Loại hình: Music video
Thể loại: Pop, dân ca
Sáng tác và thể hiện: Lê Cát Trọng Lý
Zing.vn đánh giá: 7,5/10 điểm
Liệu có thương nhau mãi là MV mới nhất của Lê Cát Trọng Lý. Sản phẩm được giới thiệu theo cách rất Lý, vốn chẳng chuộng những “rào trước đón sau” như teaser, trailer, poster hay những dòng quảng bá.
Lý chia sẻ link MV trên trang cá nhân kèm mô tả: “Đã một tháng rồi kể từ sau ngày ra mắt 2 album digital. Thời điểm này, mọi thứ đều nằm trong tâm trạng khó tả, kỳ quặc, không nắm chắc tương lai. Mà tương lai (theo lý thuyết) thì có bao giờ nắm chắc được đâu. Mọi hoạch định đều méo mó, mọi mục tiêu đều bị thay thế bằng sự lạc quan. Có lẽ, chưa bao giờ mình cần phải nhìn lại mục đích và ý nghĩa sống của mình hơn bây giờ”.
Nữ ca sĩ bảo MV Liệu có thương nhau mãi được thực hiện tại Kibera - khu ổ chuột lớn thứ 2 Kenya và lớn thứ 3 thế giới - dưới sự đồng ý của người dân ở đây. “Có thể nói, hôm ấy là một ngày kỳ quặc, trộn lẫn tâm trạng khổ sở, xúc động, khó chịu, tình cảm, lo âu, ngờ vực… khi hát ở đấy, lướt qua những ánh mắt ấy”.
Rồi xem Liệu có thương nhau mãi, dễ thấy những chia sẻ của Lý là thật. Đó là một MV nhiều tâm sự nhưng quả thật cũng kỳ cục và chẳng giống ai. Có chăng, chỉ giống Lý vì Lý vẫn luôn như vậy, giữa thị trường âm nhạc.
MV Liệu có thương nhau mãi được thực hiện tại Kibera - khu ổ chuột lớn thứ 2 Kenya và lớn thứ 3 thế giới. |
Nhạc tính trong “đồng nát sắt vụn bán đi”
Liệu có thương nhau mãi mở đầu bằng một câu rao, mà có lẽ là quen thuộc bậc nhất với với nhiều thế hệ lớn lên ở miền Bắc: “Ai đồng nát sắt vụn bán đi”.
Nhưng trong ca khúc của mình, Lý đã chuyển thành: “Nát sắt vụn bán đi. Đồng nát sắt vụn bán đi. Nát sắt vụn bán đi. Đồng nát sắt vụn bán đi”.
Lý phổ nhạc cho những câu rao, biến âm “sắt” thành “sát” giúp ca khúc mở đầu vang và đầy nhạc tính. Trong nhạc tính ấy có sự dễ thương của một câu rao nhưng cũng có sắc âm của sự u oán như màn nhạc dạo mở ra một thước phim buồn.
Trong một lần ngẫu hứng trình diễn cho khán giả cách đây không lâu, Lý tiết lộ về cơ duyên phổ nhạc cho câu rao “Ai đồng nát sắt vụn bán đi”. Đó là dịp nữ ca sĩ ra Hà Nội để làm việc, và ngày nào vào lúc 8h sáng, cô cũng thấy một người phụ nữ thu mua đồng nát, sắt vụn rao câu này.
Nhưng Lý nhận ra nó không chỉ là một câu rao thông thường. Vì, sắc âm, sự nhấn nhả của người phụ nữ đã giúp câu rao trở nên có nhạc tính một cách lạ kỳ. Và Lý đã quyết định đưa hòa thanh vào, biến câu rao trở thành câu hát.
Sau những câu rao đã được phổ nhạc, nội dung của ca khúc là những triết lý tự sự về cuộc sống, số phận, kiếp người: “Mùa thì đêm ngắn, nắng điên/ Mùa thì mưa thấm, gió cay/ Lòng người thay đổi/ Như nắng mưa đêm ngày Cũng như thời thì tem phiếu đói đen/ Thời thì sung túc đến quên/ Người còn ai oán/ Mình thời chân ướt/ Đi từ trong bùn “.
