Không phải du học sinh nào cũng thuộc nhóm… con nhà có điều kiện, được "ăn sung mặc sướng", chỉ việc cắp sách đến trường. Trong thực tế, không ít du học sinh Việt phải vất vả tìm việc làm thêm, cũng "đầu tắt mặt tối" kiếm tiền trang trải việc học và chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi xứ người.
Trải nghiệm đi làm thêm đối với mỗi du học sinh (DHS) không giống ai, ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Những công việc mà họ chọn lựa để đi làm thêm cũng khác nhau.
Tại Newzealand, quốc gia có lượng du học sinh Việt khá lớn, để tìm được việc làm thêm, bạn trẻ phải tuân thủ những quy định của quốc gia này. Không phải quốc gia nào cũng cho phép DHS tự do làm thêm.
Ngọc Bích, DHS ngành Quản trị Kinh doanh và Du lịch (trái) tại Australia. Ảnh: Người Lao Động. |
Theo quy định của chính phủ New Zealand, DHS quốc tế được phép làm thêm đến 20 giờ/tuần và làm việc toàn thời gian trong các kỳ nghỉ. Điều đặc biệt, nếu như nhiều quốc gia hoàn toàn nghiêm cấm học sinh cấp ba làm thêm, New Zealand lại rất thoải mái trong vấn đề này. Miễn là bạn chọn được công việc phù hợp lứa tuổi.
Với ưu đãi đó, chính phủ New Zealand đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên quốc tế, trong đó có Nguyễn Thị Việt Phương, cựu sinh viên Đại học (ĐH) Auckland, có thêm một trải nghiệm thú vị khi học tập tại đây.
Việt Phương bắt đầu du học tại New Zealand từ khi vào cấp ba đến hết ĐH. Kinh phí du học hoàn toàn tự túc chứ không được nhận học bổng. Vì vậy, từ lúc mới sang, Phương đã tập tành đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Phương cho biết: "Một điểm khác biệt khi đi làm thêm ở New Zealand là vẫn được ký hợp đồng lao động. Đây chính là cách mà chính phủ New Zealand bảo vệ quyền lợi cho DHS, giúp họ tránh khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động."
Theo các du học sinh tại đây, những công việc làm thêm phổ biến tại quốc gia này là hái và đóng gói hoa quả tại nông trại, làm phụ bếp hoặc chạy bàn tại các nhà hàng châu Á, làm nhân viên trong các cửa hàng thức ăn nhanh…
Ngoài ra, các trường ĐH của New Zealand cũng tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay trong khuôn viên trường như nhân viên bán căn-tin, quản lý ký túc xá, thủ thư tại thư viện... Bạn trẻ có thể liên hệ với hội sinh viên hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường để được giới thiệu việc làm.
Trong khi đó, không ít DHS tại các quốc gia khác cũng chia sẻ những bí kíp khi đi làm thêm để được chủ thương, hoặc những kỹ năng cần thiết để…không bị chủ bóc lột sức lao động.
Chẳng hạn như nhiều DHS tại Australia chia sẻ đa số nhà chủ đều thân thiện, vui vẻ nhưng đừng quên họ cũng là những…con cáo già, chuyện gì cũng biết.
Ngọc Bích, DHS đang theo học ngành Quản trị Kinh doanh và Du lịch tại quốc gia này, cho hay tùy mục đích đi làm thế nào để cảm nhận về công việc. "Em đi làm khá thuận lợi vì được bạn bè giới thiệu nên việc lúc nào cũng có. Mỗi lần giới thiệu là lương cao hẳn, chỗ được giới thiệu tốt hơn", nữ sinh cho hay.
Thêm nữa, do làm việc với mục đích kiếm chút tiền đi chơi, không bị gánh nặng, Bích nói tâm lý thoải mái.
"Tuy nhiên, đi làm thêm rõ ràng là chẳng sung sướng gì. Vì chẳng có chỗ nào vừa được sung sướng, vừa có tiền. Muốn được thể hiện thì lúc nào rảnh cũng moi việc ra làm thì chủ thấy sẽ thương", Ngọc Bích chia sẻ.
Trong khi đó, theo luật của Mỹ, sinh viên quốc tế không được phép đi làm. Tuy nhiên, việc chi trả chi phí cho cuộc sống tại Mỹ không phải là điều đơn giản, dẫn đến nhiều DHS "đi làm chui".
Các trường ĐH tại Mỹ cũng có một chính sách đặc biệt, nếu sinh viên quốc tế muốn đi làm, phải đạt điểm A trong 2 năm liền, cùng giấy bảo lãnh của giáo sư, bạn sẽ được cấp số an ninh xã hội và được phép làm việc trong trường.
Bạn có thể làm việc tại các cửa hàng được mở trong khuôn viên trường, chuyên bán về đồ dùng học tập, áo quần có khắc logo của trường, hoặc làm trợ giảng cho giáo viên.
Theo các DHS tại quốc gia này, có 2 loại việc làm cho DHS là làm trong trường (hợp pháp) và ngoài trường (bất hợp pháp). Làm "chui" hấp dẫn không nhỏ với DHS vì dễ kiếm tiền, không phải đóng thuế và việc làm khá đa dạng như làm nail, chạy bàn, rửa chén, dọn vệ sinh, giữ em bé, cắt cỏ, giao báo…
Tuy nhiên, việc làm chui là bất hợp pháp, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì xảy ra các trường hợp, bị chủ bóc lột tiền công, bị bắt làm nhiều hơn so với thời gian quy định mà không dám đòi hỏi…