Mỹ Duyên: 'Chồng tôi chỉ là một Việt kiều... nghèo'
"Khi biết tôi lấy chồng là một Việt kiều, ai cũng nghĩ chồng tôi là người giàu có để xứng với danh một kiều nữ theo thói quen suy luận thường thấy. Thật ra, chồng tôi chỉ là người đi làm thuê lĩnh lương hàng tháng…", nữ diễn viên "Lọ lem hè phố" chia sẻ.
>> Mỹ Duyên muốn có con trong năm nay
>> Mỹ Duyên sắp lên xe hoa
Tôi không hối tiếc vì đã học múa
- Múa ballet là môn nghệ thuật mà chị được đào tạo chính quy từ một cường quốc không có đối thủ về loại hình này, nhưng khi về nước, chị lại nhảy qua điện ảnh, rồi tham gia sân khấu kịch nói. Phải chăng, tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật hàn lâm này của chị không đủ lớn để vượt qua thử thách của cơm áo gạo tiền?
- Đam mê và tâm huyết, nhưng thú thật là ngay khi về Việt Nam, tôi đã nghĩ mình sẽ không theo nghề múa nữa, bởi những điều kiện phục vụ cho loại hình này không được đầu tư đúng quy cách.
Thứ nhất, chỉ riêng vấn đề âm nhạc thôi thì diễn viên (DV) múa coi như đã… thua trắng. Không ai múa ba lê mà phải múa theo nhạc đã thu sẵn, lẽ ra quy trình này phải ngược lại, nhạc phải theo mình, theo những cảm xúc của người múa để điều chỉnh tempo cho phù hợp. Thứ hai là điều kiện về sân khấu (SK). SK dành cho múa ba lê là SK nghiêng, đó là chuẩn quy định, nhưng SK của mình thì ngang phè, cho nên tất cả trụ của người múa mất hết. Thứ ba là không có bạn múa nam để giúp mình.
Anh Phương Lịch là DV múa rất giỏi nhưng anh lại nhỏ con và được đào tạo solist - múa đơn. Trong khi tôi được đào tạo để múa đôi nên rất cần phải có bạn diễn nam, nhưng thời ấy tìm đâu ra? Những bất cập ấy đều có thể vượt qua, nhưng múa ba lê là loại lao động đặc biệt, học thì cực nhọc mà thu nhập nhập lại eo sèo. Tiền bồi dưỡng cho một suất múa cao nhất mà tôi nhận được là 20.000đ trong lần múa báo cáo sau khi về nước được hội nghệ sĩ múa mời. Thường, một vở phải tập mấy tháng trời, nhưng một năm chỉ diễn được bốn - năm suất, mà phải chia nhau, năm nay người này được diễn nhiều thì năm sau diễn ít, thử hỏi như vậy thì DV múa lấy gì để sống?
- Được đào tạo chính quy từ nghề múa nhưng lại được phong danh hiệu NSƯT cho loại hình nghệ thuật khác mà chị tham gia… tay ngang. Nhận danh hiệu này, chị có áy náy khi thực tế còn rất nhiều người xứng đáng hơn?
- Danh hiệu là sự tưởng thưởng cho người nghệ sĩ có cống hiến, đã trải qua quá trình lao động nghệ thuật chứ không phải là thứ để so sánh người này, người kia. Nó không phải là thước đo về đẳng cấp. Nói mình xứng đáng với danh hiệu đó thì nghe kêu quá, nhưng cho rằng mình có được là do may mắn có lẽ không chính xác. Bản thân tôi có nhiều tác phẩm và cũng đã cố gắng cống hiến hết sức, cũng tìm tòi sáng tạo để có một chỗ đứng được thừa nhận, chứ không phải khơi khơi mà có được danh hiệu này.
Quả thật, trong giới SK vẫn còn nhiều anh chị nghệ sĩ, DV xứng đáng hơn, nhưng do một số quy tắc hành chính ràng buộc mang tính hình thức nên nhiều người đành… lọt sổ. Nghệ sĩ muốn được công nhận những gì mình cống hiến chứ không muốn đi xin sự công nhận, hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, mặc dù nhiều người không phải là NSƯT nhưng trong mắt tôi, họ hoàn toàn xứng đáng và là người đi trước cần học hỏi.
