Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP. |
Trong báo cáo ngày 12/5, CBO cho biết Mỹ có thể tạm tránh nguy cơ vỡ nợ và hoạt động đến hết tháng 7, nếu Bộ Tài chính Mỹ nhận đủ các khoản thu từ thuế và biện pháp khẩn cấp, CNBC đưa tin.
Song, CBO cũng nhắc lại sự không chắc chắn và vẫn có nguy cơ Mỹ vỡ nợ vào tháng 6, dù khoản thu thuế có thể giảm áp lực lên Bộ Tài chính.
"Nếu trần nợ không thay đổi, có rủi ro đáng kể là trong hai tuần đầu tiên của tháng 6, chính phủ sẽ không còn khả năng thanh toán mọi nghĩa vụ", báo cáo của CBO có đoạn.
Cũng vào ngày 12/5, Nhà Trắng và lãnh đạo quốc hội đã hoãn cuộc họp thảo luận về vấn đề trần nợ, nói rằng do có rất ít tiến triển trong việc đạt đồng thuận.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cũng tăng dự báo thâm hụt ngân sách liên bang trong năm nay, đạt 1.500 tỷ USD.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nói rằng ông không thấy sự "nghiêm túc" từ Nhà Trắng để đạt được thỏa thuận. "Dường như họ muốn vỡ nợ hơn một thỏa thuận", ông nói.
Một trong những bế tắc là việc Nhà Trắng cương quyết muốn tăng trần nợ mà không đi kèm điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, đảng Cộng hòa tại Hạ viện yêu cầu việc tăng trần nợ luôn đi kèm với cắt giảm sâu rộng chi tiêu liên bang và việc làm trong các chương trình an sinh xã hội.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết không nâng trần nợ khi Mỹ đang cạn tiền mặt có thể gây ra thảm họa kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo kịch bản nền kinh tế hàng đầu thế giới vỡ nợ có thể khiến bất ổn lan rộng đến kinh tế toàn cầu.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.