy tác phẩm từng ở Tây Ban Nha, hồi còn thuộc quyền sở hữu của nghệ sĩ Julián Bastinos, người đã mua lại bức tranh này từ Degas với mức giá 3.000 franc ở Paris vào năm 1887. Giao dịch về việc mua bán bức tranh này được ghi lại trong bức thư Degas gửi cho ca sĩ opera Jean-Baptiste Faure, một người bạn của ông.
Vào những năm 1910, bức tranh này được Julián mang theo đến Cairo. Vết tích về thời gian lưu trú được dán nhãn ở mặt sau bức họa, cho thấy tác phẩm từng được đóng khung tại Ai Cập. Sau khi Julián qua đời vào năm 1918, bức tranh được Antonio J. Bastinos, anh trai nghệ sĩ, đưa trở lại Barcelona.
Năm 1934, tác phẩm nằm trong 150 tác phẩm thuộc bộ sưu tập của gia đình Bastinos bị chính quyền tịch thu. Chúng được cất giữ trong tu viện Pedralbes với mục đích bảo đảm an toàn khỏi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.
Tháng 1/1938, một nhãn dán của Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp được dán đằng sau bức hoạ với nội dung rằng “Được thu hồi từ kẻ thù”. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm được trả lại cho gia đình Bastinos vào năm 1940, và được bán với giá 3.000 đồng peseta cho Joan Llonch Salas vào ngày 13/9/1940.
Lần cuối cùng bức họa được trưng bày trước công chúng là vào năm 1952, tại phòng trưng bày Gaspar ở Barcelona, khi Joan Llonch Salas mang đến tham gia vào một cuộc triển lãm nhóm và được ghi lại bởi chiếc nhãn dán ở mặt sau tác phẩm.