Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mục xương vì ăn thịt lợn tiêm thuốc an thần

Một trại chăn nuôi đã tiêm thuốc an thần cho lợn để chúng "ngoan ngoãn" khi bị bơm nước tăng trọng lượng. Loại thuốc này sẽ tác động vào hệ thần kinh, thậm chí còn gây mục xương.

Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một trại chăn nuôi đang tiến hành tiêm thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort cho hàng trăm con lợn trước khi tiêu thụ.

Về loại thuốc này, trả lời Zing.vn, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Trưởng bộ món Hoá dược, ĐH Dược Hà Nội, cho biết thành phần chính của Prozil fort là acepromazine. Người dùng thực phẩm dư lượng acepromazine có thể gây ảnh hưởng ức chế thần kinh trung ương kéo dài dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra thuốc có thể gây tụt huyết áp, suy giảm hô hấp, suy tim nếu tiếp xúc lâu nhưng chưa có báo cáo nguy cơ gây ung thư.

PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khẳng định Prozil fort là loại thuốc có tác dụng an thần, giảm đau, chống co giật.

Chúng tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nên thường được dùng để giảm đau cho động vật khi khi đẻ, mổ, thiến hoạn, lấy mật gấu.... Đây  là loại thuốc dùng chữa bệnh cho động vật theo chỉ định của bác sĩ.

PGS Thịnh thông tin về tác hại của chất an thần được tiêm vào lợn trước khi xuất chuồng.

Theo PGS Thịnh, mục đích của việc làm này là để lợn nằm yên, sau đó tiến hành bơm nước tăng trọng lượng. Việc tiêm thuốc còn khiến lợn nằm yên, không giãy giụa, kêu la làm giảm trọng lượng. “Đây là hành vi gian lận thương mại trắng trợn”, PGS Thịnh khẳng định.

tiem thuoc an than cho lon anh 1

Những vỏ thuốc an thần được sử dụng bơm vào heo trước khi đem đi giết mổ - Ảnh: B.S/Tuổi trẻ

Prozil fort là chất cấm với con người

PGS Thịnh cho hay, việc tiêm thuốc an thần cho lợn chỉ được thực hiện trước ít nhất 10 ngày xuất chuồng. Hành vi tiêm trực tiếp thuốc an thần trước khi giết mổ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Prozil fort là chất cấm với con người, tồn dư của chúng sẽ tác động vào gan, ruột, thần kinh, tùy theo hàm lượng sẽ có mức độ nguy hại khác nhau. Trong đó, hậu quả lớn nhất là gây ức chế thần kinh của con người. Bên cạnh đó, chúng còn gây mục xương, giảm hồng cầu.

PGS Thịnh khẳng định việc làm này là tội ác bởi chỉ vì lợi nhuận một bộ phận nhỏ mà đầu độc số lượng lớn người tiêu dùng.

Đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Cường, chuyên khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng lượng thuốc chưa được lợn đào thải hết, khi người ăn phải loại thịt lợn này, dư lượng thuốc sẽ xâm nhập cơ thể, gây rối loạn tiêu hóa. Người liên tục ăn phải thịt lợn có thuốc an thần sẽ mắc các bệnh về thận, thần kinh...

Đặc biệt, trẻ em với hệ thần kinh còn non nớt, ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần sẽ chịu ảnh hướng rất lớn. Đó có thể là lý do dẫn tới rối loạn giấc ngủ, đần độn, quấy khóc ở trẻ nhỏ. Còn ở người lớn, chúng gây ra các hội chứng đãng trí, run tay chân, trầm uất và mất ngủ.

Đáng lo ngại, PGS Thịnh cho rằng, để nhận biết thịt lợn sạch và thịt dùng chất an thần là điều rất khó. "Thực tế, khi gặp các biến chứng, tác hại tức thời như say xẩm mặt mày, đãng trí,... người ta mới biết mình ăn phải thịt chứa chất độc", ông lo ngại.

Chiều tối 23/3, Phòng CSĐT Tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an tỉnh Bình Dương), phối hợp Chi cục Thú y Bình Dương, Công an thị xã Bến Cát kiểm tra trại nuôi nhốt heo của ông Trần Quốc Thái (33 tuổi, quê Bến Tre) tại khu phố An Hòa (phường Hòa Lợi).

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện sáu công nhân của cơ sở nuôi nhốt heo này đang tiêm thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort cho hàng chục con heo và dùng vòi bơm nước vào miệng heo. Trên 200 con heo đã được tiêm thuốc đang nằm ngủ li bì. Chủ cơ sở khai nhận mỗi ngày cơ sở này vận chuyển khoảng 300 con heo từ Bến Tre lên tập kết để bơm nước và tiêm thuốc an thần cho heo trước khi vận chuyển xuống lò mổ quận Bình Thạnh (TP HCM) để giết thịt và tiêu thụ.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm