Bác sĩ trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhiều ngày qua, phụ huynh ở TP.HCM và một số địa phương khác nhận được hàng loạt cuộc điện thoại từ người lạ tự xưng "giáo viên" và thông báo con họ đang nhập viện. Không ít người vì lo lắng cho con đã trở thành nạn nhân của trò lừa này.
Đây không phải lần đầu các bệnh viện bị đưa ra làm "bia đỡ đạn" cho các chiêu trò trục lợi.
Muôn kiểu lừa đảo mượn danh bệnh viện
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến nay, khoảng 15 người là phụ huynh có con em đang theo học tại các trường trên địa bàn TP.HCM đến bệnh viện này tìm con.
Tất cả đều rơi vào kịch bản là nhận cuộc gọi từ người tự xưng là giáo viên, thông báo con bị tai nạn chấn thương sọ não, cần tiền gấp để phẫu thuật.
Trao đổi với Zing, thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ từ trước đến nay, một số vụ lợi dụng danh nghĩa bệnh viện, cứu người để trục lợi đã xảy ra. Tuy nhiên, đây là vụ việc có quy mô lớn và tính chất phức tạp nhất bởi kịch bản này đánh vào tình thương của cha mẹ.
Ông Hiển chia sẻ một thủ đoạn khác là đối tượng giả làm thân nhân nuôi bệnh để vào bệnh viện xin tiền giúp đỡ. Tình huống khác là trường hợp có người thân nằm viện nhưng làm quá tình trạng bệnh để xin tiền hỗ trợ.
Một tình huống khác là lấy hoàn cảnh bi thương của bệnh nhân khác (đã xuất viện) đưa lên mạng xã hội, sau đó kêu gọi nhà hảo tâm đóng góp và gửi tiền vào số tài khoản.
Nhiều thủ đoạn mượn danh bệnh viện, cứu giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn để xin tiền. Ảnh minh họa: Pixabay. |
“Mỗi một giai đoạn có sự biến đổi khác nhau chủ yếu đánh vào lòng thương người của các cô các bác. Rất nhiều trường hợp mượn tên Bệnh viện Chợ Rẫy với công việc hỗ trợ bệnh nhân nghèo để trục lợi”, ông Hiển bức xúc.
Năm 2022, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) phát cảnh báo về những thông tin giả kêu gọi đóng góp từ thiện cho một bệnh nhi không có thật được cho là đang điều trị tại bệnh viện.
Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 2, đã xác minh và cho biết bệnh viện không hề tiếp nhận bệnh nhi nào như nội dung nêu trên. Đây tiếp tục là các chiêu trò giả mạo để lợi dụng lòng tốt của mọi người, chiếm đoạt tiền từ thiện.
Năm 2019, một Fanpage giả mạo có tên "Phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng I" đã được lập ra với mục đích kêu gọi góp tiền cho những bệnh nhi nghèo.
Để đánh vào lòng thương của mọi người, trang này đã đăng những hình ảnh các trẻ em bị bệnh rất thương tâm, hình ảnh dị tật không che mờ, thường không bao giờ được phép xuất hiện trên các trang báo chí chính thống.
Điều đáng nói là dù lấy danh nghĩa phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, trang này lại đi xin tiền ủng hộ cho các bệnh nhi ở đơn vị khác, trong đó có cả Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định), Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trò lừa nhẫn tâm đánh vào tâm lý cha mẹ
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Chủ tịch Hội nội soi và thay khớp Việt Nam, chia sẻ những trò lừa đảo này mặc dù nhiều kẽ hở, nhiều người vẫn rơi vào bẫy do chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của cha mẹ khi biết con phải phẫu thuật.
Tuy nhiên, các phụ huynh cần chú ý một cuộc mổ được chia ra làm 4 loại theo tính cấp thiết, gồm:
- Cấp cứu khẩn cấp: Đa số rơi vào các ca vỡ tim, thủng tim, vỡ mạch máu lớn, tắc mạch não, tim. Loại này phải mổ khẩn, bệnh viện thường sẽ quyết định ngay. Nếu có người nhà, bệnh viện sẽ vừa giải thích vừa chuẩn bị mổ. Nếu không có người nhà, bệnh viện sẽ ra quyết định thay để ưu tiên cứu bệnh nhân.
- Mổ cấp cứu: Cũng cần mổ ngay nhưng vẫn có thời gian để chuẩn bị, giải thích người nhà, ký cam kết và chờ đi mổ.
- Mổ bán cấp: Nghĩa là không cấp cứu lắm nên mổ trong ngày vẫn được.
- Mổ chương trình: Là cuộc mổ được hẹn trước, có sự chuẩn bị đầy đủ, có thể trì hoãn được.
Bệnh nhân được đưa vào khoa cấp cứu của các bệnh viện sẽ được tiếp cận và phẫu thuật (nếu có) theo quy trình, kể cả tình huống không có người giám hộ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bác sĩ Nam Anh nhấn mạnh: Nếu cần mổ khẩn, bệnh viện sẽ gọi, giải thích người nhà về tính cấp thiết, đa số vẫn có thời gian để người nhà vào bệnh viện gặp bác sĩ.
Bác sĩ cũng không bao giờ bắt người nhà đóng tiền nếu chưa giải thích về vấn đề điều trị. Do vậy, nếu phụ huynh bị gọi yêu cầu chuyển tiền thì phải nên nghi ngờ.
Ngoài ra, khi trẻ nhỏ, học sinh có vấn đề lớn, chắc chắn người có thẩm quyền ở trường sẽ gọi hoặc cô chủ nhiệm sẽ gọi. Phụ huynh sẽ dễ dàng biết ngay số điện thoại của ai.
“Hiện tại, đa số đều có smartphone. Do đó, để chắc chắn, phụ huynh có thể gọi video để biết chắc chắn có phải con em mình hay không. Nếu người gọi điện không đồng ý, điều này cần nghi ngờ”, bác sĩ Nam Anh chia sẻ.
Chia sẻ với Zing, ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhấn mạnh mỗi bệnh viện có quy trình xử lý cấp cứu trong trường hợp không có phụ huynh hoặc người giám hộ và luôn đặt việc cấp cứu cho trẻ là ưu tiên hàng đầu.
"Tuyệt đối không có chuyện thông qua người lạ hay chờ thân nhân chuyển tiền, bác sĩ mới phẫu thuật cấp cứu. Trường hợp bệnh nhân hoặc gia đình không có điều kiện kinh tế, phòng Công tác xã hội của bệnh viện có thể kêu gọi hỗ trợ từ mạnh thường quân", bác sĩ Kiều cảnh báo.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.