Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ phẩm làm đẹp chứa paraben gây vô sinh, ung thư?

Người tiêu dùng hoang mang sau quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi gần 2.100 loại mỹ phẩm có chứa năm dẫn chất paraben áp dụng từ ngày 31/7.

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt vừa có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc đối với gần 2.100 loại mỹ phẩm có chứa năm dẫn chất paraben gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các sở y tế thông báo về năm loại paraben. Theo các nghiên cứu gần đây, những chất này có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ nội tiết và gây dị ứng cho người sử dụng.

Còn quá nhiều thắc mắc

Anh Hoàng Trí (Q.1, TP.HCM) lo lắng: “Bản thân là nam nhưng tôi cũng có sử dụng một số loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt, sữa tắm… Khi mua mỹ phẩm, tôi thường mua trọn gói cho cả nhà. Giờ bỗng dưng nghe có chất nguy hiểm gì đó gây ung thư nên hơi lo”.

Anh Trí thắc mắc nhiều loại mỹ phẩm đã được gia đình anh dùng từ rất lâu như sữa tắm, dầu gội đầu… nếu bị ảnh hưởng thì bây giờ phải làm sao để chứng minh? Có được bồi thường hoặc hỗ trợ gì không?

“Các cửa hàng thì dễ dàng đổi trả còn nhà tôi mua theo kiểu trọn gói với nhiều sản phẩm thì có được đổi trả hay không?” - anh Trí nói.

Theo chị Việt Trinh, khi mua mỹ phẩm chị dựa trên uy tín thương hiệu là chủ yếu, ít khi chú ý đến thành phần của sản phẩm.“Thành phần nếu có cũng là tên hóa học, người không chuyên đâu dễ gì đọc được. Hơn nữa, nó lại được ghi với cỡ chữ rất nhỏ, nhiều loại còn ghi vài thành phần tượng trưng rồi ba chấm làm sao biết hết được” - chị Trinh hoang mang.

Khách hàng nam chọn mua hàng mỹ phẩm - Ảnh: Tiến Long
Khách hàng nam chọn mua hàng mỹ phẩm - Ảnh: Tiến Long.

Có thể gây vô sinh, ung thư

Bác sĩ chuyên khoa da liễu Huỳnh Huy Hoàng cho biết: “Chất paraben được sử dụng làm chất bảo quản, chất nhũ hóa trong mỹ phẩm có thể gây vô sinh đối với nam hoặc ung thư vú đối với nữ. Tuy nhiên, những chất này có hại khi sử dụng liên tục trong một thời gian dài với nồng độ vượt quá mức quy định”.

Theo ông Hoàng, việc xác định nguyên nhân gây ung thư, vô sinh có phải do paraben gây ra đối với một người hay không là rất khó khăn. Vì khó có thể xác định trong suốt mấy năm hoặc mấy chục năm, người đó đã dùng những loại mỹ phẩm nào, có thành phần ra sao.

Thông thường, tất cả các loại mỹ phẩm đều chứa hoạt chất này với các nồng độ khác nhau như sữa rửa mặt, serum cho vùng mắt, kem dưỡng trắng sáng da, dầu gội và sữa tắm các loại... 

Sản phẩm chứa paraben đã được nhiều cơ quan nước ngoài nghiên cứu và cấm lưu hành từ rất lâu. Tại các nước, sản phẩm phải được ghi thông tin đầy đủ, một số cơ sở còn khẳng định ngay trên bao bì là không chứa paraben.

Ở Việt Nam, mỹ phẩm trôi nổi vẫn được bày bán tràn lan, thông tin trên bao bì không rõ ràng. Bác sĩ Hoàng cho biết: “Thật sự chúng tôi chỉ mới chú ý loại chất này thời gian gần đây khi có thông báo từ bộ. Trước kia, do không có thông báo nên ngành y tế vẫn dùng sản phẩm chứa loại chất này”.

Theo Cục Quản lý dược, sau khi cấm lưu hành sản phẩm chứa chất paraben, nếu doanh nghiệp nào cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm khác trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền còn áp dụng hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi hoặc ngừng lưu hành sản phẩm…

Không hề biết thông tin

Theo chia sẻ của nhân viên Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (TP.HCM), doanh nghiệp này vẫn đang thông báo cho các đại lý để thu hồi sản phẩm theo đúng lộ trình.

Trong khi đó, Công ty cổ phần dược phẩm H.T.P. thông báo trao 1 tỉ đồng cho bất kỳ ai phát hiện paraben trong các dòng mỹ phẩm của hãng này.

Ngược lại với động thái từ các doanh nghiệp, nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, nhất là các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn chưa hay tin.

Anh Toàn (chủ cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Toàn Gia) cho biết: “Không nghe thông báo gì cả. Mình bán nhiều loại nên cũng không biết loại nào có, loại nào không. Người đến mua cũng không thấy hỏi han gì về chất đó”.

Anh Toàn cho rằng cần phải thông báo rộng rãi hơn vì phần lớn người tiêu dùng sẽ không nắm bắt được thông tin này: “Danh sách công bố hàng nghìn sản phẩm rồi ngoài thị trường còn có bao nhiêu loại trôi nổi thì làm sao kiểm soát?”.

Theo đề xuất của anh Toàn, những sản phẩm sắp tới nên ghi rõ ngay trên nhãn dán không có paraben (tương tự như nước tương không có 3-MCPD).

Chị Kiều Duyên (shop Duyên Phan, TP.HCM) cho biết: “Một số người cũng hay hỏi mỹ phẩm có chất gì độc không chứ không hỏi đích danh paraben vì họ đâu biết chất này. Bản thân mình cũng có nghe loáng thoáng nhưng không biết rõ. Mình nghĩ quan trọng là người bán, nếu họ muốn bán nhanh, muốn thu lợi nhuận nhiều thì chắc sẽ không quan tâm đến những thông tin này”.

BS Huy Hoàng đồng quan điểm: “Người bán phần lớn sẽ không quan tâm chuyện thành phần mỹ phẩm. Mỗi người mua phải ý thức chủ động xem kỹ thành phần và nguồn gốc sản phẩm để không ảnh hưởng sức khỏe”.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150801/my-pham-lam-dep-chua-paraben-gay-vo-sinh-ung-thu/786195.html

Theo Sơn Hà/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm