Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mungiki: Băng đảng khét tiếng ‘ngoài vòng pháp luật’ ở châu Phi

Mungiki là băng đảng lớn nhất Kenya, phía đông châu Phi. Nó xuất thân từ Kikuyu, giáo phái trung thành với đức tin của bộ lạc truyền thống và phủ nhận mọi giá trị phương Tây.

Mungiki có nghĩa là “đám đông”. Băng nhóm đã chiêu mộ lên đến hàng trăm ngàn và có thể là hàng triệu thành viên. Họ chủ yếu là thanh thiếu niên thất nghiệp và những người đến từ một số bộ lạc bị xóa tên, sau các cuộc đụng độ sắc tộc vào những năm 90.

Mungiki được cho là một trong những băng đảng nguy hiểm nhất trên thế giới, đội quân thanh niên hiếu chiến đe dọa an ninh Kenya với thủ đoạn tống tiền và những hình phạt khủng khiếp.

Bang dang khet tieng chau Phi anh 1

Mungiki là nỗi khiếp sợ của người dân Kenya. Ảnh: Reuters.

Hoạt động liều lĩnh như các mafia Italy

Cảnh sát gọi Mungiki là băng đảng xã hội đen “phiên bản Kenya” chuyên giết người, cướp giật, thu phí bảo kê của người nghèo và cung cấp điện, nước trái phép với giá độc quyền.

Ban đầu, Mungiki ủng hộ hành vi cắt bộ phận sinh dục của phụ nữ và hút thuốc lá. Sau đó, họ đã thông qua các nghi thức như tuyên thề, kết tóc thành lọn dài giống như những người Mau Mau, nhóm người nổi dậy chống thực dân Anh, trước khi giành được độc lập năm 1963.

Chuyên gia an ninh cho biết các thành viên gia nhập băng đảng phải tuyên thệ giữ bí mật, không khác gì các mafia Italy và rời khỏi băng đảng chỉ bằng cách duy nhất là chết. Bất kỳ sự phản bội nào cũng phải trả giá bằng hình phạt tương tự.

Những người “đào ngũ” nói rằng băng đảng hoạt động trên kỷ luật nghiêm ngặt và không chấp nhận bất đồng ý kiến. “Nếu một thành viên không tuân lệnh, họ sẽ bị chặt đầu rồi treo ở nơi để tất cả mọi người có thể nhìn thấy”, một cựu thành viên khẳng định tại Toà án Hình sự Quốc tế.

Băng đảng "ngoài vòng pháp luật"

Năm 2002, chính phủ Kenya đã ra lệnh đàn áp hoạt động của Mungiki sau vụ thảm sát kinh hoàng đoạt mạng hơn 20 người trong một cuộc đụng độ với băng đảng đối thủ trong khu ổ chuột Mathare, một thành trì của Mungiki ở Nairobi, thủ đô của Kenya.

Băng đảng được cho là đứng đằng sau vụ chém đầu đẫm máu vào tháng 6/2007. Họ treo đầu của 8 người trên các cột và đặt các bộ phận cơ thể rải rác trong bụi cây quanh tỉnh miền trung và gần thủ đô nước này. Cảnh sát Kenya đã vào cuộc và bắt giữ khoảng 500 thanh niên với nỗ lực xóa sổ Mungiki vào cùng năm đó.

Vào giai đoạn từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, 6 người Kenya phải đối mặt với cáo buộc tại Tòa án Hình sự Quốc tế, liên quan đến xung đột sắc tộc đưa Kenya đến bờ vực của cuộc nội chiến. Các thủ tục tố tụng tại thành phố công lý The Hague, Hà Lan đã đưa hoạt động bí mật của Mungiki ra ánh sáng. Băng đảng được cho là có liên kết với chính phủ trong cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Bang dang khet tieng chau Phi anh 2

Thành viên Mungiki chuyển xác của đồng đội trong khu ổ chuột Mathare ở Nairobi. Ảnh: Reuters.

