Một trong những tấm poster phim đẹp nhất năm 2015 hẳn thuộc về Mustang, tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Deniz Gamze Ergüven người Pháp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là bức hình chụp năm em gái đang khoác vai, chụm đầu, với đằng sau là bầu trời đầy sao. Tấm áp phích vừa lưu giữ được nét thanh xuân trong sáng của nhóm nhân vật, vừa khiến người xem cảm thấy đượm buồn vì chẳng thể tìm thấy nổi nụ cười nào trên năm đôi môi tươi hồng.
Mustang gây tò mò cho người xem từ tấm poster đẹp nhưng đượm buồn. Bộ phim xoay quanh năm chị em gái mồ côi, chỉ vì một lần chơi đùa với các bạn trai cùng trang lứa mà rơi vào bi kịch khó lòng có thể tưởng tượng. Ảnh: Ad Vitam |
Các bé gái ấy là năm chị em mồ côi Sonay (İlayda Akdoğan), Selma (Tuğba Sunguroğlu), Ece (Elit İşcan), Nur (Doğa Zeynep Doğuşlu) và cô em út Lale (Güneş Nezihe Şensoy). Mustang là câu chuyện buồn của năm em, đồng thời là bi kịch của những người phụ nữ hiện đại bị kìm kẹp bởi truyền thống gia trưởng và thủ cựu.
Bi kịch xuất phát từ trò nô đùa trẻ con
Mustang mở đầu như một bài hát vui bằng cảnh nô đùa trên bãi biển của năm bé gái với các bạn trai cùng trang lứa sau ngày cuối cùng năm học. Mới chớm bước qua tuổi dậy thì, năm chị em thản nhiên ôm vai, bá cổ, thậm chí là cưỡi lên lưng các cậu bạn học, mà không ngờ rằng những trò chơi tuổi mới lớn ấy đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đôi mắt thủ cựu trong làng.
Tại ngôi làng nhỏ cách chốn đô hội Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ cả ngàn cây số ấy, cảnh chơi đùa của năm cô bé lập tức bị hàng loạt lời đồn thổi biến thành bằng chứng ô nhục về mầm mống “lăng loàn” của các chị em. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé, năm em sống trong sự chăm sóc của người bà (Nihal Koldaş) và sự bảo trợ từ ông bác nghiêm khắc Erol (Ayberk Pekcan).
Để “bảo vệ” các em khỏi “cám dỗ”, và cũng để giữ thể diện cho cả gia đình, Erol lập tức cho các em đi kiểm tra trinh tiết, trước khi quyết định nhốt tất cả ở nhà để giáo dục năm chị em trở thành những người phụ nữ đoan trang, phù hợp với bổn phận làm vợ, làm mẹ sau này.
Sự thủ cựu và những hủ tục khiến năm chị em gái trở thành "tù nhân" bên trong chính căn nhà của mình, cũng như các cuộc hôn nhân sắp đặt diễn ra sau đó. Ảnh: Ad Vitam |
Năm chị em bỗng trở thành tù nhân bên trong chính căn nhà của bản thân chỉ bởi khao khát được sống tự do, tận hưởng cuộc sống hiện đại với quần áo đẹp, với bạn bè cùng trang lứa, hay đơn giản chỉ bởi mong muốn được xem một trận bóng đá và đi tắm biển. Thế chỗ cho những ước vọng giản dị của lứa tuổi mới lớn ấy là các bài học nội trợ, các bài giảng đạo đức tẻ nhạt trên truyền hình, và kinh khủng hơn cả, là các cuộc hôn nhân sắp đặt.
Ngoại trừ cô út Lale còn quá nhỏ tuổi, Sonay, Selma, Ece và Nur lần lượt bị đẩy vào những đám cưới gượng ép. Các em cứ thế phải chia lìa người thân để trở thành con dâu trong những gia đình xa lạ, mang nặng hủ tục từ hàng trăm năm trước về trinh tiết và danh dự.
Người ở lại cũng chẳng được yên lành khi luôn phải chịu cảnh chèn ép đến từ ông bác gia trưởng và hà khắc, người coi trọng việc giữ thể diện hơn cả hạnh phúc của bà mẹ già và nhóm cháu gái, nhưng đồng thời lại che giấu những thú tính khó lòng tưởng tượng bên trong bản thân.
Cam chịu với gông cùm của hủ tục và truyền thống gia trưởng chốn làng quê, hay vượt qua tất cả để tìm đến tự do nơi đô thị, liệu đâu sẽ là lựa chọn của năm chị em gái cho cuộc sống còn rất dài phía trước?
