Lớp học “chờ” ở xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng. |
Nói đến xã Sơn Lập, người dân Cao Bằng ai cũng biết đó là xã đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh, cách đây hơn một tháng, muốn đến Sơn Lập phải đi bộ hơn 3h đồng hồ. Còn đến thời điểm này, ngoài con đường khoảng 20km đến trung tâm xã đang mở thì tất cả đều vẫn là con số “ không”.
Không điện lưới, không trường học, không trạm y tế, không sóng điện thoại, không có chợ, không có nước sạch sinh hoạt… Ông Hoàng Ngọc Phát, Bí thư đảng ủy xã chia sẻ rằng, Sơn Lập là xã chưa có nổi một viên gạch xây.
Được thành lập từ năm 2008, nhưng đến nay, cán bộ, nhân viên UBND xã vẫn ở nhà tạm; trạm y tế cũng tạm. Trường học thì “tạm đến mức, cứ hễ có gió to là giáo viên phải dồn học sinh vào một lớp được gọi là chắc chắn nhất, để đảm bảo an toàn cho các em, hoặc những ngày đông giá rét, gió thốc tứ phía, học sinh cũng tự động “nghỉ rét”.
Ngôi trường PTCS cũng được thành lập từ đó. Trường có một điểm trường chính và 4 điểm trường phụ, với 485 học sinh từ bậc mầm non, tiểu học đến cấp 2.
Do là nhà tạm, nên nột năm học có đến vài lần nhà trường phải vận động phụ huynh vác cây que đến để sửa chữa. Ban đầu thì lợp tôn xi măng, còn nay đến cả bạt phủ mái cũng rách bươm.
Phòng học tạm của trường PTCS xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. |
Ở đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 70%, học sinh dân tộc Mông, Dao chiếm trên 98%. Từ năm 2008, xã Sơn Lập được thành lập, tách từ xã Sơn Lộ. Sau 6 năm, trường lớp vẫn tạm.
Lớp học đã vậy, còn bàn ghế học sinh cũng là những cọc tre, mảnh ván ghép lại cho các em ngồi.
Bàn, ghế của học sinh xã Sơn Lập. |
Thầy Hoàng Văn Dỉa Phó hiệu trưởng trường PTCS Sơn Lập, xót xa thương học sinh. Thầy nói:“Vào mùa đông bọn trẻ không đủ quần áo để mặc, đến lớp chúng rét tím tái, nhiều khi thầy, cô phải đốt củi cho học sinh sưởi rồi mới vào lớp”.
Thầy cũng cho biết, do địa hình là núi đá, nhiều học sinh nhà ở xa trường, phải đi học từ 4h sáng nên kể cả các em bé vẫn cứ phải nắm cơm đi học, mà các em cũng chỉ ăn duy nhất nắm cơm trắng, nguội lạnh, chứ không có thêm một thứ thức ăn nào khác.
Bữa trưa của một số học sinh trường PTCS Sơn Lập, Bảo Lạc, Cao Bằng. |
Ở đây, như tách khỏi thế giới bên ngoài. Chỉ cách đây hơn một tháng, khi chưa thông tuyến con đường đến trung tâm xã, người dân muốn xuống núi mua cân muối, chai dầu hỏa để thắp sáng, thời gian cả đi và về mất một ngày trời.
Chính vì vậy, những năm trước chưa tách xã, học sinh xã Sơn Lập, phần lớn chỉ học đến cấp I. Bây giờ có trường ở xã nên các em cố gắng học đến cấp II, số học cấp III thì vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Một lý do đơn giản, vẫn là đường xa, đi lại khó khăn.
Em Phùng Văn Páo, dân tộc Dao, học sinh lớp 9, và một số bạn, nếu đi vượt núi đến trường mất hơn 2 giờ. Em được cha mẹ dựng cho túp lều tạm ở gần trường để tiện đi học. Hằng tuần gia đình lại “tiếp tế” cho ít gạo, nắm rau rừng. Con về đêm thì em phải dùng đèn pin soi để học bài. Cứ thế suốt mấy năm học.
Em Phùng Văn Páo, trước túp lều ở gần trường học. |
Lều của em Phùng Văn Páo. |
Páo soi đèn pin học bài. |
Và thầy cô giáo cũng ở một dãy nhà công vụ cũng không khác gì lớp học. Một gian nhà tạm hơn chục mét vuông phải ở ghép 2 đến 3 giáo viên, chỗ ngồi làm việc cũng không có. Bên cạnh đó điều kiện giảng dạy cũng thiếu, hầu như chưa có thiết bị giảng dạy, tất cả đều vẫn “dạy chay”.
Sau sáu năm trường PTCS Sơn Lập được thành lập, ngôi trường trên rẻo cao xa xôi ấy vẫn chờ đợi sự đầu tư. Ở một xã tất cả đều vẫn là con số không” thì cán bộ xã, giáo viên, học sinh và bà con nhân dân đang mong đợi nhiều thứ đầu tư từ nhà nước, để xóa đi khoảng cách “biệt lập” như hiện nay.
Nhưng trước mắt, thầy phó hiệu trưởng nhà trường Hoàng Văn Dỉa và em Phùng Văn Páo, chỉ có một ước mơ, có được một ngôi trường mới khang trang hơn.