Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mức độ nguy hiểm của Marburg - virus gây bệnh truyền nhiễm chết người

Marburg là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 50% đến 88%).

Virus Marburg có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: Medpage Today.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ra công văn tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg.Bộ yêu cầu hành khách nhập cảnh từ các nước châu Phi có dịch Marburg phải giám sát y tế trong vòng 21 ngày, để ngăn nguy cơ căn bệnh truyền nhiễm chết người Marburg lây lan vào Việt Nam.

Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên của virus Marburg là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Virus có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người; từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/tử vong vì virus Marburg.

Các đợt bùng phát ngày càng nhiều

Virus Marburg được phát hiện đầu tiên ở châu Âu. Tờ The Conversation thông tin vào năm 1967, các nhân viên phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức), Belgrade (Nam Tư - nay là Serbia) đã nhiễm một mầm bệnh chưa biết trước đó sau khi xử lý những con khỉ bị nhiễm bệnh được nhập khẩu từ Uganda.

Sự bùng phát này đã dẫn đến việc phát hiện ra virus Marburg. Các bệnh nhân đều được chăm sóc đặc biệt, nhưng 7 trong số 32 người vẫn tử vong; tỷ lệ tử vong là 22%.

Sau đợt bùng phát vào năm 1967, virus Marburg tiếp tục được phát hiện ở Uganda, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo và Angola với tỷ lệ tử vong cao hơn (khoảng 86%).

The Conversation nhận định trong lịch sử, các đợt bùng phát bệnh Marburg đều diễn ra lẻ tẻ, tuy nhiên, tần suất của chúng đang gia tăng vào những năm gần đây.

Theo đó, năm 2022, virus Marburg đã bùng phát ở Ghana. Ngày 13/2 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận sự bùng phát của căn bệnh chết này ở Guinea Xích Đạo.

Tính đến ngày 13/3, Guinea Xích Đạo đã ghi nhận 11 trường hợp tử vong nghi do virus Marburg. WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đang hỗ trợ Guinea Xích Đạo ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.

Tờ The Conversation thông tin hầu hết đợt bùng phát virus Marburg đều xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, sự phân bố địa lý rộng lớn của loài dơi ăn quả chứa virus đang làm dấy lên lo ngại dịch bệnh Marburg trong tương lai - rằng dịch bệnh sẽ xảy ra ở những địa điểm mới và lan sang các khu vực đông dân cư hơn.

Benh do virus Marburg anh 1

Theo The Conversation, virus Marburg và virus Ebola có liên quan chặt chẽ, thuộc họ filovirus. Chúng đều gây bệnh nặng, tử vong cao ở người. Ảnh: Doctors Without Borders.

Tỷ lệ tử vong cao

Trong công văn tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg, Bộ Y tế Việt Nam thông tin thời gian ủ bệnh Marburg là 2-21 ngày. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ khởi phát các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu. Sau đó, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.

Bộ Y tế nhấn mạnh đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (từ 50% đến 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

Tờ The Conversation cho biết virus Marburg chỉ được phát hiện khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng. Virus Marburg lây lan qua cả thủ tục chôn cất truyền thống - khi gia đình và bạn bè tiếp xúc da kề da trực tiếp với những bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh này.

Hiện bệnh Marburg vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo tờ The Conversation, việc kiểm soát sự bùng phát của virus đang chủ yếu dựa vào việc truy dấu người tiếp xúc, xét nghiệm mẫu, theo dõi người tiếp xúc với bệnh nhân, cách ly và cố gắng hạn chế hoặc sửa đổi các hoạt động có nguy cơ cao như các hoạt động tang lễ truyền thống.

Phòng tránh bệnh Marburg

Để phòng tránh và kiểm soát bùng phát dịch bệnh Marburg, WHO cho biết các quốc gia phải sử dụng một loạt biện pháp can thiệp là quản lý ca bệnh, truy tìm người tiếp xúc, dịch vụ xét nghiệm tốt, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm.

Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm Marburg và các biện pháp bảo vệ cá nhân. Ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Marburg, người dân phải được thông tin đầy đủ về dịch bệnh và các biện pháp ngăn chặn ổ dịch cần thiết.

WHO khuyến cáo gia đình của bệnh nhân đã tử vong vì virus Marburg phải thực hiện việc chôn cất nhanh chóng, an toàn. Những người có thể tiếp xúc với bệnh nhân đã tử vong hoặc nhiễm Marburg phải theo dõi sức khỏe trong 21 ngày.

Bệnh nhân nhiễm virus Marburg cần cách ly và chăm sóc, duy trì vệ sinh tốt. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân phải áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm bổ sung để tránh tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân và các bề mặt, đồ vật bị nhiễm bẩn.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Sở Y tế các địa phương phải tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị bệnh Marburg và đặc biệt lưu ý công tác phòng chống nhiễm khuẩn.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.

Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.

Bệnh hen suyễn có chữa được không?

Con gái tôi vừa được chẩn đoán mắc hen suyễn. Xin hỏi bệnh này có chữa được không và cách điều trị như thế nào?

Minh Uyên

Bạn có thể quan tâm