43 năm, đó là thời gian cụ Trần Văn Thêm (82 tuổi, trú Yên Phong, Bắc Ninh) cùng con cháu gửi đơn khắp nơi để kêu oan cho cụ. Đến nay, sau gần nửa thế kỷ mang thân phận tử tù, cụ Thêm đã được xin lỗi, minh oan. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua mà TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn chưa bồi thường oan cho cụ.
Tháng 8/2017, tròn một năm ngày cụ được TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai, phóng viên tìm về căn nhà nhỏ nơi cụ đang sinh sống cùng con cháu. Không giống những lần gặp trước, cụ yếu đi rất nhiều. Cụ không thể ra tận sân đón khách như những lần trước đó mà chỉ có thể ngồi bệt trên chiếc giường cũ kỹ với sự giúp đỡ của con cháu.
Cụ Trần Văn Thêm hiện rất yếu nên mong được sớm bồi thường oan . |
Bà Trần Thị Xuân, con gái lớn của cụ Thêm, cho biết nửa năm trở lại đây sức khỏe cụ xuống đi rõ rệt. Người thân thường xuyên phải đưa cụ vào bệnh viện thăm khám. Đặc biệt, hai chân cụ trở nên đau nhức, không thể đi lại được mỗi khi trái gió trở trời.
Nói rồi, cụ vội bảo đứa cháu bên cạnh dìu xuống góc giường, tựa vào tường vì không thể ngồi lâu. Cụ nghỉ một hồi lấy sức rồi nói: “Tôi chỉ mong Nhà nước sớm xem xét bồi thường. Chúng tôi là nông dân, không rành rẽ pháp luật, không biết phải làm sao cả, chỉ biết ngồi chờ thôi”.
Đòi bồi thường 6 tỷ đồng nhưng…
Ông Nguyễn Văn Hòa (Công ty Luật Hòa Lợi, Hà Nội, người nhận ủy quyền đại diện pháp lý cho cụ Trần Văn Thêm) cho hay đã gửi đơn đến TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu bồi thường hơn 8 tỷ đồng. Phía tòa đã mời ông đến làm việc, lần gần đây nhất, số tiền bên cụ Thêm đưa ra là hơn 6 tỷ đồng. Sau đó tòa yêu cầu thương lượng lại nhưng đến nay chưa có thông tin gì mới.
Phóng viên đã liên hệ với TAND Cấp cao tại Hà Nội để tìm hiểu quá trình thương lượng bồi thường ách tắc chỗ nào nhưng chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo tòa này.
Bà kể ngày cụ Thêm bị bắt, bà mới 12 tuổi, một mình mẹ bà chăm sáu đứa con. Tai tiếng có một người chồng, người cha giết người khiến gia đình bà phải cúi mặt mà sống. “Miệng đời gièm pha, làng xóm dè bỉu, chẳng từ nào nói hết nỗi ô nhục đó. Mỗi khi đi qua đám đông, tôi phải lấy chiếc nón chụp kín mặt, chân rảo bước thật nhanh, chỉ mong họ không nhìn thấy mình. Gần 50 năm gia đình tôi phải sống như vậy!”, bà Xuân sụt sùi.
Bà Xuân lo lắng những gì mà người cha phải chịu đựng bao nhiêu năm đến lúc nhắm mắt không nhận được tiền bồi thường. “Ngày nào có người vào nhà, cha tôi cũng gắng bảo cháu đỡ dậy xem có phải người ta đến để thông tin về tiền bồi thường không nhưng ngày tháng cứ trôi qua trong tuyệt vọng... Ông ấy chỉ muốn hành trình đòi công lý bao nhiêu năm của mình được trọn vẹn khi về với đất...”, bà Xuân nói.
Tiễn chúng tôi, cụ Thêm đòi được dìu ra cổng bằng được. Nắm chặt tay khách, cụ bảo: "Tôi không còn sức để đi kêu oan như 43 năm trước, giờ chỉ trông chờ vào các anh, vào Nhà nước thôi".
43 năm mang án tử
Đêm 23/6/1970, cụ Thêm cùng em họ là ông Văn đi mua hàng, về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phú thì trời tối nên vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1h sáng, khi đang ngủ thì cụ Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu mình. Cùng lúc, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu ông Văn.
Nghe tiếng kêu cứu, người dân đưa anh em cụ Thêm vào bệnh viện cấp cứu nhưng ông Văn đã chết. Cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người, tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.
Đầu năm 1976, cụ Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Thời điểm này, cụ đã bị giam năm năm sáu tháng bảy ngày. Ra ngoài, cụ đi kêu oan nhiều năm, gửi đơn đến các cấp nhưng các cơ quan trả lời là không có đủ căn cứ xác định oan do không tìm thấy giấy tờ.
Ngày 11/8/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai đối với cụ. Tại đây, đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ Thêm.