Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ ngày 21/4. Nghị định quy định rõ điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn thành lập trường đại học tư thục trước hết phải có đề án phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới trường đại học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Học sinh trường THPT Marie Curie. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trường tư thục phải có đầu tư với mức tối thiểu 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Vốn đầu tư này được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập, giá trị đầu tư của trường tư thục phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
Các trường đại học chỉ được tổ chức đào tạo khi Thủ tướng có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất, có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động...
Các trường muốn mở phân hiệu cần có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 2 ha, trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng GD&ĐT xem xét quyết định.
Phân hiệu của trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu, giá trị đầu tư của các trường tư thục phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
Các trường có hành vi gian lận để được phép thành lập sẽ bị đình chỉ hoạt động. Nếu trong 5 năm các trường không thực hiện được đúng cam kết, hoặc khi mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập không còn phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các trường đại học và phân hiệu sẽ bị giải thể.