Hàng chục năm qua, báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực để viết về cái gọi là “tinh thần Đức” trong bóng đá. Đó là quyết tâm chiến đấu, không đầu hàng trước mọi khó khăn và thử thách cho đến tận phút cuối cùng. Đã lâu lắm rồi các cổ động viên trung thành của “Die Mannschaft” không được trải nghiệm lại cảm xúc tuyệt vọng đến nghẹt thở để rồi vỡ òa như vậy.
Và khoảnh khắc đặc biệt đó đã đến vào phút thứ 94 trong trận Đức - Thụy Điển rạng sáng 24/6 tại World Cup 2018. Khi đó, nhà đương kim vô địch thế giới đã trượt tới sát bờ vực của sự sụp đổ và tuyệt vọng.
Boateng lĩnh thẻ đỏ, cánh cổng địa ngục đen ngòm đã mở rất rộng để sẵn sàng nuốt chửng thầy trò HLV Joachim Loew. Nhưng cú sút tuyệt vời của Toni Kroos đã cứu thoát “Cỗ xe tăng” nặng nề, trật bánh.
Với các cổ động viên trung lập, kết quả này có lẽ là hơi bất công đối với Thụy Điển. Đội bóng Bắc Âu xứng đáng được hưởng một quả phạt đền trong hiệp một và lẽ ra có thể dẫn trước Đức 2-0 nếu tận dụng tốt hơn những cơ hội họ có. Chỉ cần thêm một lần đánh bại Manuel Neuer, Thụy Điển sẽ chôn vùi mọi hi vọng của nhà đương kim vô địch.
Ông Loew vẫn chưa rút ra bài học Mexico
Nhưng thực tế Thụy Điển không thể so sánh được với Mexico, đội bóng đã đánh bại Đức ở lượt trận trước đó. Họ không có được tốc độ, sự khéo léo và cả chất khôn ngoan của các cầu thủ Bắc Mỹ. Thụy Điển chỉ có thể dựng xe buýt hai tầng trước khung thành thủ môn Robin Olsen và chờ đợi những cơ hội từ trên trời rơi xuống.
Ông Joachim Loew tiếp tục lựa chọn sai chiến thuật, nhưng được cứu trong gang tấc. |
Bàn thắng của đội bóng Bắc Âu đến từ một cơ hội như thế, khi Kroos, người nổi tiếng là chuyền bóng cực kỳ chuẩn xác, lại trao quả bóng như một món quà tặng cho đối phương, rồi lại lùi về phòng ngự hết sức hời hợt.
“Die Mannschaft” bị dồn vào chân tường không chỉ vì sai lầm của Kroos. Sau trận thua Mexico, HLV Loew vẫn chưa rút ra được nhiều bài học cần thiết. Ông đẩy Mesut Oezil và Sami Khedira lên ghế dự bị, nhưng về cơ bản lối chơi của Đức vẫn vậy, ban bật quá rườm rà, thiếu hẳn tốc độ và sự đột biến.
Julian Draxler không tạo ra bất cứ điều gì đặc biệt (điều đã được cảnh báo từ trước), Timo Werner nhỏ bé mất hút giữa rừng cầu thủ Thụy Điển cao to (chuyện ai cũng đoán được), Thomas Mueller không có cơ hội tiếp cận khung thành thủ môn Robin Olsen (vấn đề quá dễ hiểu).
Ông Loew cũng khiến các fan Đức lâu năm phải cảm thấy khó hiểu khi đưa Ilkay Guendogan vào sân thay cho Sebastian Rudy bị chấn thương. Tiền vệ CLB Manchester City chỉ giỏi hỗ trợ tấn công chứ phòng ngự khá kém. Trong khi đó, một Leon Goretzka mạnh mẽ và cơ động tiếp tục bị đày ải trên băng ghế dự bị.
Vì thế, sau khoảng 25 phút đầu bị dồn ép, Thụy Điển đã trở nên quen thuộc với lối đá đó và bắt đầu dễ dàng bẻ gãy những đợt tấn công của Đức. Sau khi Ola Toivonen ghi bàn mở tỷ số, các cầu thủ áo trắng trở nên bất lực trước bức tường màu vàng.