Được con trai của tổng thống chống lưng

Truyền thông nước này thường gọi Mungiki là “băng đảng ngoài vòng pháp luật” bởi bọn chúng được chống lưng bởi các chính trị gia cùng các gia đình quyền lực Kikuyu và thậm chí là cảnh sát.

Các công tố viên cho rằng nhân vật nổi tiếng ở Kenya là Uhuru Kenyatta chỉ đạo băng đảng Mungiki thực hiện cuộc tấn cuộc tấn công ở thung lũng Rift, chống lại các thành viên của băng đảng sắc tộc. Điều đáng nói là Kenyatta chính là con trai của tổng thống đầu tiên và hiện là tổng thống thứ 4 của Kenya.

Công tố viên Adesola Adeboyejo nói ở The Hague rằng “Kenyatta đã có quan hệ gần gũi với Mungiki nhiều năm”. Các công tố viên không công khai tên của nhân chứng để đảm bảo an toàn. Họ tiết lộ những thành viên Mungiki cáo buộc Kenyatta đã tuyên thệ nhậm chức thành viên của băng đảng.

Họ cho biết, từ tháng 12/ 2007, Kenyatta đã gặp mặt thành viên Mungiki nhiều lần, thậm chí ngay tại Phòng họp nghị viện hay "Nhà Trắng" của Kenya để lên kế hoạch tấn công tại các thị trấn ở khu vực thung lũng Rift.

 Tại cuộc họp, Kenyatta đã phân phát khoảng 36.000 USD cho những người giúp ông thực hiện vụ tấn công. Ngoài ra, Francis Muthaura, chủ nhiệm Cơ quan công vụ cũng phối hợp cùng Kenyatta trong vụ việc này đã yêu cầu cảnh sát không can thiệp.

Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, Moreno-Ocampo nói rằng Kenyatta là “mối liên hệ duy nhất” giữa Mungiki và liên minh cầm quyền Kenya. “Những bằng chứng chúng tôi có cho thấy ông có liên kết với Mungiki. Tuy nhiên, ông vẫn có thể biện hộ và đưa ra bằng chứng để chứng minh mình trong sạch”, Moreno Ocampo nhận định.

Bang dang khet tieng chau Phi anh 3

Khi chưa nhậm chức, ông Kenyatta từng bị cáo buộc là chống lưng cho băng đảng Mungiki. Ảnh: CNN.

 

Tuy nhiên, Kenyatta khi xuất hiện trước hội đồng sơ thẩm, phủ nhận việc mình có liên kết với băng đảng.  Kenyatta khẳng định việc ông đã phân phát hàng nghìn USD tại Nhà Trắng Kenya cho thành viên Mungiki là chuyện “hoàn toàn nực cười”. Mặc dù Mungiki đã hỗ trợ kế hoạch vào ghế tổng thống của ông năm 2002, ông không đòi hỏi sự ủng hộ đó và đã nhiều lần tố cáo hoạt động của băng đảng.

Năm 2009, Maina Njenga, trùm băng đảng Mungiki bị giam vì tội giết người, nhưng được thả ra sau khi ông đe doạ sẽ tiết lộ một bản khế ước liên quan đến mối liên hệ giữa chính phủ và băng đảng của mình.

Stephen Mwangi, 36 tuổi, sống tại khu ổ chuột ở Mathare, Nairobi, tự nhận là một cựu thành viên của băng đảng. Mwangi cho biết sau cuộc đàn áp của chính phủ, băng đảng phần lớn đã biến mất khỏi Mathare. Hiện, anh ta bán củi để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình.

Los Zetas: Băng đảng tội phạm khét tiếng trên thế giới

Có vũ khí tối tân và chuyên môn quân sự, Los Zetas được coi là băng đảng khét tiếng thế giới khi gây ra các vụ giết người, bắt cóc và hỗn loạn ở Mexico.




Lan Phương

Bạn có thể quan tâm