Lời tâm huyết dành cho những người phụ nữ nơi quê hương
Tuy sinh ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nữ đạo diễn Deniz Gamze Ergüven lại học tập và khởi nghiệp ở Pháp với Mustang. Bộ phim mang rất nhiều dấu ấn và tâm trạng cá nhân cô.
Theo Ergüven, tác phẩm đầu tay của cô chính là lời tâm huyết dành cho quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ, trước sự đe dọa trở lại của những giáo lý và truyền thống đạo Hồi hà khắc, đặc biệt ở các vùng thôn quê xa xôi, nơi kiến trúc nổi bật nhất giữa làng xóm lụp xụp vẫn là những ngọn tháp nhọn của nhà thờ Hồi giáo.
Thông qua Mustang, Deniz Gamze Ergüven muốn nói lên thực trạng của phụ nữ tại các vùng quê xa xôi trên quê hương Thổ Nhĩ Kỳ. Họ rất dễ rơi vào bi kịch chỉ bởi những giáo lý và truyền thống đạo Hồi hà khắc. Ảnh: Ad Vitam |
Ở Mustang, người xem có thể dễ dàng cảm nhận thấy xung đột giữa tinh thần tự do mang tính thời đại với chủ nghĩa gia trưởng bảo thủ, mang đậm màu sắc tôn giáo, thông qua hình ảnh của năm cô bé. Các em rất đáng yêu với cách ăn mặc và lối cư xử tự nhiên, tân thời. Nhưng tất cả lại bị giam cầm giữa những song sắt được dựng nên bởi ông bác hà khắc và người bà sống trọn đời trong cảnh cam chịu.
Một bộ phim chú trọng vào những xung đột nội tâm như Mustang rất cần dàn diễn viên hợp vai và ăn ý. Đó là điều không dễ đạt được khi tác phẩm cần nhiều gương mặt nhí và đất diễn phải được biên kịch phân chia hợp lý.
May mắn cho Ergüven và bộ phim là dàn diễn viên còn rất trẻ sắm vai năm chị em, giống như trên tấm poster, đã vai kề vai để thực sự trở thành chị em của nhau trên màn ảnh. Tất cả cùng nhau thể hiện thành công tinh thần và khát vọng tự do mà Mustang muốn truyền tải tới cho khán giả.
Ergüven có tác phẩm đầu tay thành công ngoài mong đợi nhờ phần diễn xuất hồn nhiên, cuốn hút của năm diễn viên nhí xinh đẹp. Ảnh: Ad Vitam |
Diễn xuất hồn nhiên nhưng rất giàu tình cảm, cùng nét trong trẻo tinh khôi, của năm chị em gái có lẽ là điểm nhấn đẹp nhất ở Mustang. Không cần đến triết lý sâu sắc, không cần những câu thoại văn hoa phức tạp, chỉ cần một khung hình đẹp đẽ mà bi ai, khi các em nằm gối đầu lên nhau dưới ánh nắng vàng rực rỡ giữa song sắt kìm hãm, là quá đủ để bộ phim đưa ra được thông điệp về khát vọng tự do.
Phần bối cảnh cùng hình ảnh trong phim, với rất nhiều nội cảnh và ánh sáng tự nhiên, là yếu tố giúp khán giả có được cảm giác nhẹ nhõm nhất định ban đầu. Tuy nhiên, khi lớp vải nhung nhẹ nhàng đó được lật lên, tất cả có thể thấy rằng ẩn giấu bên trong Mustang là bi kịch tột cùng của con người khi tự do bị chà đạp, là bi kịch của những tâm hồn trinh nguyên khi rơi vào tay của những cái đầu mù quáng vì giáo lý, hủ tục và khát vọng thấp hèn của bản thân.
Những bi kịch cứ nối tiếp bi kịch trong Mustang chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả sau khi theo dõi bộ phim phải giật mình. Bởi ở đâu đó trên thế giới, kể cả những quốc gia hiện đại như Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn còn tồn tại những hủ tục bất công, kìm hãm tự do và khát vọng sống của con người, đặc biệt là phụ nữ. Đó có lẽ chính là lời nhắn nhủ tâm huyết mà nữ đạo diễn Deniz Gamze Ergüven muốn dành cho quê hương. Bởi liệu ai muốn ngồi yên khi thấy khao khát tự do của những em gái với khuôn mặt ngời sáng như năm chị em Sonay, Selma, Ece, Nur, Lale vẫn phải ở sau song sắt của những nhà tù giáo lý và tư tưởng?
Tại Oscar 2016, Mustang đại diện cho điện ảnh nước Pháp và lọt vào vòng đề cử cuối cùng của hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.
Zing.vn đánh giá: 4,5/5