Có lẽ tất cả cổ động viên Đức đang theo dõi trận đấu từ khán đài hay qua màn ảnh tivi đều có chung cảm giác bất lực và tuyệt vọng như thế.
Việc Timmo Werner chuyển sang cánh trái, tận dụng tốc độ và kỹ thuật để đột phá là chìa khóa đem lại chiến thắng cho Đức. |
Điều chỉnh chiến thuật quan trọng
Rất may cho Đức là ông Loew đã có một điều chỉnh chiến thuật quan trọng ngay đầu hiệp hai. Đó là rút Draxler, đưa Mario Gomez vào đá vị trí trung phong và đẩy Werner sang chơi như một tiền vệ cánh trái. Ngay lập tức, sức mạnh tấn công của Đức được cải thiện rõ rệt. Những pha đi bóng tốc độ của Werner phá nát cánh phải của Thụy Điển.
Từ một cú tăng tốc của Werner, Marco Reus đã ghi bàn gỡ hòa cho Đức. Và cũng chính Werner là người buộc hậu vệ Thụy Điển phải phạm lỗi ở khu vực nguy hiểm, tạo cơ hội cho Kroos sút phạt phá lưới thủ thành Olsen, đem về cho Đức trọn vẹn 3 điểm và cả cơ hội lọt vào vòng knock-out.
Kể từ Euro 2016, nhiều chuyên gia bóng đá Đức đã cảnh báo về lối chơi sao chép phong cách tiki-taka thiếu hiệu quả mà ông Loew áp dụng. Với mô hình này, ông Loew đòi hỏi các tiền vệ công di chuyển linh hoạt nhưng ít khi bám cánh mà để nhiệm vụ đó cho các hậu vệ biên Joshua Kimmich và Johas Hector.
Lối đá này triệt tiêu yếu tố tốc độ trong các pha tấn công của Đức. Mà tốc độ không có thì lấy đâu ra sự đột biến. Vì bám vào mô hình đó mà ông Loew loại bỏ Leroy Sane, một tiền vệ có tốc độ và kỹ thuật tuyệt vời, đã bừng sáng trong màu áo Manchester City suốt mùa giải vừa qua.
Nếu muốn đi sâu, Đức cần phát huy lối đá tốc độ tốt với những cầu thủ như Marco Reus, Timmo Werner và Julian Brandt. |
Cũng vì lý do đó mà trận đầu tiên, ông xếp Oezil, Muller và Draxler đá chính, thay vì những cầu thủ có tốc độ cao như Reus hay Julian Brandt. Việc Loew đẩy Werner ra cánh để tận dụng tốc độ của anh cho thấy HLV tuyển Đức đã nhận ra sai lầm khó có thể tha thứ của mình.
Hãy thử tưởng tượng Sane được đưa đến World Cup và chơi đúng theo sở trường của anh ở Manchester City xem. Chắc chắn anh còn hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với một tiền đạo săn bàn bị buộc phải trở thành tiền vệ cánh như Werner.
Đức thoát chết ở phút cuối cùng vì ông Loew nhận ra sai lầm và có động thái sửa sai cần thiết. Nhưng thử thách trước mắt “Cỗ xe tăng” còn rất lớn. Trước hết họ phải ghi càng nhiều bàn thắng vào lưới Hàn Quốc càng tốt, bởi cục diện bảng F hoàn toàn có thể chốt lại theo hướng cả Mexico, Thụy Điển và Đức đều có trong tay 6 điểm.
Ông Loew cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa bằng việc loại bỏ hẳn Draxler, thậm chí cả Muller ra khỏi đội hình chính, để Reus, Werner và cả Brandt có cơ hội càn quét hai bên hành lang đội tuyển Đức.
Bởi một đội Đức tốc độ và đột biến mới có thể tiếp tục giành chiến thắng, chứ không phải là một đội Đức chạy theo phong cách tiki-taka nửa mùa và lỗi thời. Đến Pep Guardiola cũng đã từ bỏ thứ bóng đá đó rồi mà.