Chiếc tàu M/V Dali dài 300 m đã va chạm với cầu Francis Scott Key (thuộc khu vực cảng Baltimore) vào ngày 26/3, khiến 6 công nhân đường bộ thiệt mạng và chặn luồng tàu vận chuyển đông đúc. Thảm họa đã gây ra đống đổ nát ngổn ngang trên sông Patapsco.
Vụ kiện dân sự chống lại Grace Ocean Private và Synergy Marine Private đã được đệ trình lên tòa án thuộc quận Maryland (Mỹ) vào ngày 18/9.
"Bộ Tư pháp cam kết đảm bảo trách nhiệm giải trình cho những người chịu trách nhiệm gây ra vụ phá hủy cầu Francis Scott Key", Tổng chưởng lý Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố.
Với khiếu nại dân sự này, Bộ Tư pháp đang nỗ lực để đảm bảo rằng chi phí dọn kênh và mở lại cảng Baltimore do các công ty gây ra vụ tai nạn chịu, chứ không phải do người nộp thuế Mỹ.
Vụ kiện nhằm mục đích thu hồi hơn 100 triệu USD chi phí ứng phó với thảm họa và dọn dẹp hàng tấn mảnh vỡ trên cầu.
Cây cầu Francis Scott Key đổ sập do tàu chở hàng mất điện đâm vào. Ảnh: Shutterstock. |
Phó Tổng chưởng lý Benjamin Mizer cho biết chủ sở hữu và người điều hành tàu Dali "biết rõ về các vấn đề rung động trên tàu có thể gây mất điện".
"Nhưng thay vì thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, họ đã làm ngược lại. Do sự cẩu thả, quản lý kém và đôi khi là mong muốn cắt giảm chi phí, họ đã cấu hình các hệ thống điện và cơ khí của tàu theo cách khiến các hệ thống đó không thể nhanh chóng khôi phục lực đẩy và lái sau khi mất điện", Mizer cho biết.
Kết quả là, khi Dali mất điện, một loạt các sự cố liên tiếp đã dẫn đến thảm họa.
Vụ kiện của Bộ Tư pháp diễn ra sau khi Grace Ocean và Synergy Marine đệ đơn kiện riêng vào đầu năm nay nhằm hạn chế trách nhiệm pháp lý của họ ở mức 44 triệu USD.
Vụ kiện của Bộ Tư pháp không yêu cầu bồi thường thiệt hại cho chi phí cuối cùng để xây dựng lại cây cầu. Vấn đề này dự kiến có một khiếu nại riêng biệt từ tiểu bang Maryland.
Gia đình của 6 công nhân đường bộ đã mất mạng cũng đang theo đuổi các khiếu nại pháp lý của riêng họ.
Kênh Fort McHenry dẫn đến cảng Baltimore, một trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp ôtô, đã mở cửa trở lại để khai thác thương mại vào ngày 10/6.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.