Anh Páo Chứ, chủ quán một quán ăn, đang tất bật nấu nồi bún chuẩn bị cho buổi bán hàng vào sáng sớm.
"Sau khi các trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân (34 tuổi) và Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi) bị tiêu diệt hồi tháng 7/2018, cuộc sống ở Tà Dê đã nhiều đổi khác, nhưng vẫn còn ám ảnh về những gì mà trùm ma túy khét tiếng gây ra", anh Chứ chia sẻ.
Nhà anh cách nơi ở của 2 trùm ma túy khoảng 200 m. Gia đình có mảnh đất dùng để trồng cỏ đối diện cổng nhà Nguyễn Thanh Tuân. Những lần anh sang cắt cỏ cho trâu ăn, họ thường xuyên nổ súng chỉ thiên làm anh khiếp đảm.
Một góc bình yên tại bản Tà Dê, xã Lóng Luông. |
Anh Chứ nhớ lại, thời điểm chưa bị tiêu diệt, tại cổng nhà các nghi phạm luôn có 2 lính canh gác. Khi qua nhà họ, người dân bắt buộc phải đi thẳng, nếu dừng lại sẽ bị chặn xe và tra hỏi. Ban đêm, tuyệt nhiên họ không dám ra ngoài. Đêm ngủ, không ít lần, người dân nơi đây thảng thốt vì tiếng súng thị uy của họ.
Sau khi 2 trùm ma túy bị tiêu diệt, gia đình anh mới mở được quán phở này. Trước đó anh từng có ý định dùng mìn phá đá lấy mặt bằng nhưng được khuyên là tạm hoãn việc làm này lại.
“Cán bộ huyện thuyết phục tôi hãy hoãn việc nổ mìn phá đá bởi tiếng mìn lớn, kinh động đến họ”, anh kể.
Sau khi 2 trùm ma túy bị tiêu diệt, gia đình anh mới phá đá, xây dựng quán và đi vào kinh doanh. Trước đây anh Páo Chứ là người làm nông nghiệp, quán phở này hiện giúp anh nuôi cả gia đình.
Sào huyệt của Nguyễn Thanh Tuân nay được san phẳng làm sân bóng chuyền. |
“Chúng tôi được tự do hơn trong việc làm ăn, sinh sống”, anh niềm nở.
Tương tự, anh Sồng A Chống (34 tuổi) đang gánh những viên gạch xây sửa lại bờ rào của nhà để chào đón năm mới.
Không chỉ bị đe dọa về tinh thần, anh A Chống cũng khẳng định, trong một lần họ bắn súng thị uy đã để lại hậu quả. Lần đó, chúng bắn đạn xuyên qua ván trúng vào một người dân khiến người này bị thương.
Hồi sinh
Đến bản từ năm 2013, anh Giàng A Dê - Bí thư Tà Dê kể lại: “Tôi nhận nhiệm vụ với tâm trạng rất lo lắng. Ngày đầu tiên đi xe máy vào bản, tôi phải dừng chân trên đỉnh núi trước khi tiến vào. Tôi cởi mũ bảo hiểm ra để họ biết mình là người Mông và không nổ súng”.
Trước đây, sau giờ làm việc, anh Dê phải lập tức về nhà. Nếu xuất hiện trên đường vào ban đêm anh sẽ bị họ “hỏi thăm”.
“Sau giờ làm, muốn vào nhà dân để nói chuyện, vận động hay đơn giản đi sang nhà bạn uống cốc nước, chén rượu, chúng tôi cũng không thể”, anh khẳng định.
Anh cũng chia sẻ câu chuyện của một cán bộ khác, Bí thư xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Vị cán bộ này đến Tà Dê để thăm một người họ hàng. Sau khi ăn cơm, khoảng 10h đêm, người này ra về. Đến gần nhà 2 trùm ma túy, người này dừng xe để đi vệ sinh.
Thấy có người lạ, đàn em của Tuân và Thuận vác súng ra đe dọa, khống chế. Quá hoảng sợ, Bí thư xã Hang Kia phải gọi điện cho người họ hàng đến xác nhận mới được thả về.
Năm 2013, một đoàn của công an huyện gồm 3-4 người đi ôtô đến Tà Dê công tác.
Khi ôtô vào địa phận Tà Dê khoảng 1 km, đàn em của Tuân và Thuận xuất hiện với khẩu súng trên tay. Tên này nhằm thẳng ôtô xả súng lịa lịa. Quá hoảng sợ, đoàn cán bộ phải dừng lại, lao ra khỏi xe thoát thân.
Phát hiện nương ngô bên đường có một tảng đá lớn, tất cả nấp phía sau để tránh làn đạn. Sau khi xả súng, đàn em của Tuân và Thuận rút lui. Tuy nhiên khi các cán bộ lên xe tiếp tục đi thì họ nổ súng lên trời đe dọa. Cuối cùng, ôtô phải rút khỏi Tà Dê.
“Họ làm rơi 1 lốp xe sơ cua mà không dám dừng lại nhặt vì làn đạn xả không nương tay”, Bí thư Tà Dê nhớ lại.
Anh Dê khẳng định thời điểm đó, cán bộ, người lạ không thể tiếp cận mảnh đất này.
“Việc giao thương về kinh tế, văn hóa vì thế cũng bị ảnh hưởng. Những người bán hàng rong không dám vào bản, người dân địa phương bên cạnh cũng không dám chăn trâu, cắt cỏ nơi đây…”, anh nói.
Vào Tết cổ truyền, nhóm trên thường mạnh tay thuê người, dựng sân khấu biểu diễn cho người dân khắp nơi đổ về xem. Hết giờ biểu diễn, chúng vào các hộ ăn uống linh đình, gây mất trật tự nhưng chính quyền không thể can thiệp.
Thậm chí, khi cán bộ đi qua, những người còn nổ 15-20 phát súng chỉ thiên để “tiễn khách”.
Theo anh Dê, mảnh đất này đã thôi những tiếng súng, người dân đã an tâm hơn mỗi khi ra đường. Họ đang có những kế hoạch phát triển về kinh tế và văn hóa.
Anh nói: “Nhà Tuân đã bị san phẳng, cải tạo thành một sân vận động để người dân giao lưu văn hóa.
Sau khi kết thúc chuyên án, chúng tôi đã được đầu tư 200 triệu để giải phóng mặt bằng, phát triển kinh tế. Đồng thời người dân nơi đây cũng nhận được 6.000 cây bơ. Số bơ này đã được bộ đội, lực lượng dân quân hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc”.
Em nhỏ nô đùa trong những ngày nghỉ Tết. |
Đêm đến, ở Tà Dê không còn bao trùm sự sợ hãi như trước đây, người dân thoải mái ra đường mà không lo sợ bị ‘hỏi thăm’ bằng những làn đạn.
“Nhiều lúc tôi cũng tự thấy không quen với điều này, một thời gian dài chúng tôi không dám ra đường sau 9h, đi giao lưu cũng cố thật nhanh để về sớm.
Bây giờ, những cuộc vui, lễ lại được kéo dài hơn, mọi người an tâm hơn vì biết rằng, lực lượng chức năng đã truy quét những mối họa hiện hữu tại mảnh đất khét tiếng về ma túy này”, Bí thư Tà Dê trải lòng.
Tà Dê "lột xác" với một diện mạo mới, bình yên hơn, người dân yên tâm hơn. Những con đường nay không còn lạnh lẽo và tĩnh lặng, thay vào đó là tiếng trẻ con nô đùa tại sân bóng.