Người đẹp dũng cảm thừa nhận mặc đồ "sao chép"
Trong sự kiện trao giải thưởng truyền hình HTV ngày 5/4 tại TP.HCM, nữ diễn viên Angela Phương Trinh mặc một chiếc váy màu xanh ngọc bích nhạt cùng áo khoác trắng có đường viền cùng màu, đội mũ kiểu cách.
Tuy rất thanh lịch và kín đáo nhưng bộ trang phục này của Anglea Phương Trinh đã bị phát hiện là có nhiều điểm tương đồng với một bộ cánh mà công nương Monaco Grace Kelly đã từng mặc cách đây vài chục năm.
Bản thân Angela Phương Trinh khi được hỏi cũng thừa nhận: “Thực ra, tôi đã đặt may bộ này với cảm hứng từ công nương Grace Kelly - thần tượng trong thời trang của tôi”.
Angela Phương Trinh và "cảm hứng" Grace Kelly. |
Một trường hợp khác cũng xảy ra tại lễ trao giải HTV hôm 5/4 đó là Chung Thục Quyên diện một bộ váy cut-out cực kỳ táo bạo rất giống bộ váy nóng bỏng mà ngôi sao gốc Việt Maggie Q đã từng mặc tại lễ ra mắt bộ phim Divergent – Dị biệt ở Los Angeles, Mỹ. Bộ đầm của Maggie Q do Anthonay Vaccarrello thiết kế, có giá khoảng 65 triệu đồng.
Mặc dù có kết cấu rất giống nhau nhưng về chi tiết váy của Chung Thục Quyên có một vài điểm khác biệt nhỏ so với váy của Maggie Q như chất liệu không tương đồng, hàng khuy kém tinh xảo, số lượng dây ngang trên thân váy…
Trước nhận định chiếc váy của mình là bản sao chép lại, Chung Thục Quyên đã thẳng thắn thừa nhận: “Đây là mẫu thiết kế tôi rất thích, tôi không phải là nhà thiết kế nên đã lấy mẫu váy này và giao cho thợ may của mình thực hiện để sử dụng nó”.
Váy này do Chung Thục Quyên tự nhờ người may lại. |
Một trong những người đẹp khác cũng lấy lý do thích để copy lại mẫu thiết kế nước ngoài đó là người mẫu Khánh My.
Tại một bữa tiệc tại Hà Nội vào tháng 7/2012, Khánh My đã diện một bộ váy dài ánh kim tha thướt có khoảng hở hút hồn phía sau lưng. Tuy nhiên bộ váy của Khánh My được các tín đồ thời trang Việt bóc mẽ là giống tới 98% một thiết kế của stylist lừng danh thế giới Rachel Zoe. Bộ váy ánh kim này của Rachel Zoe khá nổi tiếng vì nó đã biến siêu mẫu Karolina Kurkova trở nên đẹp lộng lẫy như nữ thần trên thảm đỏ Met Ball 2012. Điểm khác biệt duy nhất của hai bộ váy chỉ là phần dây lưng.
Trước hai sản phẩm thiết kế giống nhau gần như y hệt, người đẹp Khánh My thừa nhận đã đặt nhà thiết kế Lê Thanh Hòa may cho mình bộ đầm dạ hội dựa trên mẫu váy của Rachel Zoe.
Cô chia sẻ: "Tôi rất thích bộ đầm hàng hiệu này vì nó đẹp và sang trọng. Kiểu dáng này cũng hợp với thân hình của tôi nên tôi mới nhờ Lê Thanh Hòa may y hệt như với "bản gốc". Tôi không sợ bị dư luận lên án mặc váy nhái, bởi sự thực là tôi không có quá nhiều tiền để mua những bộ đồ hàng hiệu. Cát-xê đi event của tôi không cao đến mức thoải mái sắm các trang phục đắt tiền".
Khánh My và bộ váy copy lại một sản phẩm thiết kế của Rachel Zoe. |
Trong chương trình Vietnam Idol diễn ra vào tối 23/2, Mỹ Tâm đã mặc một bộ đồ giống hệt mẫu thiết kế ra đời cách đây 7 năm của Viktor & Rolf. Bộ đồ này là một sản phẩm tới từ nhà thiết kế Nguyễn Công Tín, cựu giám đốc sáng tạo thương hiệu thời trang riêng của Mỹ Tâm.
Không giống như những trường hợp trên bởi chỉ vô tình trở thành nạn nhân của việc “xào nấu” trong làng thời trang, ca sĩ Mỹ Tâm cho biết: "Tôi tin là tất cả mọi người nếu biết trước bộ đồ mình mặc giống nhau gần như 100% bộ đồ của người khác làm thì sẽ không ai muốn mặc cả, nhất là khi mình là người của công chúng".