- Là DV múa nhưng chỉ đến khi bước qua đóng phim, diễn kịch mới thành danh, chị có hối tiếc là đã mất quá nhiều thời gian cho một bộ môn nghệ thuật hàn lâm thiếu đất sống?
- Quả thật SK múa ít chỗ dụng võ hơn SK kịch và điện ảnh. Nhưng tôi chẳng bao giờ hối tiếc khi đã theo nó một thời gian dài. Hơn nữa, khán giả bắt đầu biết đến tôi là một DV múa ở nhà hát Hòa Bình, chứ không phải là DV phim hay kịch. Tôi còn nhớ, với vai ca sĩ trong phim đầu tiên tham gia (Vị đắng tình yêu 2), khán giả vẫn tưởng tôi là một DV người… Đài Loan. Còn trên SK kịch, trong Người mua hạnh phúc, vở diễn đầu tiên của mình, tôi cũng chỉ nói đúng một câu thoại của một người điên: khi bước ra SK, tôi chỉ hét lên: “Tôi sợ, tôi sợ tất cả mọi thứ trên đời này”, rồi đi vô. Với SK kịch, khi ấy Mỹ Duyên cũng chỉ là con số không.
Tôi được như ngày nay chính là nhờ đã từng được học múa một cách bài bản. Tôi không chỉ học nhiều loại hình múa khác nhau: múa lịch sử, múa tính cách, múa đôi… mà còn được học về diễn xuất để biết sự khác biệt giữa Thiên nga trắng và Thiên nga đen như thế nào khi biểu diễn. Chính nắm bắt được kỹ thuật biểu diễn của bộ môn múa mà tôi nhanh chóng hiểu đúng được những hướng dẫn của thầy cô, của anh chị nghệ sĩ đàn anh ở lĩnh vực mới lạ này.
- Nhiều người nghiệm ra rằng: sự nổi tiếng bao giờ cũng bắt đầu từ khổ luyện cộng thêm chút may mắn. Nhưng công thức này có vẻ lỗi thời, bởi ngày càng nhiều người bỗng nổi tiếng chỉ từ một scandal?
- Đúng là cơ hội nổi tiếng bây giờ dễ hơn ngày xưa. Những người nổi tiếng ngày xưa thường bằng thực lực. Scandal nếu có, chỉ là những chuyện bên lề như thêm hoa thêm lá cho sự nổi tiếng sẵn có. Tuy nhiên, những thông tin như vậy chủ yếu là đùa vui. Ngày xưa, người ta nổi tiếng mới có scandal, còn bây giờ thường ngược lại, bắt đầu bằng scandal để nổi tiếng.
Ngày xưa dù gọi là phim… mì ăn liền thì cũng chỉ có một gói. Bây giờ cũng mì ăn liền nhưng lại tính bằng thùng, quá nhiều tập. Phim nhiều, DV nhiều mà mình thì không có thời gian để xem hết một bộ phim vài chục tập, nên ai nổi ai chìm chỉ biết qua sự lùm xùm của họ trên báo chí (nhất là báo mạng). Có thể bây giờ truyền thông nhiều quá nên người ta cũng té nước theo mưa, sử dụng truyền thông để PR cho mình…
- Người ta nói, không có Lê Hoàng thì không có Mỹ Duyên trên phim ảnh, không có Thành Lộc thì không có Mỹ Duyên ở Idecaf. Người ta cũng nói, ở đâu trong hoạt động nghệ thuật cũng có chuyện mua bán, trao đổi? Chị nghĩ sao về điều này?
- Vế đầu là chính xác. Khi tôi từ Nga về, khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của tôi rất hạn chế. Chính sự động viên của anh Hoàng và anh Lộc đã làm tôi tự tin. Hai anh đã tập cho tôi bước đi bằng những vai diễn đơn giản nhất, phù hợp với khả năng của mình. Trong Vị đắng tình yêu 2, anh Hoàng cho tôi vai một ca sĩ nước ngoài để không phải nói nhiều. Trong Người mua hạnh phúc, anh Lộc cũng chỉ cho tôi một lời thoại trong suốt vở kịch dài. Các anh như một chỗ dựa để tôi tập đi và chạy được trên chính đôi chân của mình. Họ không chỉ là người anh mà còn là người thầy, tôi rất kính trọng. Tôi tự hào rằng giữa chúng tôi chưa bao giờ có chuyện mua bán, đổi chác.
