Chị Lương Thị Oanh, 28 tuổi, công nhân công ty Huê Phong đã reo lên rằng: “28 năm trong cuộc đời, đây là lần đầu tiên con được gặp ngài Chủ tịch thực sự mà không phải nhìn trên truyền hình”.
Chủ tịch nước thăm hỏi ân cân gia đình các công nhân. |
Bộn bề lo lắng
Trong tiếng vỗ tay, reo mừng của công nhân công ty TNHH Huê Phong (Q.Gò Vấp) và nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bước tới trò chuyện ân cần, vui vẻ với từng công nhân.
Trước sự động viên, khích lệ của Chủ tịch nước, những niềm vui, nỗi buồn của mỗi công nhân đã được mạnh dạn bày tỏ cùng vị lãnh đạo của đất nước. Với công nhân nào, Chủ tịch nước cũng nhẹ nhàng hỏi: “Vì sao không về quê ăn Tết?”. Và, mỗi công nhân lại mang tới cho Chủ tịch nước một lý do đắng lòng.
Nam công nhân tên Tùng ở Khu chế xuất Tân Thuận tâm sự với Chủ tịch nước rằng anh rất buồn vì làm công nhân ở đây đã nhiều năm mà lương vẫn thấp, không tăng được bao nhiêu, chẳng dám về nhà.
Những thông tin về bảo mẫu, giáo viên mầm non hành hạ trẻ em cũng khiến anh, chị, em công nhân đứng ngồi không yên mỗi ngày đến xưởng.
Công nhân khu chế xuất Tân Thuận tặng Chủ tịch nước bức thư pháp tự viết. |
Trong buổi gặp mặt Chủ tịch nước, nhiều công nhân đã mang theo cả những đứa con nhỏ bé như để minh chứng nỗi bất an của chính mình. “Tôi không biết con mình có được ăn no không, có bị dọa, bị đánh hay bị làm hại gì về mặt tinh thần hay không. Mỗi ngày chỉ biết sáng mang con đến chiều lại đón con về. Khi đưa con đến lớp gửi trẻ rồi đến nhà máy tôi đều không yên tâm”, anh Tùng chia sẻ.
Điều khiến Chủ tịch nước khá bất ngờ là dù khu ký túc xá dành cho công nhân của công ty Huê Phong và Khu chế xuất Tân Thuận khá mới mẻ, khang trang nhưng nhiều công nhân nữ vẫn muốn ra ngoài thuê nhà sống. Họ đã thẳng thắn kiến nghị chủ tịch nước bình ổn giá cả thị trường từ giá lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng đến giá điện nước sinh hoạt.
"Kẻ vô lương tâm ít thôi"
Lo lắng thật nhiều, nhưng khi được Chủ tịch nước hỏi về những kiến nghị, ước mơ thì các công nhân lại rất dè dặt. Những công nhân trẻ ở công ty Huê Phong chỉ mong sao bữa cơm hàng ngày được tăng khẩu phần, chất lượng hơn nữa để có sức lao động.
“Với mỗi nỗi niềm, từng lo lắng, cả những ước mơ nhỏ nhất, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều chăm chú lắng nghe và tự tay ghi chép lại cẩn thận. Sau đó, Chủ tịch dặn dò những cán bộ lãnh đạo TP.HCM trong đoàn đi cùng phải giải quyết triệt để và khắc phục tối đa khả năng có thể.
Chủ tịch nước cho rằng: “Đối với chuyện gửi trẻ, lo lắng là đúng. Gần đây có chuyện một số bảo mẫu đánh đập, ép trẻ quá tàn nhẫn. Nhưng anh, chị, em cứ yên tâm, ở đời những kẻ vô lương tâm ít thôi, những người có lương tâm vẫn nhiều hơn. Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố phải quan tâm đến sự lo lắng của các anh chị em. Nhân đây, chị Hà Phó Bí thư Thành Ủy cũng phải đề nghị Sở Giáo dục thành phố siết chặt lại, chỉ đạo quận huyện khi cấp giấy phép hoạt động cho các nhà trẻ phải xem xét đạo đức bảo mẫu kỹ càng”.
Kết thúc buổi trò chuyện, Chủ tịch nước chúc anh em công nhân có công việc tốt, thu nhập ổn định thường xuyên nâng cao tay nghề để đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Cũng trong sáng mùng 1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cùng đoàn cán bộ TP đã đến chúc tết, động viên và tặng quà cho các kĩ sư, công nhân đang trực tiếp lao động trên ba công trình trọng điểm: cầu Lê Văn Sỹ (Q.3), cầu Bông (Q.Bình Thạnh), cầu Hậu Giang (Q. 6).
Bí thư Lê Thanh Hải kêu gọi anh em công nhân cố gắng làm việc để công trình sớm được hoàn tất, đưa vào phục vụ người dân. Ba cây cầu trên đều được triển khi thi công theo dự án xây mới lại 4 cầu nội đô TP.HCM.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, cả ba công trình này dự kiến sẽ đồng thi công và hoàn thành vào trước tháng 9-2014. Để đảm bảo việc lưu thông của người dân, 250 kỹ sư, công nhân đã lao động liên tục, không nghỉ Tết.