Trước nhiều lời chỉ trích, Mỹ Tâm chân thành chia sẻ: "Tôi khá tin vào đội thiết kế của mình, họ trẻ và sáng tạo, nhưng có lẽ nhiều lúc do yêu thích quá hoặc trúng phút giây lười biếng nên không nhận ra mình đang làm gì, hoặc làm cho xong. Quan điểm của tôi về việc giống nhau về ý tưởng trong trang phục thì không có gì nặng nề, vì cuộc sống này chúng ta đều dựa vào nhau để làm nên điều gì đó, và trong âm nhạc hay thiết kế cũng vậy, từ cái này mình sẽ nghĩ ra cái kia nên tôi hoàn toàn hiểu. Tuy nhiên, đối với việc lấy y chang thiết kế của người khác làm của mình thì đúng là khó có thể chấp nhận được”.
Mỹ Tâm không chấp nhận những sản phẩm lấy "y chang thiết kế của người khác làm của mình". |
Thế nhưng…
Dù thích hay chẳng hữu ý thì vô hình trung các sản phẩm “đạo nhái” lại gây ảnh hưởng không tốt tới cả hai đối tượng: người mặc và nhà thiết kế.
Xét từ phía người mặc, ở đây là những người nổi tiếng. Đã là ngôi sao thì luôn nằm trong tình thế bị soi mói và đánh giá từ phía công chúng. Dù việc họ mặc váy nhái vẫn có thể có một bộ phận những người ủng hộ dựa trên những lý lẽ đại loại như: “Sao Việt ít tiền hơn sao ngoại thì lấy đâu tiền mua váy xịn”; “Có đẹp thì mới nhái”; “Chẳng việc gì phải bỏ trăm triệu mua váy hiệu”…
Tuy nhiên dưới con mắt của các tín đồ chân chính và những người tôn trọng luật bản quyền về thời trang thì việc mặc hàng nhái lại chính là cách làm xấu đi hình ảnh của người nổi tiếng. Chỉ vì một bộ trang phục yêu thích mà các ngôi sao lại bị vướng vào những thị phi và trở thành bia miệng cho những sự gièm pha chỉ trích. Như vậy có đáng?
Còn xét về phía nhà thiết kế, việc “đạo nhái” sản phẩm không khác gì việc họ tự giết khả năng sáng tạo của mình. Sự học hỏi trong thời trang là điều nên làm và khó tránh khỏi nhưng học hỏi không có nghĩa là copy tới 80, 90, thậm chí là 100% mẫu thiết kế được làm từ chất xám của các vị tiền bối.
Nhà thiết kế Hữu Lợi chia sẻ hiểu biết của mình: “Vấn đề là bắt chước theo cách nào. Chúng ta cần phải cẩn trọng, khi trên thế giới đã từng có chuyện các nhà thiết kế thời trang kiện ca sĩ "copy" mẫu thiết kế của họ”. Nhà thiết kế Quỳnh Paris, người từng tham dự nhiều tuần lễ thời trang nước ngoài, trong một cuộc phỏng vấn, cô cũng gay gắt lên án nạn đạo mẫu thiết kế đang tồn tại khá nhiều ở Việt Nam. Cô cho rằng việc ăn cắp các công đoạn để sản xuất ra một sản phẩm thay vì phải đầu tư chất xám vào nó là một hành động hạ thấp giá trị sản phẩm gốc.
Ở Việt Nam, do luật luật bản quyền về thời trang còn chưa chặt chẽ nên hầu như các “thợ may” mang danh nhà tạo mốt chưa gặp phải các vụ kiện tụng. Trong khi đó, ở nước ngoài, đã xảy ra rất nhiều những trường hợp phải chịu hậu quả vì lỗi “xào nấu” mẫu thiết kế.
Năm 2006, thương hiệu Ralph Lauren đã từng bị kiện vì copy lại bộ tuxedo nữ đình đám do Yves Saint Laurent thiết kế. Vụ kiện kết thúc với mức phạt mà Ralph Laurent phải trả lên tới 400.000 đô tương đương với hơn hơn 8 tỉ đồng.
Năm 2009, Carmel Colle - chủ hãng sợi móc World Tricot kiện "ông lớn" Chanel ra tòa vì việc ăn cắp mẫu sợi móc của hãng. Sau vụ này Chanel đã phải bồi thường cho World Tricot số tiền khoảng 600.000 đô la (tương đương với 12 tỷ đồng).
Chanel mất mặt chỉ vì sử dụng mẫu mã sợi móc của World Tricot. |
Các thương hiệu bình dân chuyên đạo nhái phom dáng của hàng cao cấp cũng không bị bỏ qua. Do không có sự thương lượng ngầm như Zara hay H&M nên hãng bình dân nổi tiếng Forever 21 bị kiện tới 50 lần do vi phạm các quy định về luật bản quyền thời trang. Chủ tịch của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA), bà Diane von Furstenberg cũng từng kiện Forever 21 tới 5 lần. Bà cho biết: “Thật hết sức buồn lòng khi thấy những người mang danh nhà thiết kế lại có thể thản nhiên ăn cắp sản phẩm sáng tạo của người khác”.
Vào tháng 4/2011, Tory Burch đã chiến thắng vang dội khi nhận được 164 triệu đô la trong vụ kiện 42 nhà bán lẻ trên 200 website đã tiêu thụ các sản phẩm nhái mẫu mã thương hiệu Tory Burch.
Và còn vô số những trường hợp khác tương tự liên quan tới việc chống nạn sao chép trong lịch sử thời trang thế giới.