Hiện nay, sự cạnh tranh trong nghề nghiệp ngày càng khốc liệt. Chuyện “mua vai” cũng xuất hiện râm ran, nhưng tôi cho đó là hiện tượng bình thường trong môi trường cần thiết phải được công chúng biết đến. Hơn nữa, cát-sê có thể tính theo lương khoán thay vì tính theo phân đoạn. Thông thường nhận khoán, tính mức thù lao thì có khi không bằng như cách truyền thống nhưng bù lại, DV có thể sẽ phải diễn nhiều và đó cũng là cơ hội để DV muốn PR mình. Cách làm này không sai và cũng là cách đi riêng của mỗi người để tiếp cận với nghệ thuật. Nhưng đó không phải là lối đi của tôi.
- Đang có khuynh hướng đưa “bản năng gốc” của con người vào phim như một cách làm mới những chuyện đã cũ. Với tư cách một NSƯT, chị nhìn vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ trong thời buổi cạnh tranh để tồn tại, một số hãng phim khai thác cảnh nóng như là một cách “bứt phá”. Tôi không phản đối khi DV đóng cảnh nóng. Điều cần xem lại chính là kịch bản có đủ thuyết phục để gán cảnh nóng đó vào phim hay không. Ở nhiều cảnh nóng, người xem dễ dàng nhận thấy đó chỉ phục vụ ý đồ “mát mắt”, chứ không phải hoàn cảnh của nhân vật đưa đẩy đến hành động như vậy. Nóng phải đúng chỗ, đúng nơi sẽ khiến giá trị của bộ phim, của DV được đánh giá một cách đầy đủ và đúng đắn.
Tôi không phản đối nhưng vì nhiều lý do, cá nhân tôi sẽ từ chối những vai diễn này.
Giữ chồng cũng cần... thiên biến vạn hóa!
- Có quá nhiều người đeo đuổi, từ đại gia đến người nổi tiếng, mà chỉ cần gật đầu là người đẹp Mỹ Duyên có thể có những điều mà nhiều người mong muốn. Vậy cớ gì chị phải kén cá chọn canh và sống cùng một người chỉ “có tiếng mà không có miếng”?
- Quả thật tôi có rất nhiều chọn lựa cho cuộc đời mình. Cũng có nhiều người theo đuổi, rồi bạn bè muốn mai mối, giới thiệu cho những người giàu có, vị trí tốt trong xã hội… nhưng tôi cũng nói rõ với họ chỉ là bạn và từ chối. Tôi nghĩ hôn nhân là thứ vốn không thể tồn tại bền vững bằng cách đổi chác, tính toán được mất… Đó là thứ quan hệ đặc biệt, được xuất phát từ tình cảm chân thành. Nếu gọi là kén cá chọn canh, thì đó là cách tôi lọc lấy sự chân tình để có sự an tâm cho cuộc đời mình.
Khi biết tôi lấy chồng là một Việt kiều, ai cũng nghĩ chồng tôi là người giàu có để xứng với danh một kiều nữ theo thói quen suy luận thường thấy. Thật ra, chồng tôi chỉ là một Việt kiều nghèo, đi làm thuê lĩnh lương hàng tháng… Nhưng khi phải so sánh, chọn lựa, tôi thấy hiếm người đàn ông nào có thể lo chu toàn cho gia đình như anh ấy. Ảnh luôn thấu đáo trong suy nghĩ và biết cách làm cho tôi nhận ra đúng giá trị của mình. Theo tôi, đó là sự trân trọng vô cùng cần thiết cho cuộc sống chung giữa hai người từng rất xa lạ.
- Kinh nghiệm thực tế cho thấy, mọi sự chung đụng đều có khả năng bật ra… lửa. Sau thời gian sống chung với không khí của gia đình chồng, quan hệ nào khiến chị sợ “nẹt” ra lửa nhất?