Như rất nhiều ca khúc khác, Liệu có thương nhau mãi không dông dài trong ca từ. Lý viết nhạc súc tích, thậm chí giản lược những quan hệ từ không cần thiết. Những câu hát ngắn gọn, có thể lặp đi lặp lại nhưng lại không gây nhàm chán cho người nghe.
Lê Cát Trọng Lý đàn guitar trong MV. |
Trong câu chuyện âm nhạc ấy, Lê Cát Trọng Lý vẫn giữ cách hát mộc mạc của riêng mình. Không màu mẽ tô vẽ, với cây đàn guitar và lối đãi chữ của dân ca, Lý chiếm được cảm tình của người thưởng thức, khiến không ít người phải nghe đi nghe lại những sáng tác của cô.
Liệu có thương nhau mãi tiếp tục làm được điều ấy.
Khi âm nhạc cất lên giữa khu ổ chuột
Kibera là một khu nhà ổ chuột gần Nairobi, Kenya, châu Phi. Đây được xem khu nhà ổ chuột lớn thứ hai ở châu Phi và thứ ba thế giới. Trong chuyến lưu diễn mang tên Dreamers Concert 6, Lê Cát Trọng Lý từng đến đây. Những thước phim đã được ghi lại và những khoảnh khắc đã được lưu giữ.
Liệu có thương nhau mãi là một trong những khoảnh khắc như thế. Cùng với số phận kiếp người đau đáu trong ca khúc, hình ảnh MV cũng là một minh họa ý nghĩa cho những câu hát của Lý.
Khung cảnh của Kibera hiện lên đầy chân thực trong MV. Đó là một khu ổ chuột đúng nghĩa của người da màu châu Phi với những túp lều tồi tàn như trực chờ sự sụp đổ. Đó là những con đường đất cao thấp. Một khung cảnh nghèo nàn, không thành hàng lối và ngập tràn trong rác thải.
Rất ít cây xanh, không có nhà cao tầng, không thấy nguồn nước, không thấy những ánh sáng của sự xa hoa, đèn diện. Thay vào đó, là sự đói nghèo, chật chội.
May thay, thứ duy nhất le lói hiện lên là nụ cười em trẻ. Những đứa trẻ hồn nhiên với trò chơi của mình, không biết thực tại, không biết khoảng cách giàu nghèo. Chỉ có sự hồn nhiên đang lớn lên. Và giữa khung cảnh ấy, Lý ngồi đàn và hát, cùng người cộng sự thuần thục với tiếng cello.
MV kéo dài nhẹ nhàng như thế suốt 7 phút và để lại nhiều dư cảm cho người xem.
Một tài khoản bình luận phía dưới MV: “Bên ngoài cứ nghĩ họ thật đen đuốc nhưng họ có một đôi mắt đẹp, nụ cười rạng ngời. Chân họ bị thô đi từ bé vì những con đường đất, những bãi rác, những tia nắng oai bức của châu Phi. Họ làm chúng ta quý bởi sự vươn lên đến ngưỡng cửa mà không ai có thể tưởng tượng được".
Hình ảnh khu ổ chuột hiện lên chân thực trong sản phẩm của Lý. |
Trong khi tài khoản Hoàng Thi Võ chia sẻ: “Âm nhạc chỉ cần có vậy, không hoa mỹ, chân thực và truyền tải được thông điệp cho xã hội, cộng đồng. Nhiều lúc âm nhạc của Lý không cần hiểu, nó mang một ngôn ngữ riêng, có sức mạnh kết nối vô hình nhưng cảm xúc. Mấy ai như Lý. Một chút điên, một chút lạ lùng nhưng là duy nhất trong nhạc Việt”.
Khán giả Đại Hải thì gọi Lê Cát Trọng Lý là một làn gió “độc” qua nền âm nhạc với một sắc thái rất riêng. Không ủy mị. Không bùm chát.
“Ca từ của Lý như những chú ngọc trai ngậm kín, những ý vị không dễ hiểu ngay nhưng giai điệu cứ bám lấy lòng, cứ bắt người ta suy nghĩ hoài về những từ quen quen mà rất lạ đó”, người này nhận định.