- Đó là quan hệ mẹ chồng nàng dâu, tôi sợ điều này lắm. Chồng tôi càng được gia đình, nhất là mẹ yêu thương thì tôi càng lo lắng. Mẹ chồng tôi là mẫu người trung thành với quan niệm: đã là phụ nữ phải lấy công ngôn dung hạnh làm đầu. Tôi là người nhanh hòa nhập với tôn ti trật tự kẻ lớn người nhỏ trong gia đình, nhưng lại là con số không về nội trợ, một tiêu chuẩn mà theo mẹ chồng tôi, đó là cách giữ chồng, giữ giềng mối với gia đình chồng hữu hiệu nhất.
- Có vẻ chị không tâm phục khẩu phục khi phải uốn mình về với bốn chữ công ngôn dung hạnh? Với chị, người phụ nữ hiện đại sẽ giữ chồng như thế nào?
- Ngày xưa, đó là bửu bối để phụ nữ giữ gìn mái ấm hữu hiệu. Nhưng bây giờ, đó không phải là cách duy nhất. Hơn nữa, người đàn ông trong gia đình ngày nay cũng không quá cổ điển, gia trưởng như ngày xưa, nên những tiêu chí này cũng ít nhiều có sự điều tiết liều lượng phù hợp.
Ngày xưa là tứ đại đồng đường, các quan hệ gia đình chằng chịt trong khuôn viên hẹp giữa nhà dưới với nhà trên, do đó, mọi lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động… đều được soi rọi bằng nhiều góc nhìn cùng lúc. Còn bây giờ, khuynh hướng gia đình chỉ có vợ chồng, sự thông hiểu, chia sẻ… dễ dàng hơn. Chiều chuộng chồng cũng nhiều cách hơn.
Tôi biết chồng tôi muốn tôi thật sự là người vợ chỉn chu trong gia đình, nhưng tôi cũng biết, anh là người luôn tôn trọng sở thích riêng tư của vợ. Ngược lại, anh cũng biết tôi là người còn nhiều điều chưa hoàn thiện, nhưng đồng thời, anh cũng nhận ra tôi có sự chân thành tiếp thu và sẵn sàng sửa đổi. Ngày xưa, phụ nữ giữ chồng bằng sự ngoan ngoãn, thụ động, còn bây giờ, áp lực với người chồng nhiều hơn nên cách hóa giải của vợ cũng cần thiên biến vạn hóa hơn cho phù hợp.
- Người ta nói “cưới được một ngôi sao đã khó, giữ được ngôi sao ấy mãi là của mình càng khó hơn”. Anh tự thừa nhận rằng mình không điển trai, trong khi anh biết con gái thường yêu bằng mắt. Anh có tự tin rằng nỗ lực của mình sẽ bù đắp cho hình thức? Anh Hoàng Công Phước (chồng Mỹ Duyên): Quả thật, Duyên hay đùa tôi như ông già sắp hết hơi và xấu thì gần bằng… Trương Chi. Nhưng Duyên cũng nhận ra thế mạnh của tôi chính là sự gần gũi, chân thành. Duyên bảo, đó là những giá trị nền tảng, đảm bảo một cuộc sống chung bền vững. Tôi nghĩ, sự chân thành của tôi cũng khiến Duyên điều chỉnh lại mình nhiều thứ. Trước kia, gu ăn mặc của Duyên rất “men-lì”, suốt tuần 7/7 ngày đều quần jean áo pull bụi bặm như đàn ông. Nhưng bây giờ, cô ấy biết chăm chút quần áo sao cho ra dáng một phụ nữ nền nã, dịu dàng đậm tính Á Đông như ý mẹ chồng. Trước kia, cô ấy muốn mua gì thì mua mà không tính xa, bây giờ cô ấy có một kế hoạch chi tiêu hẳn hoi cho mình và gia đình. Đó là thay đổi cơ bản về tình cảm của một người quyết lòng với vai trò làm vợ một người không điển trai. Dù vẫn còn ít nhiều khác biệt, nhưng tôi tin rằng, chúng tôi nhất định sẽ là một cặp đôi hoàn hảo trong mắt con trai tương lai của mình. |
Theo Phụ nữ TP.HCM